Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ sáu - 10/12/2021 09:437670
Ngày 08/12/2021, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng". Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công an đến 63 điểm cầu Công an các địa phương.
Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng, TS Lê Quốc Hùng – UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thậtcùng sự tham gia của các nhà khoa học, tướng lĩnh, sĩ quan từ các đơn vị cơ sở đào tạo trong, ngoài lực lượng Công an nhân dân và các đại biểu là đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Giám đốc, lãnh đạo cấp Phòng của lực lượng Công an nhân dân tại các điểm cầu trực tuyến trong cả nước...
Tại điểm cầu Công an tỉnh Bình Định có các đồng chí trong ban giám đốc Công an tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Thông tin – truyền thông, Sở Ngoại vụ và các ban xây dựng Đảng của tỉnh ủy và đại diện Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo nêu rõ trong thời đại ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội là xu thế khách quan, tất yếu, đã và đang đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của từng quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương phát triển internet ở Việt Nam, đồng thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nhờ đó internet và mạng xã hội đã phát triển nhanh chóng, ngày càng thâm nhập sâu rộng vào mọi mặt đời sống xã hội, đóng góp quan trọng vào thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Tuy nhiên, internet, mạng xã hội cũng tồn tại những mối đe dọa về an ninh mà rất nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển luôn đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây, nhiều cuộc tấn công mạng và những hành vi phá hoại an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật trên không gian mạng ngày càng gia tăng về số vụ, thủ đoạn tinh vi và tính chất phức tạp, mức độ nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng tới các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật để bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Tại Hội thảo, đã có 10 báo cáo tham luận của cả các cơ quan Trung ương và địa phương, trong đó nhiều tham luận tâm huyết, sâu sắc đề cập tới các khía cạnh như: "Bàn về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng - Những yêu cầu bảo đảm các chỉ số an ninh, an toàn trong bối cảnh hiện nay" của Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; "Nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng" của Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; tham luận "Nâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay" của PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh...
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho rằng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là lĩnh vực hoàn toàn mới, khó, rất rộng lớn, phức tạp và nhạy cảm. Khái quát nội dung Hội thảo bằng 5 vấn đề lớn, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh trước hết cần nâng cao nhận thức về không gian mạng và không gian mạng quốc gia; an ninh mạng, an toàn thông tin và tác động của an ninh mạng, an toàn thông tin đối với an ninh quốc gia của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng; chủ quyền quốc gia và phạm vi chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Cùng với đó, xác định rõ thuận lợi, khó khăn, thách thức trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; trách nhiệm, thẩm quyền bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng của công dân, tổ chức, cá nhân, lực lượng chuyên trách...
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết theo báo cáo của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao đứng thứ 2 trong các loại tội phạm nguy hiểm nhất, sau tội phạm khủng bố; 90% tội phạm truyền thống đã chuyển sang môi trường mạng hoặc có sử dụng các thiết bị công nghệ cao. Do đó, vấn đề phát triển và làm chủ không gian mạng đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm.
Về nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu lực lượng công an cần tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Bộ Công an về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng công an hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng. Tăng cường hướng dẫn và tổ chức thực hiện nghiêm Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ viễn thông. Triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh mạng cho hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phát hiện, đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên mạng.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được xem phim tư liệu “Chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng – một số nguy cơ và thách thức hiện nay” và nghe giới thiệu cuốn sách “Chủ quyền an ninh mạng – yêu cầu thời đại và nghĩa vụ Quốc gia” của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an./.