Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ tư - 16/04/2025 09:36220
Thời gian qua, thực hiện Nghị định số 49/2020 của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp hỗ trợ lực lượng Công an đẩy mạnh công tác xây dựng và nhân rộng mô hình tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, nổi bật là vai trò của Hội Nông dân tỉnh với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, giúp người tái hòa nhập cộng đồng có được tương lai tươi sáng.
Một buổi họp giao ban của mô hình "Hội Nông dân với công tác quản lý, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng” do UBND xã Tây An tổ chức.
Từ 02 năm qua, mô hình “Hội Nông dân với công tác quản lý, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng” (gọi tắt là Mô hình) do UBND xã Tây An, huyện Tây Sơn chỉ đạo, triển khai đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngay từ khi thành lập, Ban Chỉ đạo mô hình đã xây dựng các tiêu chí giám sát nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu thiết yếu của người hoàn lương như việc làm ổn định và vốn để sản xuất. Riêng trong năm 2024, xã Tây An đã hỗ trợ, cảm hóa và giáo dục cho 20 người tái hòa nhập cộng đồng; 06 người được tư vấn và giới thiệu việc làm. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân tổng cộng 70 triệu đồng cho một số trường hợp. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây An chia sẻ: “Ngoài nguồn kinh phí từ địa phương, chúng tôi còn vận động xã hội hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình”
Đáng chú ý, mô hình còn thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp. Ông Phạm Thành Nhân, Giám đốc Công ty gạch Quang Trung cho biết: “Việc hỗ trợ, tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù về làm việc tại doanh nghiệp là cách chúng tôi thể hiện trách nhiệm xã hội với địa phương”.
Hiệu quả của mô hình phụ thuộc rất lớn vào môi trường xung quanh khi người hoàn lương trở về địa phương. Đơn cử như trường hợp anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn Đại Chí, xã Tây An, sau khi trở về đã được tổ tự quản thôn hỗ trợ, định hướng việc làm. Anh được vay vốn mở quán cà phê tại nhà, đồng thời làm việc tại Công ty gạch Quang Trung với mức lương 7 triệu đồng/tháng. “Khi mới về địa phương, tôi được chính quyền và Hội Nông dân quan tâm, động viên, giới thiệu học nghề và hỗ trợ tìm việc làm. Được tạo điều kiện như vậy, tôi thấy rất biết ơn và cố gắng sống tốt để không phụ lòng tin ấy”, anh Dũng phấn khởi chia sẻ.
Hội Nông dân xã Tây An đến thăm, động viên anh Lý Thành Phi
Cũng tại xã Tây An, một trường hợp tương tự là anh Lý Thành Phi cũng được Hội Nông dân xã hỗ trợ, giúp đỡ nên cuộc sống hiện tại đã ổn định. Từ khi chấp hành án phạt tù về địa phương, anh Phi làm nghề lái xe chuyên chở hàng hóa. Những lúc không phải đi làm xa, anh lại có thời gian chăm sóc vợ con và phụ giúp công việc cho mẹ già.
Anh Nguyễn Văn Hải ở khu phố Thịnh Văn 1, thị trấn Vân Canh có việc làm ổn định sau khi về địa phương
Tại thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, mô hình này cũng đã lan tỏa tích cực. Một trường hợp điển hình là anh Nguyễn Văn Hải ở khu phố Thịnh Văn 1, từng lầm lỗi nhưng nhờ sự hỗ trợ của gia đình, chính quyền và Hội Nông dân, anh đã vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay, vợ chồng anh làm chủ một đại lý nước giải khát và kinh doanh xe đạp thể thao, thu nhập ổn định.
Thị trấn Vân Canh ra mắt mô hình Hội Nông dân với công tác quản lý, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng
Theo thống kê, trong 02 năm qua, thực hiện Quyết định số 22 ngày 17/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, các ngành, đoàn thể mà nòng cốt là các Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh thông qua Mô hình đã giới thiệu 135 người được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn với tổng số tiền hơn 10,7 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này và sự đồng hành tích cực của các Chi hội Nông dân trên địa bàn tỉnh, nhiều người từng lầm lỡ đã có cơ hội làm lại cuộc đời - hướng tới một ngày mai tươi sáng hơn.