Dự thảo Nghị định gồm 03 chương 19 điều, quy định về chế độ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan và người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.
Theo đó, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là tiền Việt Nam, ngoại tệ, giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan đến tài sản, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý, ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, các loại động vật, thực vật, hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng, vật thuộc loại cấm lưu hành và các loại tài sản đặc biệt khác không áp dụng Nghị định này, mà áp dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.
Bên cạnh đó, nguyên tắc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ quy định tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn, không để gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.
Các tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ được bảo đảm tính nguyên vẹn, không tính đến phần giảm giá trị thiệt hại do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, độ ẩm, hao mòn theo thời gian. Chỉ tiếp nhận, trả lại, chuyển tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ hoặc tiếp nhận, chuyển tang vật, phương tiện bị tịch thu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có quyết định của người có thẩm quyền.
Đáng chú ý, việc đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, dự thảo Nghị định nêu rõ tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện. Người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính có thẩm quyền quyết định cho tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông đó. Trình tự giải quyết việc đặt tiền bảo lãnh cũng được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 15.
Sau khi hoàn thành thủ tục đặt tiền bảo lãnh, người có thẩm quyền tạm giữ giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản; việc giao phương tiện phải được lập biên bản theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 14 Nghị định này. Tổ chức, cá nhân được giao giữ, bảo quản phương tiện trong thời gian đặt tiền bảo lãnh không được phép sử dụng phương tiện vi phạm đó tham gia giao thông, không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện vi phạm nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm quy định này thì người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện xem xét, quyết định việc chuyển phương tiện vi phạm đó về nơi tạm giữ theo quy định tại Khoản 5 Điều 14 Nghị định này.
Toàn văn dự thảo Nghị định được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng.
File đính kèm
Ý kiến bạn đọc