Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ tư - 19/10/2022 21:332870
Sáng 18/10/2022, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022 – 2025. Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an và đồng chí Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT đồng chủ trì buổi Lễ.
Trong những năm qua tình hình TTATGT đã có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) hàng năm giảm cả 03 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đạt được kết quả trên là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của lực lượng Cảnh sát giao thông trong công tác đảm bảo TTATGT. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an toàn giao thông và TNGT, nhất là thời gian gần đây số vụ TNGT liên quan đến học sinh, sinh viên có chiều hướng gia tăng, tình trạng vi phạm TTATGT của học sinh, sinh viên vẫn diễn ra nhiều.
Do đó, việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức và rèn luyện kỹ năng tham gia giao thông an toàn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên là cấp thiết để phòng ngừa, giảm thiểu các vụ TNGT liên quan đến học sinh, sinh viên... Theo thống kê từ năm 2020 đến tháng 9/2022, cả nước xảy ra 1.570 vụ TNGT liên quan đến học sinh, sinh viên, làm chết 864 người, bị thương 1.794 người. Nguyên nhân chính xảy ra TNGT là do thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của các em học sinh, sinh viên còn chưa cao.
Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn nêu trên, Bộ Công an và Bộ GD & ĐT tổ chức ký kết “Chương trình phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022 - 2025”, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GD & ĐT theo các cấp của hệ công tác (bộ, tỉnh, huyện, xã) trong trao đổi thông tin, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ GĐ & ĐT Ngô Thị Minh cho biết, hiện nay các em học sinh, sinh viên còn rất thiếu kĩ năng, xử lý, ứng xử tình huống và nhận thức về trách nhiệm khi tham gia giao thông còn hạn chế. Vì vậy, Bộ GD & ĐT đã chủ động đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền đa dạng về hình thức, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số và sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng, nhằm truyền tải thông tin kiến thức hiệu quả, nâng cao kĩ năng xử lý tình huống và nhận thức về trách nhiệm cá nhân khi tham gia giao thông.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, các nội dung ký kết giữa hai Bộ phải được xây dựng thành những kế hoạch chi tiết, văn bản chỉ đạo, có phân công trách nhiệm rõ ràng; cũng như phải có sự chỉ đạo thông suốt, sát sao từ Trung ương xuống cơ sở để đảm bảo hiệu quả sự phối hợp giữa hai Bên. “Hi vọng với chương trình phối hợp này, sẽ giúp 22 triệu học sinh, sinh viên thay đổi về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình và cộng đồng, để không xảy ra những tai nạn thương tâm như thời gian vừa qua”.
Đồng tình với ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, những con số về tai nạn giao thông trong học sinh, sinh viên thời gian qua rất đáng suy nghĩ; những hệ lụy mang lại là nghiêm trọng vì đây là lứa tuổi tương lai của đất nước. Vì vậy, việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức và xây dựng kĩ năng tham gia an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT làm “hành trang” bảo vệ sự an toàn cho các em học sinh, sinh viên trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày là hết sức cần thiết. Chỉ cần sơ xảy nhỏ trong tham gia giao thông có thể dẫn đến hậu quả khó lường.
Vấn đề cốt lõi là triển khai chương trình phối hợp phải thực sự thiết thực, thực sự hiệu quả để khi kết thúc chương trình này sẽ đạt được những kết quả rõ rệt, thể hiện qua con số từng năm giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết, số bị thương liên quan đến học sinh, sinh viên.
Nói rõ hơn về trách nhiệm trong phối hợp tuyên truyền, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nêu rõ, cần có sự phối hợp ở từng cấp, lực lượng Công an cấp xã tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn phụ trách; lực lượng Công an cấp huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho các cơ sở giáo dục cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông; lực lượng Công an cấp tỉnh tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông cho trung học nghề, cao đẳng, đại học và tương đương.
Văn hóa giao thông không sẵn có mà được, nó phải hình thành từ quá trình thực hành và trở thành thói quen. Quá trình xây dựng thói quen đó được thực hiện ngay trong nhà trường và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Nếu làm tốt chuyên đề đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên thì nó không những có tác dụng ngay trước mắt mà cả về lâu dài; nếu chúng ta duy trì tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn thì các em học sinh, sinh viên sẽ hình thành thói quen và dần hình thành văn hóa, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.