Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ sáu - 03/11/2023 14:117200
Trong Quý III/2023, lực lượng Công an đã tiếp nhận, giải quyết 92 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm mua bán người; phát hiện, điều tra 85 vụ/230 đối tượng phạm tội mua bán người xác định 224 nạn nhân bị mua bán.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an: Tội phạm mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao và có khả năng xảy ra trên các địa bàn như khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người; trên các lĩnh vực như cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài; đẻ thuê; cho, hiến tạng; xuất khẩu lao động, di cư (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) ra nước ngoài lao động làm thuê, du lịch, chữa bệnh, thăm thân...
Trong Quý III/2023, tình hình tội phạm mua bán người tại Việt Nam tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Để chủ động phòng tránh với tội phạm mua bán người, Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, nhất là đối với các hành vi thủ đoạn sau:
-Tội phạm mua, bán người thường dùng tên, tuổi, địa chỉ giả; thường xuyên không cung cấp hình ảnh, số điện thoại; liên lạc chủ yếu qua mạng xã hội như Zalo, Facebook…
- Đối tượng không hẹn gặp trực tiếp, chủ yếu hướng dẫn, liên lạc qua điện thoại, đặc biệt là các đối tượng dùng nhiều số điện thoại khác nhau, hoặc liên lạc qua mạng xã hội.
- Dụ dỗ, hứa hẹn tìm những công việc nhẹ, lương cao, lấy chồng nước ngoài để có cuộc sống giàu sang. Các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp hình ảnh thông tin, địa chỉ để tổ chức xem mặt chọn vợ. Giả danh lực lượng chức năng để đe dọa nạn nhân, không hẹn làm việc tại các cơ quan nhà nước mà hướng dẫn gặp riêng bên ngoài.
- Công việc, địa điểm làm việc mà các đối tượng dụ dỗ, hứa hẹn đưa nạn nhân đến làm việc thường không có địa chỉ cụ thể…
Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi phát hiện các dấu hiệu tội phạm mua, bán người cần chủ động tố giác tội phạm, phối hợp đấu tranh ngăn chặn với loại tội phạm này.