Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ ba - 28/02/2023 09:055140
Sáng 25/02/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về CĐS và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Cùng dự có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về CĐS, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo về CĐS Bộ Công an; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo về CĐS Bộ Công an; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội. Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, trong khi chuyển đổi số là xu hướng, phong trào có tính toàn cầu. Trong nước, tình hình có thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn… Trong bối cảnh đó, CĐS quốc gia và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm, phải có tư duy đi trước, đón đầu, đi trước - về trước, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến. Về dữ liệu, phải quán triệt quan điểm đây là tài nguyên quý của quốc gia, cần biến tài nguyên này thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số...
Báo cáo tóm tắt định hướng các nhiệm vụ trọng tâm triển khai CĐS quốc gia năm 2023 và dự thảo kế hoạch hoạt động năm 2023 của Uỷ ban quốc gia về CĐS, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ: Năm 2022, công tác CĐS và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực trên nhiều mặt. Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai CĐS bền vững, thực chất, đồng bộ thì dữ liệu số là yếu tố quyết định. Do vậy, chủ đề của năm 2023 – Năm quốc gia về dữ liệu số là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”; với 05 nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển dữ liệu mở; Phát triển cơ sở dữ liệu; Phát triển các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu…
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Đề án 06, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ: Từ sau Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai Đề án 06 ngày 25/12/2022 đến nay, công tác chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, cụ thể: Chính phủ đã ban hành 03 Nghị quyết chỉ đạo triển khai Đề án; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để chỉ đạo, triển khai các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Đề án 06; Bộ trưởng Tô Lâm đã chủ trì họp giao ban Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tháng 01 và tháng 02/2023, chỉ đạo tập trung rà soát và thống nhất 101 nhiệm vụ của các bộ, ngành, 18 nhiệm vụ của các địa phương thực hiện Đề án 06 năm 2023, đồng thời, triển khai các giải pháp để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải hoàn thành, không để thời gian nghỉ Tết Nguyên đán làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án…
Đối với 07 nhiệm vụ giao Bộ Công an thực hiện, đến nay, đã hoàn thành 05/07 nhiệm vụ, cụ thể: Báo cáo đề xuất xây dựng Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia, báo cáo Chính phủ cho chủ trương tại Phiên họp thường kỳ tháng 01/2023; tổ chức 02 Hội thảo với chuyên đề về “Dữ liệu, về an ninh an toàn trong chia sẻ dữ liệu” và “Xây dựng hạ tầng cơ bản, hạ tầng vỏ trạm, quy hoạch và phát triển cơ sở dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia”. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai 02 nhóm dịch vụ công liên thông: “Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng phí”. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 năm 2023 và những năm tiếp theo, với 18 nhóm nhiệm vụ chung, 46 nhóm nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành và 08 nhiệm vụ riêng của địa phương; đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc cập nhật dữ liệu thuê bao di động vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ đưa báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 tháng 01/2023, nhiệm vụ trọng tâm tháng 02/2023 vào thảo luận tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 01/2023. Ban hành Quyết định kiện toàn thành viên Tổ công tác triển khai Đề án với 05 đồng chí Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Thông tin và truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Về hoàn thiện thể chế, ngày 14/02/2023, Bộ Tư pháp đã chủ trì, họp bàn với các bộ, đánh giá kết quả thực hiện rà soát pháp luật triển khai định danh và xác thực điện tử; tích hợp thông tin cá nhân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNeID. Thống nhất phương hướng triển khai nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống Luật, pháp lệnh để phục vụ triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Đối với Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngày 07/02/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định. Thông qua nội dung Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung dự thảo Nghị định, Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ quốc hội. Đến nay, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để Chính phủ hoàn thiện, ban hành.
Về dịch vụ công, tính đến ngày 23/02/2023, có hơn 178,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên cổng dịch vụ công quốc gia; trong đó, có hơn 8,6 triệu hồ sơ trực tuyến. Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử; một số dịch vụ tỷ lệ trực tuyến cao như: Thông báo lưu trú (đạt 98,51%); Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông (đạt 63,39%)... Đã tích hợp VNeID trên Cổng dịch vụ công Quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đăng nhập, khắc phục tình trạng không có số điện thoại chính chủ (đến nay đã có hơn 300 nghìn tài khoản định danh điện tử sử dụng trên Cổng dịch vụ công Quốc gia với hơn 4,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái).
Đối với 02 nhóm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng phí”: Ngày 06/02/2023, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai; Ban hành văn bản 799/TB-TCTTKĐA, ngày 15/02/2023 đôn đốc các bộ, ngành hoàn thiện các thủ tục về phần mềm, hệ thống, quy trình, hoàn thành trước ngày 28/02/2023 trước khi triển khai nhân rộng trên toàn quốc...
Tính đến ngày 23/02/2023, thu nhận hơn 21,9 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, trong đó phê duyệt hơn 20,2 triệu hồ sơ (đạt 92,2% so với tổng số hồ sơ được thu nhận); có hơn 4,5 triệu tài khoản kích hoạt (chiếm 22,66% tổng tài khoản phê duyệt), tiếp tục phát triển các tiện ích trên ứng dụng VNeID theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đã có 128.855 lượt khai báo Thông tin lưu trú từ 29.110 công dân; có 803 tin phản ánh về an ninh, trật tự từ 501 công dân qua VNeID). Đã cấp hơn 78,6 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân... Nền tảng căn cước công dân gắn chip đã ứng dụng trên các lĩnh vực, tạo được kết quả nổi bật, như trên lĩnh vực y tế, đã có 12.275/13.047 cơ sở khám chữa bệnh triển khai bằng căn cước công dân gắn chip tích hợp Bảo hiểm Y tế (đạt 94,08%) với hơn 18,5 triệu công dân sử dụng căn cước công dân đi khám, chữa bệnh trên toàn quốc...
Từ việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc, đã triển khai, kết nối, chia sẻ với 13 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 60 địa phương. Tiếp tục hỗ trợ các đoàn thể xây dựng dữ liệu quản lý đoàn viên, hội viên trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Triển khai kết nối, làm sạch thông tin thuê bao di động của 03 nhà mạng viễn thông: Viettel, Mobifone, Vinaphone…