Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ sáu - 13/01/2023 09:273060
Ngày 12/01/2023, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Công tác công an trong phòng, chống dịch COVID-19 – một số vấn để lý luận và thực tiễn”. Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bộ Công an chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải; đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, các học viện, trường Công an nhân dân (CAND), Công an một số địa phương; các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND…
Hội thảo khoa học cấp Bộ “Công tác công an trong phòng, chống dịch COVID-19 – một số vấn để lý luận và thực tiễn” nhằm làm rõ những kết quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của lực lượng CAND; những vấn đề mới, khó khăn, vướng mắc, bất cập, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến phòng, chống dịch. Đồng thời, đánh giá kết quả công tác phối hợp giữa các đơn vị trong CAND và giữa các đơn vị CAND với các đơn vị ngoài Ngành trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại Công an các đơn vị, địa phương; dự báo tác động của việc thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và đề xuất các giải pháp có tính căn bản, chiến lược, dài hạn và phương án, kế hoạch chủ động đáp ứng các tình huống đại dịch khác xảy ra trong tương lai…
Tại Hội thảo, dưới sự điều hành của Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bộ Công an, các đại biểu đã thảo luận, qua đó thống nhất đánh giá: Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc, nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là vấn đề sinh hoạt, sức khỏe, tính mạng của người dân, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra bất ổn, xung đột xã hội. Đến nay có thể khẳng định, lực lượng CAND đã thể hiện bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch và đấu tranh trấn áp quyết liệt các loại tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; góp phần quan trọng vào kết quả kiểm soát thành công dịch COVID-19 ở nước ta, đảm bảo điều kiện cho việc thực hiện “mục tiêu kép” của Đảng, Nhà nước, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh, lực lượng CAND đã chủ động làm tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch COVID-19 của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Công an đã sớm phát động phong trào thi đua đặc biệt: “Lực lượng CAND - Lá chắn phòng, chống dịch COVID-19 - Thanh bảo kiếm bảo tin đảm ANTT, an toàn xã hội” với hơn 150.000 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia trong hầu hết các khâu của công tác phòng, chống dịch. Có thể nói đây là “chiến dịch” có quy mô lớn nhất, huy động nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia nhất từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Riêng đợt dịch thứ 4, Bộ Công an là cơ quan đầu tiên thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương do một đồng chí Thứ trưởng làm Chỉ huy trưởng chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại phía Nam. Thành lập Tiểu ban ANTT thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh do đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an là Trưởng Tiểu ban. Trong các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ Trung ương đến địa phương luôn có đại diện của lực lượng CAND. Bộ Công an cũng đã tăng cường hơn 8.000 cán bộ, chiến sĩ cho Công an các địa phương phía Nam, trong đó gần 2.000 cán bộ y tế CAND tham gia chống dịch.
Song song với công tác phòng chống dịch, lực lượng CAND đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng dịch COVID-19 hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Ban hành nhiều kế hoạch, phương án đấu tranh tấn công trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch, qua đó kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, lực lượng CAND còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng CAND đã ủng hộ gần 45 tỷ đồng và hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Công đoàn CAND, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Bộ Công an đã kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài lực lượng chung tay đóng góp hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch kinh phí và hàng trăm thùng hàng nhu yếu phẩm trị giá hơn 10 tỷ đồng; tổ chức hỗ trợ tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản cho bà con nông dân, thực hiện nhiều chương trình tặng quà, túi an sinh cho những gia đình cán bộ, chiến sĩ tham gia chống dịch, đặc biệt dành nhiều sự quan tâm, động viên đối với những em nhỏ mồ côi tại các tỉnh phía Nam, tặng máy tính, tặng học bổng cùng nhiều phần quà có giá trị khác...
Trong cuộc chiến cam go, khốc liệt với dịch bệnh COVID-19, đã có gần 10.000 cán bộ, chiến sĩ CAND bị lây nhiễm COVID-19; 17 đồng chí hy sinh; hàng trăm đồng chí bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ. Hình ảnh chiến sĩ CAND quả cảm đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng, bình yên cuộc sống của nhân dân đã tô thắm thêm truyền thống Anh hùng của lực lượng CAND Việt Nam, củng cố thêm lòng tin yêu và mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa quần chúng nhân dân với toàn lực lượng.
Qua công tác phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm ANTT trong bối cảnh dịch bệnh, các đại biểu đã thống nhất quan điểm: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm ANTT phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; ở địa phương là cấp ủy đảng, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp để triển khai thống nhất các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch trong cả nước. Theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình dịch bệnh; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, toàn diện, đồng bộ; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng. Huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng trong xã hội, những doanh nghiệp và tập thể người dân. Chủ động tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế; tranh thủ các nguồn lực, kinh nghiệm trong phòng, chống dịch và tiếp cận vắc-xin phòng ngừa COVID-19. Quan tâm, thực hiện chế độ chính sách, động viên, khen thưởng kịp thời cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn...
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu xung quanh chủ đề của Hội thảo. Đồng chí Thứ trưởng đề nghị, Cơ quan Thường trực Hội thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham luận để bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện kỷ yếu Hội thảo. Phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn công tác công an trong phòng chống đại dịch COVID-19 để góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận CAND trong thời kỳ mới. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện báo cáo kết quả Hội thảo để báo cáo Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Dự báo thời gian tới, dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác sẽ còn tiếp tục là mối đe dọa về y tế cộng đồng, do đó để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến yêu cầu, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch ứng phó với những thách thức của dịch bệnh, các vấn đề liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật phát sinh trong tình hình hiện nay, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Nâng cao hơn nữa mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội nhân dân, các cấp, các ngành để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong bảo đảm ANTT; tập trung đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy ý thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ của nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh.
Cùng với đó, lực lượng y tế CAND cần chủ động tham mưu các giải pháp căn cơ, toàn diện về công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là công tác chăm sóc, điều trị tích cực tại các cơ sở y tế CAND và cộng đồng. Các đơn vị chức năng rà soát chế độ chính sách đối với thân nhân, gia đình các đồng chí đã hy sinh, tử vong, bị thương, nhiễm bệnh, thiệt hại một phần sức khỏe trong cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19, kịp thời tham mưu đề xuất Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ có chính sách phù hợp. Mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa ổn định cuộc sống, khắc phục những hậu quả nặng nề do COVID-19 để lại, xoa dịu những đau thương, mất mát mà đại dịch đã gây ra…