Logo CAND

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức cài ứng dụng giả mạo.

Thứ ba - 07/01/2025 15:52 269 0
Những ngày cuối năm 2024, trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục tái diễn chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng thủ đoạn yêu cầu cài đặt ứng dụng (App) giả mạo. Những kẻ xấu đang lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người dùng để chiếm đoạt tài sản và gây thiệt hại nghiêm trọng.
Cảnh báo lừa đảo thanh toán tiền điện qua App
Cảnh báo lừa đảo thanh toán tiền điện qua App
Cài App giả, mất tiền thật
         
Ngày 30/12/2024, Công an huyện Tuy Phước cho biết vừa tiếp nhận đơn trình báo của người dân về việc bị lừa mất hơn 234 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng khi cài đặt App nộp thuế điện tử giả để thanh toán tiền thuế. Theo đó, anh Y trú xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, tự xưng đang công tác tại Chi cục Thuế huyện Tuy Phước, đề nghị anh Y kết bạn qua Zalo và gửi đường link cài App thuế điện tử để nộp thuế theo quy định. Tin lời, anh Y nhanh chóng thực hiện thao tác cài App và bị mất quyền kiểm soát điện thoại của mình. Sau khi kiểm soát được điện thoại, anh Y kiểm tra, phát hiện toàn bộ số tiền trong tài khoản của mình đã mất.

         
Trước đó, vào ngày 25/12/2024, Công an huyện Phù Mỹ cũng đã tiếp nhận đơn trình báo của một công dân trên địa bàn bị các đối tượng lừa đảo yêu cầu cài phần mềm dịch vụ công giả mạo và chiếm đoạt số tiền lớn. Theo đó, vào tối 22/12/2024, bà N.T.H.T (SN 1986) trú huyện Phù Mỹ nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng tên là Tâm, cán bộ Công an xã báo con gái của bà bị sai thông tin cá nhân trên Hệ thống dữ liệu dân cư và yêu cầu bà T tải phần mềm do đối tượng cung cấp để thực hiện chỉnh sửa. Tin lời, bà T tải phần mềm và nhập các thông tin theo yêu cầu của đối tượng, ngay lập tức các đối tượng đã chiếm quyền điều khiển điện thoại của bà T và chiếm đoạt 233 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của bà. Theo bà T, do quá trình tải ứng dụng thấy có chữ dịch vụ công nên bà không nghi ngờ nên tải về.

         
Cũng bằng thủ đoạn tương tự, các đối tượng dùng chiêu trò lừa đảo bằng cách dụ người dân tải App điện lực giả để thanh toán tiền điện. Đơn cử, ngày 07/12/2024, anh Huỳnh Phước A trú huyện Tuy Phước phát hiện toàn bộ số tiền hơn 200 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của mình bị mất sạch chỉ sau vài thao tác khai báo đơn giản. Anh A cho biết, nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên điện lực, yêu cầu thanh toán tiền điện tháng 11/2024. Do chưa thanh toán tiền điện nên đối tượng này đã gợi ý anh A kết bạn qua Zalo và gửi đường link cài App điện lực giả để thanh toán. Ngay sau khi thực hiện theo thì toàn bộ số tiền hơn 200 triệu đồng trong tài khoản của anh A bị mất.

         
Luôn cảnh giác, phòng ngừa

         
App là từ viết tắt của Application, có nghĩa là ứng dụng. Trong lĩnh vực công nghệ, App thường được hiểu là một phần mềm hoặc tiện ích cụ thể nào đó. Tùy thuộc vào nhà phát triển và nhu cầu cụ thể của người dùng, mỗi ứng dụng sẽ đảm nhiệm các chức năng khác nhau. Hiện nay, có các App phổ biến như: App giải trí  (YouTube, TikTok, Spotify), App giáo dục (ELSA Speak, Từ điển TFLAT, VOA), App quản lý công việc (Trello, To-Do List, Google Keep) và đặc biệt là các App tài chính giúp quản lý, theo dõi tài chính cá nhân, thanh toán hóa đơn và thực hiện giao dịch ngân hàng từ thiết bị di động…

         
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng các App giả mạo hiện nay khá phổ biến, trong đó chủ yếu là mạo danh các ngân hàng, sàn thương mại điện tử, bảo hiểm, cơ quan nhà nước… Đặc biệt, cùng với sự trợ giúp của 
trí tuệ nhân tạo (AI), trong một thời gian rất ngắn tội phạm mạng có thể tạo ra các App có giao diện giống 100% và tên miền gần giống với thương hiệu chính chủ nên dễ gây nhầm lẫn. Nếu người dùng đồng ý cài đặt các App giả mạo này, đối tượng lừa đảo có thể chiếm quyền điều khiển, theo dõi, kiểm soát điện thoại nạn nhân. Từ đó, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại, thậm chí có thể đánh cắp các thông tin nhạy cảm hoặc dùng để tiếp tục lừa các nạn nhân khác như bạn bè, người thân của nạn nhân…

 
giao dien co quan thue gia mao
Giao diện cơ quan thuế giả mạo
Thượng tá Trương Văn Phụng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Định cho biết: Tình trạng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Để phòng tránh lừa đảo bằng chiêu trò cài đặt App giả mạo, người dân cần cảnh giác khi nhận các cuộc điện thoại từ người lạ, nhất là các trường hợp tự xưng là cán bộ cơ quan quản lý nhà nước (như Công an, Thuế, Bảo hiểm xã hội, Điện lực…) để thông báo, yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin qua điện thoại; tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, App theo yêu cầu của các đối tượng dễ có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển điện thoại.

“Khi muốn tải, cài đặt App, phần mềm, chúng ta chỉ tải từ kho ứng dụng chính thống là Google Play (hệ điều hành Android) hoặc App Store (hệ điều hành IOS). Đồng thời, người dân cũng nên cảnh giác, tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link và App giả mạo qua điện thoại hay các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook. Trường hợp nhận được các tin nhắn hoặc cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật”, Thượng tá Trương Văn Phụng cho biết thêm.

Tác giả bài viết: Từ Thanh Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây