Trong năm, Bộ Công an đã đẩy mạnh việc xây dựng các dự án luật do Bộ Công an được phân công chủ trì soạn thảo. Từ tháng 11/2022 đến nay, Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội cho ý kiến thông qua 02 Luật, gồm: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND; (2) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; xem xét, cho ý kiến 02 Luật, gồm: (1) Luật Căn cước; (2) Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đang tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trình Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua 02 Luật, gồm: (1) Luật Căn cước; (2) Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cho ý kiến 02 Luật, gồm: (1) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (2) Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (đồng chủ trì với Bộ Quốc phòng).
Hiện đang chủ trì lập hồ sơ đề nghị xây dựng 06 dự án luật để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh gồm: (1) Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); (2) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; (3) Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; (4) Luật Dẫn độ; (5) Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; (6) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cư trú.
Bên cạnh đó, đã chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, ban hành theo thẩm quyền 80 văn bản quy phạm pháp luật gồm: 01 Nghị quyết của Quốc hội, 01 Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, 09 Nghị định của Chính phủ, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 03 Thông tư liên tịch, 64 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an.
- Đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân:
Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ; một số đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị, tọa đàm, sinh hoạt đơn vị, thi tìm hiểu pháp luật, Câu lạc bộ nghiệp vụ pháp luật… để phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mới cho cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị. Tại các cuộc họp giao ban, đọc báo, sinh hoạt chính trị, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương cũng thường xuyên phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ANTT để cán bộ, chiến sĩ nắm vững, phục vụ tốt yêu cầu công tác và chiến đấu. Ngoài ra, Công an các đơn vị, địa phương cũng tổ chức các cuộc thi bằng các hình thức (thi viết, thi trực tuyến) như: “Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy trong CAND”, “Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam 2023”, “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến”, “Tự hào người nữ chiến sĩ CAND”, “Cuộc thi viết tìm hiểu Luật Cảnh sát cơ động năm 2022”, “Tìm hiểu pháp luật năm 2023”, “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường”, “Sáng kiến, mô hình, giải pháp trong công tác PBGDPL”…
Bên cạnh đó, quan tâm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, PBGDPL, đăng tải thông tin tuyên truyền, định hướng tuyên truyền, phản biện xã hội về thành tích, chiến công của lực lượng CAND, các hoạt động kỷ niệm, sự kiện lớn của đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến an ninh, trật tự, các bài viết trao đổi, bình luận, giải thích chính sách, pháp luật... trên kênh truyền hình ANTV, Báo CAND, Tạp chí CAND, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an (Trang PBGDPL), Cổng/Trang Thông tin điện tử của Công an các đơn vị, địa phương, bản tin, tạp chí thuộc các cơ sở đào tạo trong CAND…
Từ tháng 11/2022 đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức hơn 150 hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn chuyên sâu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ANTT cho 6.230 lượt cán bộ, chiến sĩ; tổ chức 72 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 3.000 lượt cán bộ, chiến sĩ; tổ chức gần 2.273 cuộc sinh hoạt đơn vị phổ biến cho 65.876 lượt cán bộ, chiến sĩ về các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; sao gửi gần 1.800 văn bản, tài liệu về pháp luật; biên soạn, in ấn, cấp phát 2.329 cuốn sách, tài liệu pháp luật đến các đơn vị, địa phương thuộc quyền để tổ chức triển khai thực hiện.
- Đối với cán bộ và Nhân dân:
Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú, trọng tâm là trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài lực lượng CAND về các nội dung của Đề án 06, nhất là những tiện ích mang lại và kết quả thực hiện của lực lượng CAND, tạo sự đồng thuận trong xã hội và Nhân dân tham gia thực hiện. Lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an cấp xã đã luôn đi đầu, xung kích trong việc thực hiện nhiệm vụ tại Kế hoạch số 56/KH-BCA-C06 ngày 11/02/2022 triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trong lực lượng CAND; nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ lực lượng CAND được phân công.
Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã tổ chức phổ biến, quán triệt cho Nhân dân các thông tin, kiến thức, tư vấn về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực cộng tác, giúp đỡ, hỗ trợ lực lượng CAND đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Thông qua các trang mạng xã hội: “Trị An viên”, “Góc cảnh giác”, “Loa làng”, “Bút xanh”, “Tre xanh”, “Cánh buồm đỏ”…, đã đăng tải, chia sẻ hàng nghìn tin, bài viết, hình ảnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, cảnh báo “tín dụng đen” và các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của Nhân dân trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã thực hiện niêm yết công khai tên trụ sở, lịch tiếp công dân, nội quy phòng tiếp công dân, họ, tên cán bộ tiếp công dân; bố trí hòm thư góp ý; duy trì trực ban đường dây điện thoại nóng 24/24 tiếp nhận thông tin phản ánh của Nhân dân; phân công cán bộ có kinh nghiệm, có trình độ nghiệp vụ, pháp luật, tinh thần trách nhiệm cao, biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Nhân dân.
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đã tăng cường công tác tham mưu, tư vấn giúp lãnh đạo Công an và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền về công tác PCCC và CNCH tại địa phương; tổ chức triển khai thực hiện tháng cao điểm về tuyên tuyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng phối hợp với các đơn vị truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên các phương tiện truyền thông; đồng thời, tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở nhằm phát huy vai trò nòng cốt của các lực lượng này. Làm tốt công tác dân vận, tập trung xây dựng, củng cố, phát triển phong trào toàn dân PCCC và CNCH ở các địa bàn trọng điểm, khu dân cư, khu công nghiệp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Công an thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai hiệu quả các chuyên mục “Hồ sơ 114”, “An toàn PCCC”, “PCCC”, “Alo! 114 Hà Nội xin nghe”, giải đáp pháp luật liên quan đến PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô qua Cổng thông tin điện tử http://congan.hanoi.gov.vn/hoi-dap-phap-luat và email: canhsatpccc.tphanoi@gmail.com; Công an tỉnh Thái Bình đã duy trì mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”…
Công tác tuyên truyền về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông được đẩy mạnh với nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả như: phối hợp với các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương trong hoạt động tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô, xe mô tô trên các tuyến đường trọng điểm; duy trì tuyên truyền trên màn hình LED, panô, áp phích; chuyên trang, chuyên mục trên các báo, đài, truyền hình… Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký, quản lý phương tiện, xử lý vi phạm hành chính… Điển hình như: Công an tỉnh Bình Định đã triển khai, nhân rộng các mô hình: “An toàn giao thông gắn với tập huấn nâng cao kỹ năng lái xe an toàn”, “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”, “Doaremon với an toàn giao thông”; Công an tỉnh Phú Yên đã tích cực chia sẻ tin, bài trên facebook “Tuổi trẻ Phòng Cảnh sát giao thông Phú Yên” và phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh ký kết mô hình “Văn hóa giao thông trường học”…
Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức gần 4.500 cuộc tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở; tuyên truyền lưu động gần 40.000 cuộc; thông qua các cuộc họp tổ dân cư 45.567 cuộc với hơn 900.000 lượt người tham dự; tuyên truyền tập trung tại các trường học, cơ quan, doanh nghiệp 23.260 cuộc với hơn 3.000.000 lượt người tham dự; biên soạn, in, phát hành hơn 980.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật, treo 80.730 panô, áp phích và nhiều sổ tay, cẩm nang, đề cương tuyên truyền pháp luật; tổ chức vận động hơn 400.640 tổ chức, hộ gia đình, 1.535.500 người dân tham gia ký kết chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; PCCC và quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tổ chức 51.460 lớp tập huấn về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho gần 1.300.000 người trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng trong và ngoài lực lượng CAND đăng 5.140 phóng sự, hơn 150.000 tin, bài với 850 chuyên trang, chuyên mục về các vấn đề pháp luật liên quan đến ANTT trên địa bàn.
- Đối với các đối tượng đặc thù:
Công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đối tượng đặc thù được Công an các đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo. “Tủ sách hướng thiện” để phạm nhân đọc báo và mượn đọc các loại sách, truyện đã được xây dựng, duy trì và tiếp tục phát huy hiệu quả. Đồng thời, thông qua các buổi sinh hoạt tổ, đội; tổ chức cho phạm nhân đọc báo; tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh… các đối tượng trong các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đều được phổ biến, quán triệt nội quy, quy chế trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, quyền và nghĩa vụ của các đối tượng, các tiêu chuẩn chấp hành án. Các buổi tuyên truyền với các hình thức đa dạng phong phú, nội dung thiết thực, mang tính nhân văn, giáo dục cao góp phần nâng cao nhận thức, hành động của mỗi phạm nhân, từ đó, giúp họ nhận thức rõ lỗi lầm, chấp hành tốt nội quy trong trại, phấn đấu cải tạo tốt để sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Tại địa phương, các hệ lực lượng Công an, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, xã hội đã chủ động phối hợp với cơ quan, đoàn thể ở địa phương triển khai chương trình giáo dục pháp luật, giáo dục công dân cho các đối tượng đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; người bị phạt tù được hưởng án treo; thanh, thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật; làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý số đối tượng được đặc xá; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người thân và gia đình đưa các đối tượng đủ điều kiện đi cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật. Nhiều Công an địa phương tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình về tái hòa nhập cộng đồng ở cơ sở, như mô hình “Bạn giúp bạn cai nghiện ma túy”, “Tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù”… góp phần chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho các đối tượng nêu trên.
Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức 1.960 lượt giáo dục tập trung cho 48.270 lượt phạm nhân; tổ chức giáo dục riêng biệt cho gần 5.000 lượt phạm nhân. Tại địa phương, đã tổ chức tuyên truyền tập trung 6.620 cuộc cho 15.630 đối tượng; gọi hỏi, răn đe, giáo dục cá biệt cho hơn 4.000 đối tượng thuộc diện giáo dục tại cộng đồng dân cư và đối tượng chậm tiến có biểu hiện vi phạm pháp luật.
Công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa cũng được lực lượng CAND quan tâm, đổi mới về hình thức tuyên truyền như: đa dạng các hoạt động tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật thông qua các tình huống thực tế, tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa văn nghệ lồng ghép tuyên truyền pháp luật, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Ngày pháp luật, tuyên truyền bằng song ngữ (tiếng Kinh và tiếng dân tộc); mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, để họ tuyên truyền, vận động, giáo dục con cháu, người thân và bà con dân bản. Nội dung PBGDPL gắn với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa như: Luật Bình đẳng giới, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, quy định của pháp luật về đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Giao thông đường bộ…
Từ tháng 11/2022 đến nay, Bộ Công an đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 11 đoàn kiểm tra việc tổ chức thi hành pháp luật và công tác pháp chế tại Công an các đơn vị, địa phương, qua đó phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những hạn chế, thiếu sót của cán bộ, chiến sĩ, đề ra các giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cấp có thẩm quyền nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, góp phần khắc phục những sơ hở, thiếu sót, khó khăn, bất cập do chính các quy định của pháp luật gây ra, đưa pháp luật vào thực tiễn công tác bảo đảm ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về ANTT.
Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức 378 cuộc thanh tra, kiểm tra công tác theo dõi thi hành pháp luật, trong đó, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; PCCC và CNCH; tiếp nhận, quản lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội; quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính; điều tra xử lý tội phạm, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; công tác nhập cảnh, xuất cảnh và quản lý người nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; quản lý hành chính về trật tự xã hội (quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý cư trú và dân cư; quản lý các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường... Qua thanh tra, kiểm tra đã ghi nhận được những ưu, khuyết điểm của Công an các đơn vị, địa phương trong quá trình thực thi pháp luật liên quan đến các lĩnh vực công tác công an, từ đó đánh giá chính xác mức độ hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ rõ những bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở để kiến nghị với cấp có thẩm quyền kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản cho phù hợp với tình hình thực tế.
Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an là 320 thủ tục thực hiện ở 4 cấp, trong đó: cấp trung ương có 136 thủ tục; cấp tỉnh có 122 thủ tục; cấp huyện có 32 thủ tục và cấp xã có 30 thủ tục. Toàn bộ các thủ tục hành chính này đều đã được công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công Bộ Công an, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, tìm hiểu, thực hiện của cơ quan Công an và của Nhân dân. Bộ Công an đã rà soát chuẩn hóa Danh mục kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của Bộ Công an trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, thông báo danh mục mã số kết quả thủ tục hành chính đến Công an các đơn vị, địa phương. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục rà soát, chuẩn hóa danh mục giấy tờ, hồ sơ thủ tục hành chính theo quy định.
Đối với Công an các đơn vị, địa phương, bên cạnh thực hiện niêm yết thủ tục hành chính tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, Công an một số địa phương đã ứng dụng công nghệ, niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR code. Với cách làm này, người dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet thực hiện quét mã QR là dễ dàng tra cứu thông tin về thủ tục hành chính, đảm bảo tính cập nhật, kịp thời khi các thủ tục hành chính có sự thay đổi, không cần phải in lại nội dung thủ tục hành chính như hình thức niêm yết bằng giấy. Đến nay 100% Công an đơn vị, địa phương có chức năng giải quyết thủ tục hành chính đã có Cổng hoặc Trang thông tin điện tử trên Internet và công khai toàn bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; góp phần tuyên truyền, công khai thủ tục hành chính, là một kênh thông tin giúp tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu.
(Nguồn: bocongan.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc