Theo Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024, Nhà nước ta sẽ tiến hành đặc xá tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân có đủ điều kiện vào dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2024) và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Đến nay, công tác đặc xá đang được các cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương, nghiêm túc và chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với mục đích chống phá, các thế lực thù địch đã tung ra vô số thông tin sai trái, độc hại xung quanh công tác này.
Lợi dụng quá trình xét đặc xá, các đối tượng xấu đã lèo lái dư luận, móc nối với hoạt động phạm tội của các đối tượng lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để công kích Đảng, Nhà nước ta. Chúng rêu rao rằng: “Đảng, Nhà nước Việt Nam phân biệt đối xử với các “tù nhân lương tâm” trong đặc xá”; “cứ nộp tiền sẽ được đặc xá”; “công lý không giành cho dân nghèo”; “đặc xá chỉ là trò mị dân”; “Nhà nước diễn kịch trong xét đặc xá cho phạm nhân”… Từ một chính sách nhân văn, nhân đạo, qua lăng kính nhìn nhận của các đối tượng khoác áo dân chủ, nhân quyền, công tác đặc xá đã bị bóp méo, bôi lem, tạo ra gam màu tiêu cực, bôi xấu Đảng, Nhà nước, chế độ.
Trang facebook của tổ chức khủng bố Việt Tân đưa ra nhiều thông tin tiêu cực, cho rằng đặc xá chỉ là “diễn kịch”, “trò hề”, thậm chí xuyên tạc Nhà nước Việt Nam “cưỡng bức đặc xá”. Các đối tượng dựa vào những thông tin sai trái trên mạng xã hội rồi mặc nhiên quy kết, Nhà nước Việt Nam áp dụng hình thức “cưỡng bức đặc xá”! Các đối tượng quy kết những phạm nhân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, bị kết án tù về các tội như “tội thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”, “tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”… để gán ghép thành “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm”, từ đó đưa ra yêu sách đòi Nhà nước phải đặc xá, tha tù “vô điều kiện” cho các phạm nhân này.
Đặc xá là một trong những chế định pháp lý quan trọng, được quy định trong Hiến pháp và đồng thời được thể chế hoá tại Luật Đặc xá cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong 15 năm qua, với 9 đợt đặc xá, Chủ tịch nước đã quyết định tha tù trước thời hạn cho hơn 92.000 phạm nhân có kết quả học tập, cải tạo, lao động tốt. Nhiều trường hợp sau khi được đặc xá trở về với gia đình đã tích cực tham gia các hoạt động lao động, sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; trở thành hạt nhân tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Sau khi Chủ tịch nước ký ban hành Quyết định về đặc xá năm 2024, Văn phòng Chủ tịch nước đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao tổ chức họp báo công bố công khai quyết định này. Để bảo đảm công tác đặc xá được thực hiện dân chủ, công bằng, khách quan, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Ngày 2/8/2024, thay mặt Hội đồng tư vấn đặc xá, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký ban hành Hướng dẫn số 88/HD-HĐTVĐX về việc triển khai Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024. Tiếp đó, ngày 7/8/2024, Chính phủ ban hành Công điện số 76/CÐ-TTg về việc triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2024. Đây là những căn cứ quan trọng để công tác đặc xá được thực hiện hiệu quả. Cùng với đó, để tăng cường tính công khai, minh bạch trong xét đặc xá, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác đặc xá để người dân và các can phạm hiểu, tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và người nhà cũng như nâng cao hiệu quả công tác giám sát xã hội đối với hoạt động của cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ.
Đến nay, công tác đặc xá được các cơ quan chức năng thực hiện theo quy trình chặt chẽ, bảo đảm đúng đối tượng, đúng thủ tục, điều kiện. Khi xét đặc xá, tất cả phạm nhân được xem xét một cách bình đẳng, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội trước khi bị kết án. Nguyên tắc cao nhất khi xét đặc xá là thượng tôn pháp luật. Pháp luật nước ta nghiêm cấm các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị đặc xá cho người không đủ điều kiện; không đề nghị đặc xá cho người không đủ điều kiện; không cản trở người bị kết án phạt tù thực hiện quyền được đề nghị đặc xá; nghiêm cấm việc đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhũng nhiễu trong việc thực hiện đặc xá…
Đặc xá là chính sách khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với phạm nhân; thể hiện sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân; mở ra cơ hội mới đối với những người đã từng lầm lỡ, lạc đường nay đã ăn năn, hối cải. Vì vậy, để được hưởng đặc xá, các phạm nhân phải đáp ứng nhiều điều kiện về ý thức cải tạo, chấp hành án; thời gian chấp hành án phạt tù; việc chấp hành hình phạt bổ sung, đóng án phí; việc chấp hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại… Đồng thời, pháp luật cũng quy định rõ các trường hợp không được đặc xá, đó là các phạm nhân bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; tội phá rối an ninh… Đây là cơ sở để sàng lọc, bảo đảm những người được hưởng đặc xá phải thực xứng đáng, tránh trường hợp sau khi được hưởng khoan hồng lại tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm, gây hại cho Tổ quốc.
Việc các đối tượng xấu bôi nhọ công tác đặc xá với chiêu bài “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” là một thủ đoạn hết sức đê hèn. Phải khẳng định rõ, ở Việt Nam không tồn tại cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Việc kết án đối với bất kỳ ai đều trải qua một quá trình tố tụng hình sự nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật. Thực chất, những kẻ được giới “dân chủ” xếp vào nhóm “tù nhân lương tâm” hầu hết là các đối tượng bị kết án thuộc nhóm tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia. Đáng chú ý, ngay cả trong quá trình chấp hành án phạt tù, các đối tượng này vẫn không hề hối cải, tiếp tục ngoan cố, không nhìn nhận được lỗi lầm của bản thân, không từ bỏ ý đồ chống phá đất nước, liên tục thực hiện các hành vi chống đối, bất hợp tác với cán bộ quản giáo. Thậm chí, có kẻ còn giở trò tạo cớ cho các thế lực bên ngoài thực hiện hành vi chống phá, gây sức ép, tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước. Theo quy định tại Hiến pháp thì “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”. Do đó, không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều không bao giờ chấp nhận những kẻ phá hoại đất nước.
Đặc xá là chính sách thể hiện rõ tính nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta, là minh chứng khẳng định Việt Nam luôn ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Không chỉ dừng lại ở việc tha tù trước thời hạn, Đảng, Nhà nước còn thực hiện đồng bộ các giải pháp để những phạm nhân sau khi được đặc xá có điều kiện thuận lợi trong tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định, trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa tái phạm tội, vi phạm pháp luật. Để bảo đảm công tác đặc xá năm 2024 mang lại hiệu quả cao nhất, cùng với việc rà soát, lập danh sách đề nghị đặc xá, các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về đặc xá, đặc biệt chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân trong việc xóa bỏ thái độ kỳ thị đối với người được đặc xá. Đây là những minh chứng rõ ràng về tính nhân văn, khách quan, công minh trong xét đặc xá, phản bác các luận điệu xuyên tạc công tác đặc xá mà các thế lực thù địch, phản động đang cố tình bôi nhọ, xuyên tạc.
(Nguồn: cand.com.vn)
Ý kiến bạn đọc