Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Chỉ thị, Kết luận, Nghị quyết, Quyết định của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành về công tác PCCC và CNCH. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, quán triệt thực hiện công tác PCCC và CNCH theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực được giao và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình hình cháy, nổ phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt theo các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác PCCC; nhất là các nội dung trọng tâm nêu trong Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 và Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh tổ chức nắm tình hình, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao sự lãnh đạo của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC và CNCH; thể hiện vai trò, trách nhiệm của cấp cơ sở trong công tác PCCC và CNCH; chỉ đạo việc xử lý đối với các cơ sở tồn tại, vi phạm về PCCC. Chủ động tổ chức rà soát, phân loại, đưa ra các giải pháp PCCC đối với các khu vực người dân sử dụng lán trại, nhà tạm, khu vực thuộc diện giải tỏa làm nơi ở trái phép; dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, không khắc phục các tồn tại đã được hướng dẫn theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng, cần xem xét trách nhiệm liên đới đối với các tập thể, cá nhân nếu thiếu trách nhiệm hoặc thực hiện trách nhiệm không đầy đủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về PCCC và CNCH.
Công an tỉnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC và CNCH cho người dân và các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn, nhất là trong thời điểm nắng nóng hiện nay. Phối hợp xây dựng các phóng sự, video, tài liệu tập huấn về công tác PCCC cho học sinh, sinh viên, trẻ em trong thời gian nghỉ hè dưới hình thức phù hợp, hiệu quả; tăng cường thời lượng phát sóng phóng sự tuyên truyền PCCC vào các khung giờ cao điểm nhiều người theo dõi. Chỉ đạo Công an các xã, phường, thị trấn phối hợp với điện lực địa phương và các lực lượng chức năng khác “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kiểm tra, hướng dẫn người dân sử dụng điện, các phương tiện giao thông sử dụng pin Li-ion an toàn; khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu của nhà sản xuất; hạn chế đến mức tối đa nguyên nhân cháy, nổ do chập điện gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện các nội dung công tác PCCC và CNCH của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC tại khu dân cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ, các cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường thời lượng, nội dung phát sóng vào các giờ cao điểm để người dân theo dõi và thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền trong hội viên, đoàn viên và người lao động, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định về PCCC & CNCH.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt theo các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác PCCC. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan truyền thông tại địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH, hướng dẫn, khuyến cáo các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đến toàn thể người dân, hộ gia đình biết, thực hiện.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức các đoàn công tác liên ngành “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; tập trung kiểm tra điều kiện an toàn PCCC và CNCH trong sử dụng điện, hóa chất, việc quản lý và sử dụng an toàn chất cháy, nguồn lửa, nguồn nhiệt; đường và lối thoát nạn; khoảng cách an toàn PCCC, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan; nguồn nước phục vụ chữa cháy; lập biên bản chỉ rõ những vi phạm quy định về PCCC và CNCH tại hộ gia đình, nhất là hộ gia đình có kết hợp sản xuất, kinh doanh và yêu cầu các hộ gia đình ký cam kết để tổ chức khắc phục các tồn tại, vi phạm quy định sau kiểm tra.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, hội, đoàn thể, các tổ chức tại địa phương vận động, khuyến khích người dân tình nguyện tham gia công tác PCCC và CNCH; xây dựng và hướng dẫn thực hiện các mô hình tự quản, mô hình liên gia, liên cơ quan, liên khu vực trong bảo đảm an toàn PCCC.