Logo CAND

Hiểu đúng - Làm đúng - Chung tay giữ gìn bình yên xóm làng.

Thứ tư - 07/05/2025 15:58 33 0
Trong thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước tiếp tục xảy ra vụ việc liên quan đến sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, pháo và đồ chơi nguy hiểm. Đây là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, vì đó là nguồn công cụ nguy hiểm trong các hoạt động phạm tội. Các đối tượng sử dụng trong các vụ án như cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cướp, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản… Đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ việc cháy, nổ đe dọa tính mạng của người dân, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Để thực hiện tốt các quy định về quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ mỗi người dân cần hiểu rõ một số khái niệm sau:
         
Theo Điều 2, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các từ ngữ trên được hiểu như sau:

         
“1. Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những thiết bị, phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, súng săn.

         
2. Vũ khí quân dụng bao gồm:

         
a) Súng cầm tay, súng vác vai, vũ khí hạng nhẹ, vũ khí hạng nặng, đạn sử dụng cho các loại vũ khí này; các loại bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi và vũ khí khác thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành, trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này;

         
b) Súng bắn đạn ghém, súng nén khí, súng nén hơi, đạn sử dụng cho các loại súng này thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;

         
c) Vũ khí quy định tại điểm a khoản 4, Điều này trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

         
d) Súng săn, vũ khí quy định tại điểm a khoản 4, vũ khí quy định tại điểm a khoản 5 và dao có tính sát thương cao quy định tại khoản 6, Điều này sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật;

         
đ) Linh kiện cơ bản của súng quy định tại điểm a, khoản này bao gồm: Thân súng, nòng súng, bộ phận cò, bộ phận khóa nòng, kim hỏa;

         
e) Linh kiện cơ bản của súng quy định tại điểm b, khoản này bao gồm thân súng, bộ phận cò;

         
g) Vũ khí khác có tính năng, tác dụng, khả năng gây sát thương tương tự như vũ khí quy định tại điểm a hoặc điểm b, khoản này, không thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.

         
3. Súng săn là súng kíp, đạn sử dụng cho súng này sử dụng vào mục đích săn bắn.

         
4. Vũ khí thô sơ bao gồm:

         
a) Kiếm, giáo, mác, thương, dao găm, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;

         
b) Dao có tính sát thương cao quy định tại khoản 6, Điều này sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.

         
5. Vũ khí thể thao bao gồm:

         
a) Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay, đạn sử dụng cho các loại súng này thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành được trang bị, sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao;

         
b) Vũ khí quy định tại điểm a, khoản 4, Điều này dùng để luyện tập, thi đấu thể thao;

         
c) Linh kiện cơ bản của súng quy định tại điểm a, khoản này bao gồm: Thân súng, nòng súng, bộ phận cò, bộ phận khóa nòng, kim hỏa.

         
6. Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.

         
...

         
11. Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:

         
a) Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này; phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ; dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh; ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;

         
b) Động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;

         
c) Công cụ khác có tính năng, tác dụng tương tự như công cụ hỗ trợ quy định tại điểm a khoản này, không thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành...”.
 
1 cax phuoc son huyen tuy phuoc tiep nhan khau sung do nguoi dan tu nguyen giao nop
1 CAX Phước Sơn, huyện Tuy Phước tiếp nhận khẩu súng do người dân tự nguyện giao nộp
Vậy những hành vi nào liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ bị cấm theo quy định:
         
Theo Điều 4, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024 thì các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

         
“1. Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí quy định tại 
điểm a, khoản 4, Điều 2 của Luật này là hiện vật trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo.

         
2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, hoán cải, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

         
3. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, hoán cải, sử dụng hoặc chiếm đoạt súng săn.

         
4. Vận chuyển, mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ, mục tiêu bảo vệ và nơi công cộng.

         
5. Lợi dụng, lạm dụng việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe con người, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

         
6. Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân.

         
7. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được giao.

         
8. Giao vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.

         
9. Trao đổi, tặng, cho, tiếp nhận, viện trợ, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, trừ trường hợp sau đây:

         
a) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước để phục vụ việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, trang bị, sử dụng hoặc trưng bày, triển lãm theo quy định của Luật này;

         
b) Trao đổi, tặng, cho, tiếp nhận, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê vũ khí thô sơ là hiện vật trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo;

         
c) Được cấp có thẩm quyền cho phép.

         
10. Vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

         
11. Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

         
12. Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố trái phép phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

         
13. Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc quảng cáo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ dưới mọi hình thức.

         
14. Che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, hoán cải, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

         
15. Tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

         
16. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; không báo cáo, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.”

 
1 nguoi dan xa phuoc quang huyen tuy phuoc tu nguyen giao nop so dan ak47 cho luc luong cong an
Người dân xã Phước Quang, huyện Tuy Phước tự nguyện giao nộp số đạn AK47 cho lực lượng Công an
Việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm được quy định tại Điều 11, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ (trong đó cá nhân vi phạm có thể bị phạt tối đa đến 40 triệu đồng). Trường hợp có tính chất, mức độ nghiêm trọng thì có thể sẽ bị xử lý về trách nhiệm hình sự, theo quy định tại các Điều từ 304 đến Điều 308 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).  
         
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 6, Điều 6 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP ngày 09/9/2022 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định các trường hợp đã tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ đã tự giác giao nộp theo vận động của chính quyền địa phương thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự tương ứng với hành vi phạm tội, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 8, Bộ luật Hình sự quy định những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.
danh muc cac loai vu khi cong cu ho tro can giao nop
Danh mục các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ cần giao nộp
Để bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh tại nơi mình sinh sống, làm việc; cơ quan Công an đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm một số nội dung như sau:
         
1. Tuyệt đối không chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các loại pháo nổ.

         
2. Tuyên truyền, vận động người thân, người cùng làm việc và những người khác chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

         
3. Khuyến khích Nhân dân phát hiện, tự nguyện giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm. Trường hợp phát hiện vi phạm các quy định trên, đề nghị phản ánh, tố giác đến cơ quan Công an gần nhất. Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật
.

Tác giả bài viết: Ngọc Trung - CAX Phước Thắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây