Căn cước công dân trả muộn

Tôi đã làm thủ tục làm CCCD cách đây 3, 4 tháng; đã quá thời gian trong giấy hẹn nhưng sao đến nay vẫn chưa nhận được CCCD

Trả lời:

Theo quy định của Luật CCCD 2014, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý CCCD gắn chip phải cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD gắn chip cho công dân trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc (đối với việc cấp mới, cấp đổi, tại thành phố, thị xã); 15 ngày đối với trường hợp cấp lại (do phải tra cứu, xác minh).
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều người đã làm căn cước lâu nhưng vẫn chưa nhận được, Công an tỉnh xin trả lời như sau:

Trong Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD), Công an tỉnh có nhiệm vụ thu thập thông tin căn cước công dân và chuyển ra Bộ Công an để kiểm ra dữ liệu và duyệt in; việc in thẻ CCCD do Bộ Công an thực hiện, sau đó chuyển thẻ CCCD về các địa phương để trao trả cho người dân (qua bưu điện hoặc nhận trực tiếp). 

Theo Bộ Công an, sau nhiều tháng nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành công an đã thực hiện trả khoảng 45 triệu thẻ CCCD gắn chip điện tử tới tay người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử. Việt Nam phải nhập khẩu chip từ nước ngoài, trong khi nhiều nước rơi vào tình trạng khủng hoảng về sản xuất chip gắn trên CCCD. Do vậy, đây là nguyên nhân khách quan tác động lớn đến tiến độ sản xuất thẻ CCCD để trả cho người dân. Bên cạnh đó, trong quá trình làm sạch dữ liệu, có nhiều trường hợp khai thông tin không trùng khớp với hồ sơ cơ quan Công an đang quản lý nên cần phải kiểm tra lại dữ liệu nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ duyệt in CCCD.
Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an, cho hay để tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân khi bị chậm trả thẻ CCCD, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã ban hành mẫu thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Người dân nếu có nhu cầu sử dụng thẻ CCCD mà chưa được trả thì có thể đề nghị công an xã, phường, thị trấn nơi đăng ký thường trú cấp văn bản thông báo về số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Người dân sử dụng thông báo này này để chứng minh nội dung thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Công an tỉnh mong người dân thông cảm và tiếp tục đợi thêm thời gian nữa. Khi có CCCD chuyển về tỉnh thì chúng tối sẽ thông báo sớm để người dân đến nhận hoặc chuyển đến địa chỉ trong trường hợp có đăng ký với Bưu điện.
Trân trọng.

CÔNG DÂN CẦN GIẢI ĐÁP NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN CĂN CƯỚC CÔNG DÂN XIN VUI LÒNG LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG TẠI ĐỊA CHỈ DƯỚI ĐÂY
https://congan.binhdinh.gov.vn/vi/news/luc-luong-qlhc/so-dien-thoai-ho-tro-cong-dan-tren-linh-vuc-cu-tru-cccd-tren-dia-ban-tinh-967.html

Chỗ nào làm Căn cước công dân?

Tôi có nhu cầu làm căn cước công dân thì liên hệ ở đâu?

Trả lời:
Việc thu thập thông tin CCCD được tiến hành thường xuyên tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19, một số Công an các huyện, thị xã, thành phố đang tập trung lực lượng phòng chống dịch COVID-19 nên chưa tiếp nhận hồ sơ CCCD.

Kể từ ngày 11.10.2021, Công an tỉnh đã tiếp tục tổ chức thu thập thông tin căn cước công dân tại tất cả các địa điểm nêu trên.  
Lưu ý: - Khi đến làm việc đề nghị thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch COVID-19.
           - Thời gian làm việc: Tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ Bảy và Chủ nhật). Buổi sáng từ 7h đến 11h, buổi chiều từ 13h30 đến 17h.

Cụ thể các địa điểm thường xuyên làm căn cước công dân có gắn chíp:
Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, số 10 đường Trần Phú, TP Quy Nhơn : Công dân đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Trụ sở Công an huyện, thị xã, thành phố: Công dân đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn của huyện, thành phố, thị xã.

(Việc làm hồ sơ căn cước công dân lưu động tại các điểm trên địa bàn phường, xã, thị trấn sẽ có thông báo riêng)

CÔNG DÂN CẦN GIẢI ĐÁP NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN CĂN CƯỚC CÔNG DÂN XIN VUI LÒNG LIÊN HỆ ĐƯỜNG DÂY NÓNG TẠI ĐỊA CHỈ DƯỚI ĐÂY
https://congan.binhdinh.gov.vn/vi/news/luc-luong-qlhc/so-dien-thoai-ho-tro-cong-dan-tren-linh-vuc-cu-tru-cccd-tren-dia-ban-tinh-967.html

Khi đi làm CCCD cần mang theo giấy tờ gì?

Tôi đến làm CCCD cần chuẩn bị những gì?

Trả lời:
1)-  VỀ HỒ SƠ:
+ CMND đã được cấp, sổ hộ khẩu.
+ Giấy khai sinh hoặc các giấy tờ hợp pháp khác trong trường hợp thông tin công dân khai trên tờ khai đề nghị cấp CCCD gắn chíp có thay đổi so với thông tin trong sổ hộ khẩu hoặc trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
+ Trường hợp tạm trú: mang theo Sổ tạm trú, Sổ hộ khẩu phô tô (của nơi đăng ký thường trú) hoặc giấy xác nhận nơi cư trú (CT07) do Công an xã, phường, thị trấn cấp.


Để được cấp CCCD hợp lệ, người dân phải bổ sung đầy đủ các trường thông tin bắt buộc trong sổ hộ khẩu nhất là thông tin về ngày, tháng, năm sinh, nguyên quán, dân tộc, quốc tịch... Vì vậy, người dân cần kiểm tra, đối chiếu thông tin trong sổ hộ khẩu, nếu chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, cần liên hệ cơ quan Công an nơi làm thủ tục đăng ký thường trú để điều chỉnh, bổ sung trước khi đi làm CCCD.
 Nếu CMND cũ hoặc sổ hộ khẩu không có đủ thông tin ngày, tháng, năm sinh thì người dân phải đem theo bản sao giấy khai sinh có ngày, tháng, năm sinh đến cơ quan Công an để bổ sung. Trường hợp có giấy khai sinh nhưng không có đầy đủ ngày, tháng, năm sinh (chỉ có năm sinh) hoặc từ trước đến nay không có giấy khai sinh, không xác định được ngày, tháng, năm sinh thì phải liên hệ Ủy ban nhân dân nơi đăng ký thường trú để được tư pháp hộ tịch hướng dẫn thủ tục bổ sung ngày, tháng, năm sinh vào giấy khai sinh hoặc cấp giấy khai sinh. Sau đó, bổ sung đầy đủ vào sổ hộ khẩu để phục vụ việc cấp CCCD.

2)- VỀ TRANG PHỤC:
 Điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP và mục II.1.b Thông tư 04/1999/TT-BCA quy định về ảnh chứng minh nhân dân như sau: “Ảnh do cơ quan công an chụp hoặc thu qua camera để in trên CMND và tờ khai. Ảnh màu, kích thước là 3×4 cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, trang phục tác phong nghiêm túc, lịch sự.”  Theo Thông tư 07/2016 của Bộ Công an, ảnh chụp chân dung khi làm căn cước công dân phải rõ khuôn mặtrõ hai tai và không đeo kính. Khi chụp, công dân phải để đầu trần, ngồi nghiêm túctrang phục lịch sự và không sử dụng trang phục chuyên ngành như công an, y bác sĩ, quân đội,… Trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc của mình.

Vì vậy để chụp rõ mặt người dân là nam phải cạo râu, nữ chỉ trang điểm nhẹ, trang phục lịch sự khi đi làm CCCD.

3)- LỆ PHÍ:

Thông tư 59/2019 của Bộ Tài chính quy định mức thu lệ phí cấp CCCD như sau:

- Công dân chuyển từ chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số sang cấp thẻ CCCD: 30.000 đồng/thẻ CCCD.

- Đổi thẻ CCCD khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ CCCD.

- Cấp lại thẻ CCCD khi bị mất thẻ, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ CCCD.
- Người dân có nhu cầu chuyển CCCD đến địa chỉ cụ thể thì ngành Bưu điện sẽ chuyển theo yêu cầu và nộp tiền theo quy định của ngành Bưu điện

- 3 trường hợp được miễn lệ phí khi làm CCCD gắn chip bao gồm:

          + Đổi thẻ căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính.
          + Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
          + Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

- 3 trường hợp không phải nộp lệ phí bao gồm:

         + Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 19, khoản 2 Điều 32 Luật căn cước công dân.
         + Đổi thẻ căn cước công dân theo quy định tại Điều 21 và điểm a khoản 3 Điều 32 Luật căn cước công dân.
         + Đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây