Ra đời trong bão táp cách mạng, ngày 19/8/1945 lực lượng CAND Việt Nam chính thức được thành lập nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân và bảo vệ chính quyền cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu được nhân dân thương yêu đùm bọc và giúp đỡ, CAND Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đoàn kết, mưu trí, dũng cảm đấu tranh đập tan mọi âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền ANTT của Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
Ngày 04.9.1945, Ty trinh sát Công an Bình Định được thành lập. Trong những ngày đầu mới thành lập, lực lượng Công an Bình Định nói riêng đã được khơi dậy và nhân lên bởi lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, ý chí kiên cường và sự dũng cảm hy sinh của mỗi cán bộ chiến sĩ, không quản ngại hy sinh, gian khổ, bắt bớ tù đày, một lòng một dạ trung kiên với Đảng, với dân. Được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, Công an Bình Định đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược Công an Bình Định đã chiến đấu ngoan cường, anh dũng lập nên nhiều chiến công to lớn. Đó là điều tra, bắt, xử lý, tiêu diệt nhiều tên gián điệp, biệt kích, mật thám của Pháp, điều tra triệt phá nhiều nhen nhóm phản động như "Mặt trận quốc gia bài cộng", "Việt Nam quốc dân Đảng"; diệt tề trừ gian vùng tạm chiếm; tổ chức lực lượng chiến đấu chống càn quét, nống lấn của quân viễn chinh Pháp vào vùng giải phóng, bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh đạo Tỉnh ủy; bảo vệ tốt cơ sở của Đảng, giữ vững An ninh trật tự, bảo đảm an toàn sau 300 ngày chuyển quân tập kết.
Ngày 20.7.1954 Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình trên cơ sở công nhận độc lập- chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Theo Hiệp định thì từ vĩ tuyến 17 trở ra thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, từ vĩ tuyến 17 trở vào, tạm giao cho quân đội liên hiệp Pháp quản lý, hai bên thực hiện chuyển quân tập kết, sau hai năm sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Với âm mưu xâm lược nước ta và Đông Dương, Mỹ hất cẳng Pháp, phá hoại Hiệp định, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống chính phủ Việt Nam cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Sau khi nắm chính quyền Ngô Đình Diệm đã đến Quy Nhơn thị sát tình hình và duyệt kế hoạch đánh phá phong trào cách mạng ở Bình Định. Cuối tháng 5.1955 địch hoàn thành việc xây dựng hệ thống ngụy quyền trong tỉnh, liền phát động chiến dịch "Tố cộng", "diệt cộng". Chỉ hơn một năm sau các đợt "tố cộng, diệt cộng" tỉnh Bình Định đã có hơn 20.000 người bị chúng bắt giam, hàng ngàn người khác bị chúng giết hại man rợ…
Trước sự đàn áp khủng bố dã man, tháng 01.1959, Hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa II, đã ra Nghị quyết về " Đường lối cách mạng Việt Nam". Từ Nghị quyết này, quân dân Bình Định dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nổi dậy tấn công tiêu diệt, đập tan chiến lược "dồn dân lập ấp chiến lược", giành quyền làm chủ, giải phóng quê hương. Tiêu biểu là cuộc nổi dậy thắng lợi của quân dân huyện Vĩnh Thạnh, xây dựng địa phương thành căn cứ cách mạng trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước góp phần đánh bại chiến lược "chiến tranh đơn phương" của địch.
Để bảo vệ căn cứ cách mạng, ngày 28.4.1962, tại xã Tu - Krông huyện Vĩnh Thạnh, Tỉnh ủy Bình Định đã quyết định thành lập Ban An ninh tỉnh Bình Định (tiền thân của lực lượng Công an Bình Định) và nhanh chóng củng cố tổ chức, phát triển lực lượng từ tỉnh đến cơ sở.
Tháng 5.1962, Ban An ninh các huyện trong tỉnh đều được thành lập. Tháng 6.1962 trại giam Ban an ninh tỉnh (mật danh K.18) được thành lập, đồng chí Phạm Luận (Quảng) làm Trưởng trại. Tháng 12.1964, tổ chức Ban An ninh tỉnh xây dựng theo mô hình chung gồm: Lãnh đạo Ban an ninh; Văn phòng (B1); Bảo vệ chính trị (B2); Điệp báo- An ninh đô thị (B3); Bảo vệ nội bộ (B4); Chấp pháp (B5); Bảo vệ trị an (B6); Trại giam (B7); đơn vị An ninh vũ trang A10 được đổi thành K90. Đồng chí Trần Quang Khanh khu ủy viên khu V, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định trực tiếp phụ trách. Lực lượng An ninh cấp huyện, xã cũng được tăng cường, củng cố, xây dựng theo mô hình chung. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lực lượng An ninh Bình Định luôn vững vàng, kề vai sát cánh cùng với các lực lượng vũ trang trong tỉnh, chủ động tấn công tiêu diệt địch, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Điển hình như việc đập tan âm mưu bí mật tập kích của địch vào khu căn cứ Hội Sơn, Núi Bà, Trại giam K.18. Chiến đấu chống càn quét, lấn chiếm ở Hội Sơn, Núi Bà…đánh bại và đẩy lùi hàng chục trận, tiêu diệt và bắt sống hàng chục tên địch, trong đó có hàng trăm tên Mỹ và Nam Triều Tiên… Đặc biệt tháng 4.1973, Ban An ninh Bình Định đã hoàn thành việc trao trả 294 tù binh chi địch, tiếp nhận 436 cán bộ, chiến sỹ ta tại cầu Bến Muồng, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân. Đây là một chiến công xuất sắc của Ban An ninh Bình Định trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Để đảm bảo cho công tác chỉ đạo và ổn định tình hình an ninh trật tự của địa phương sau ngày giải phóng, lực lượng An ninh từ tỉnh đến huyện đã tiếp quản, sử dụng cơ quan "Cảnh sát quốc gia ngụy" làm trụ sở, tăng cường lực lượng, sắp xếp lại tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Thực hiện chủ trương của Bộ, ngày 30.8.1975 Ty An ninh Bình Định được đổi thành Ty Công an tỉnh Bình Định, đồng chí Phan Thanh Bình làm Trưởng Ty. Tháng 10.1975 hai tỉnh Bình Định- Quảng Ngãi sáp nhập thành tỉnh Nghĩa Bình, ty Công an hai tỉnh cũng hợp nhất thành Ty Công an tỉnh Nghĩa Bình, đồng chí Nguyễn Nghĩa ( tức Nhâm) làm Trưởng Ty.
Đến 01.7.1989, tách tỉnh Nghĩa Bình để tái thành lập hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Ngay sau khi tái lập tỉnh, Công an tỉnh Bình Định đã tập trung củng cố, bố trí sắp xếp lại lực lượng đủ sức đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ mới.
Trải qua những năm dài chiến tranh tàn khốc, những năm đầu sau giải phóng, tỉnh nhà thiếu thốn trăm bề, thiếu thuốc men, thiếu lương thực, thiếu điện, thiếu nước, một mặt phải đưa dân về làng cũ khôi phục sản xuất, cộng vào đó là lực lượng Công an phải thực thi các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự như: Đăng ký trình diện cải tạo cho tất cả ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động, tình báo gián điệp, tổ chức học tập cải tạo cho tất cả ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động, tình báo gián điệp; tổ chức học tập cải tạo cho những người lầm đường lạc lối, tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng; tiến hành công tác quản lý nhân hộ khẩu, đăng ký phương tiện giao thông...sớm đưa cuộc sống nhân dân vào hoạt động bình thường, tạo điều kiện để nhân dân an tâm sản xuất xây dựng đời sống mới. Song, một số ít ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động tan rã tại chỗ, chưa chịu cải tạo; bọn gián điệp Mỹ- ngụy cài lại âm mưu "hậu chiến"...đã ngấm ngầm ngóc đầu dậy tiến hành hoạt động chống cách mạng, cản trở công cuộc xây dựng cuộc sống mới, hàn gắn vết thương chiến tranh. Nhiều tổ chức phản động với những danh xưng như "Mặt trận cứu nguy dân tộc", "Liên đoàn 18 biệt động quân", đã tiến hành các hoạt động ám sát, phá hoại gây hoang mang, lo lắng tronh nhân dân; bọn FULRO hoạt động manh động ở một số huyện miền núi; tình trạng vượt biên trốn ra nước ngoài liên tiếp xảy ra. Bên cạnh đó, tội phạm hình sự, bọn côn đồ hung hãn, bọn gian thương...cũng lợi dụng tình hình chưa thật ổn định, quản lý Nhà nước về an ninh trật tự còn sơ hở để hoạt động phạm pháp, gây ra hàng loạt vụ cướp của, giết người, trộm cắp tài sản Nhà nước và nhân dân với số lượng lớn; nạn gian thương, đầu cơ tích trữ cũng diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho đời sống của cán bộ và nhân dân. Trước thực trạng đó, bên cạnh việc tập trung khai thác tài liệu, hồ sơ thu được của địch, phối hợp với các lực lượng vũ trang truy quét khẩn trương củng cố lực lượng, khắc phục khó khăn, thiếu thốn, không ngại hiểm nguy, biết dựa vào dân đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của bọn phản động, khám phá nhiều vụ gián điệp, biệt kích, bóc gỡ nhiều tên nội gián đang tìm cách chui sâu, leo cao vào nội bộ nhằm thực hiện âm mưu chống phá cách mạng lâu dài trong các kế hoạch "Hải Triều", "Cao Phong", "Đồ Bàn 1", "Tây Sơn", "Bình Long A"... Vừa đẩy mạnh công tác phòng ngừa, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vừa tiến hành các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, nắm chắc tình hình qua đó Công an Bình Định đã chủ động phát hiện, triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm hình sự, ngăn chặn có hiệu quả nạn đầu cơ, gian thương và các loại tệ nạn. Công an tỉnh đã xác lập nhiều chuyên án hình sự, kinh tế; đấu tranh triệt phá nhiều bằng nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm như băng cướp "Hai Sang", băng cướp "Đông Dương"; điều tra làm rõ nhiều vụ giết người, cướp tài sản, trộm cắp chuyên nghiệp... Kết quả công tác phòng, chống tội phạm đã góp phần phục vụ đặc lực công cuộc cải tạo và xây dựng quê hương, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với cách mạng, qua đó tập hợp sức mạnh toàn dân vượt qua khó khăn, thử thách chung tay thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước, từng bước xây dựng quê hương Bình Định ngày càng vững mạnh.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng vũ trang, các ngành, đoàn thể và sự thương yêu, giúp đỡ đùm bọc của nhân dân, lực lượng Công an Bình Định đã phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành, của quê hương Bình Định tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn, mưu trí, sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội góp phần tạo môi trường thuận lợi để hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực thực hiện thành công sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Trong đó, lực lượng Công an đã làm tốt vai trò tham mưu, giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác đảm bảo an ninh trật tự trong thình hình mới, đẩy mạnh thực hiện chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, công tác phòng chống tham nhũng, buôn lậu... đạt nhiều kết quả rất khả quan. Đặc biệt, đã làm tốt công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, truyền thống hào hùng của các thế hệ công an cho cán bộ, chiến sĩ noi theo; đẩy mạnh các phong trào thi đua; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản công tác nắm tình hình, chú trọng tổ chức công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhờ đó, chất lượng và hiệu quả các mặt công tác công an không ngừng được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ chính trị giai đoạn cách mạng mới.
Suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Công an nhân dân Việt Nam nói chung, Công an Bình Định nói riêng luôn là thanh bảo kiếm bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, "chỉ biết còn Đảng thì còn mình", luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy, UBND tỉnh; biết vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng lực lượng và hậu cần kỹ thuật CAND. Là những người con ưu tú của nhân dân, lực lượng Công an Bình Định luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân vô điều kiện và dựa vào dân để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân vào sự nghiệp bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân và các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, xây dựng và củng cố nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch và bọn tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Trong cuộc chiến đấu đầy cam go, quyết liệt, nhiều cán bộ đã anh dũng ngã xuống, nhiều đồng chí đã hy sinh một phần xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập chủ quyền, bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Ghi nhận những thành tích đó, đến năm 2015, Công an Bình Định được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 20 tập thể và 9 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó 19 tập thể lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, 01 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới; được tặng 6 Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ; 9 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an; 9 cá nhân (trong đó có 7 liệt sĩ) được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân, huy chương các loại.
Công an Bình Định tự hào đã góp phần tô thắm lá cờ truyền thống của CAND Việt Nam và tiếp tục phát huy truyền thống trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.