Chủ động, nêu gương, kỷ cương

Sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Thứ năm - 17/03/2022 16:29 1.524 0
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV và hiện nay đang được Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã cụ thể hóa chủ trương, quan điểm nêu trên của Đảng ở những nội dung sau:
Thứ nhất, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở. Theo đó, dự thảo Luật thực hiện sắp xếp, kiện toàn một số lực lượng, chức danh đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay thành một lực lượng thống nhất với tên gọi chung để thực hiện đồng bộ, thống nhất nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở; quy định cụ thể, thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là lực lượng “tham gia hỗ trợ” lực lượng Công an cũng như mối quan hệ công tác của lực lượng này với cơ quan, tổ chức ở địa bàn cơ sở.
Thứ hai, dự thảo Luật xác định cụ thể lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, không phải là người hoạt động bán chuyên trách.
Thứ ba, cụ thể hóa kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở đã đề ra yêu cầu mỗi thôn, tổ dân phố và tương đương có một số chức danh (không quá 3 người) được hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định 03 chức danh là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được hưởng phụ cấp gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận. Theo đó, dự thảo Luật đã bỏ quy định chi trả phụ cấp hằng tháng mà pháp luật hiện hành đang chi trả cho lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách khi kiện toàn thống nhất thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Hai là, điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất; qua đó, tạo cơ sở pháp lý bình đẳng về địa vị pháp lý và xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản ở địa bàn cơ sở.
Pháp luật hiện hành quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là lực lượng thực hiện công tác quản lý, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở và làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở, cụ thể:
- Nghị định số 38/2006/NĐ-CP quy định bảo vệ dân phố làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, làm nòng cốt trong việc thực hiện phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn phường, thị trấn; có trách nhiệm thực hiện một số biện pháp công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật.
- Pháp lệnh Công an xã năm 2008 quy định Công an xã bán chuyên trách làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các biện pháp phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau khi Luật Công an nhân dân năm 2018 được ban hành đã quy định đồng bộ, thống nhất về 4 cấp Công an; trong đó, Công an xã, phường, thị trấn (gọi chung là Công an cấp xã) hiện nay đã được tổ chức, bố trí toàn diện, đồng bộ, thống nhất Công an chính quy và lực lượng này thực hiện công tác quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã, phường, thị trấn. Theo đó, về vị trí, chức năng của các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách phải được xác định, điều chỉnh lại cho phù hợp với Luật Công an nhân dân năm 2018 và bảo đảm không chồng chéo với vị trí, chức năng của lực lượng Công an cấp xã, cụ thể đó là chuyển từ vị trí, chức năng quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự (do Công an cấp xã trực tiếp thực hiện) sang vị trí, chức năng là lực lượng tự quản, hỗ trợ Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự phòng, tự quản về an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Như vậy, so với quy định của pháp luật hiện hành, dự thảo Luật đã điều chỉnh thay đổi bản chất về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đó là: Chuyển từ vị trí, chức năng quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự sang vị trí, chức năng là lực lượng tự quản, hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản, tự bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc điều chỉnh này là căn cứ, cơ sở quan trọng để xác định và quy định các nội dung có liên quan về nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan và nhất là về chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn bảo đảm không tạo gánh nặng lên ngân sách nhà nước.
Ba là, kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể về hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với lực lượng đã được tuyển dụng, huấn luyện và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
- Hiện nay, các địa phương trong toàn quốc và ở tỉnh Bình Định đã hoàn thành việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên. Theo đó, nhiều địa phương đang đợi ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cụ thể về bố trí công việc, nhiệm vụ được thực hiện, chế độ, chính sách đối với số Công an xã bán chuyên trách này, có địa phương vận dụng quy định của pháp luật để sắp xếp công việc, giải quyết chế độ, chính sách nhưng chỉ mang tính tạm thời; từ đó đã ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ.
 - Việc quy định tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách và kiện toàn thống nhất với lực lượng bảo vệ dân phố, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng thống nhất vừa là để giải quyết chế độ, chính sách và tận dụng được năng lực, trình độ chuyên môn của lực lượng Công an xã bán chuyên trách đã được đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện và đang hoạt động có hiệu quả trong tác bảm đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, tránh gây lãng phí nguồn lực xã hội, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với lực lượng đã cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vừa không tạo gánh nặng, áp lực cho Nhà nước trong việc sắp xếp, bố trí lại công việc cho những người trước đây đã từng đảm nhiệm các chức danh Công an xã bán chuyên trách; đồng thời, khắc phục, giải quyết khó khăn về biên chế hiện nay của lực lượng Công an chính quy để bố trí thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn cấp xã, trong khi địa bàn này là rất rộng, nhiều địa bàn là nơi tập trung các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc là xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, chia cắt, đi lại khó khăn… không thể bố trí đủ lực lượng Công an xã chính quy trên toàn bộ địa bàn mà vẫn phải huy động, sử dụng các lực lượng quần chúng cùng phối hợp tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự để giúp lực lượng Công an chính quy chủ động, kịp thời phát hiện, giải quyết ngay tại chỗ các vụ, việc, mâu thuẫn xã hội, không để bị động, bất ngờ. Theo đó, tại địa bàn cấp xã, lực lượng Công an cấp xã giữ vai trò là nòng cốt, chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn, còn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có trách nhiệm hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự theo sự chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý của Công an cấp xã.
Bốn là, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thi hành các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Năm là, sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
- Về thực trạng hiện nay: Hiện nay, trên địa bàn cấp xã có một số lực lượng quần chúng do Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, đó là các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Từ đó dẫn đến không đồng bộ, thống nhất, mâu thuẫn, chồng lấn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng. Bên cạnh đó, về thực trạng tuyển chọn, thành lập, bố trí lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng có những vướng mắc, bất cập. Qua số liệu khảo sát cho thấy, hiện nay nhiều địa phương mặc dù có thành lập lực lượng dân phòng theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy nhưng về con người là do lực lượng bảo vệ dân phố hoặc Công an xã bán chuyên trách đảm nhiệm (chiếm 26,4%, với số lượng là 167.843 thành viên đang kiêm nhiệm trên tổng số 636.342 đội viên đội dân phòng hiện nay) hoặc có những địa phương tuy có thành lập lực lượng dân phòng và do những người đang tham gia hoạt động trong các phong trào quần chúng tự quản ở địa bàn cơ sở, người dân đang cư trú ở cơ sở đảm nhiệm nhưng chỉ mang tính hình thức đó là lập danh sách ghi tên làm đội viên đội dân phòng để cho đủ số lượng theo quy định, còn thực tế rất ít hoạt động (chiếm 43,9%, với số lượng là 279.634 thành viên trên tổng số 636.342 đội viên đội dân phòng hiện nay). Chỉ có một số lượng ít thành lập trên thực tế lực lượng dân phòng tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy và lực lượng này không kiêm nhiệm các lực lượng khác ở cơ sở (188.865 thành viên, chiếm tỷ lệ 29,7%). Thực tế hiện nay cho thấy, khi có cháy, nổ xảy ra tại nơi dân cư thì lực lượng bảo vệ dân phố hoặc lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay là những lực lượng tham gia chữa cháy ban đầu, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và hỗ trợ lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là lực lượng làm nòng cốt ngay từ đầu tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Do đó, cần thiết phải khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập nêu trên.
- Về sắp xếp, kiện toàn lực lượng: Dự thảo Luật sắp xếp, kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Các chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng được thành lập theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Đối với chức danh đội viên đội dân phòng và tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, chế độ, chính sách của lực lượng dân phòng thực hiện theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
- Về phương án bố trí lực lượng và dự kiến số lượng người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của dự thảo Luật: Hiện nay toàn quốc có 103.568 thôn, tổ dân phố; có 72.362 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, 89.045 Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, 19.390 Công an xã bán chuyên trách đang xem xét giải quyết chế độ, chính sách và 128.664 đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Theo đó, tiếp tục sử dụng, kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh này để bố trí ở địa bàn thôn, tổ dân phố theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự, bao gồm các chức danh tổ trưởng, tổ phó và tổ viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự thì dự kiến tổng số người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là khoảng 300.000 người.
- Về thực trạng hiện nay của các địa phương cho tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; dự kiến các nội dung chi theo quy định của dự thảo Luật sau khi lực lượng được kiện toàn thống nhất và so sánh với tổng mức chi thực tế hiện nay của các địa phương:
+ Về thực trạng hiện nay của các địa phương cho tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Các địa phương trong cả nước hiện nay đều bảo đảm ngân sách để chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nhiều địa phương đã tập trung huy động các nguồn lực và bảo đảm nguồn ngân sách tối đa để chi trả cho hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên trách, dân phòng, bảo vệ dân phố.
+ Dự kiến các nội dung chi theo quy định của dự thảo Luật đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thống nhất: Chi hỗ trợ hằng tháng; chi hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; chi hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi tham gia huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền trên cơ sở kế thừa quy định của pháp luật hiện hành đang quy định chi cho lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Cơ sở pháp lý để dự kiến quy định các mục chi nêu trên trong dự thảo Luật là căn cứ theo Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh (hiện nay đang quy định chi cho hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách); theo đó, kiến nghị sửa đổi Nghị định này để quy định chi cho hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
+ So sánh quy định của dự thảo Luật với tổng mức chi thực tế hiện nay của các địa phương: Với mức chi thực tế hiện nay của các địa phương và so sánh với mức chi quy định trong dự thảo Luật là bảo đảm cân đối và không làm tăng chi ngân sách nhà nước.
Như vậy, dự thảo Luật chỉ thực hiện sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động hiện nay theo quy định của pháp luật thành một lực lượng thống nhất mà không phải là thành lập lực lượng mới. Với việc điều chỉnh theo hướng này sẽ không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động và không làm tăng chi ngân sách nhà nước; góp phần kiện toàn, tinh gọn đầu mối theo hướng thống nhất là tổ bảo vệ an ninh, trật tự được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương để thay thế quy định của pháp luật hiện hành là thành lập ban bảo vệ dân phố, tổ bảo vệ dân phố và kiện toàn lực lượng Công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng thống nhất.
Sáu là, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở
Trong điều kiện hiện nay khi tình hình trong nước, khu vực và thế giới liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở; trong đó, phải coi trọng vị trí, vai trò của các lực lượng đang tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, địa bàn nông thôn, biên giới, hải đảo còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó nổi lên là các loại tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, giết người, tổ chức đánh bạc, buôn lậu, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán phụ nữ, trẻ em, chống người thi hành công vụ, mua bán trái phép chất ma túy, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện còn xảy ra ở nhiều nơi, hoạt động với tính chất côn đồ, hung hãn gây ra những hậu quả nghiêm trọng, phức tạp, xâm phạm tính mạng, sức khỏe người dân, gây lo lắng trong Nhân dân. Tình hình khu vực và trên thế giới cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, phức tạp do tác động của đại dịch Covid đã và đang đặt ra những yêu cầu mới trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại mỗi quốc gia. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách cũng như phải huy động được quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự và giữ vững an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở là yêu cầu cần thiết; qua đó, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Bảy là, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Hiện nay, về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật với nhiều hình thức khác nhau và do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành; bên cạnh đó, pháp luật hiện hành đang quy định cho các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện một số nhiệm vụ về bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có tính chất tương đồng, chồng lấn. Do đó, sự cần thiết phải pháp điển hóa nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào 01 đạo luật chung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự, cũng như bảo đảm cơ sở pháp lý tương xứng quy định về các lực lượng trực tiếp hoặc hỗ trợ tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự (lực lượng Công an được quy định trong Luật Công an nhân dân năm 2018, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định trong Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở).
Từ những lý do nêu trên cho thấy, việc nghiên cứu xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, tương xứng để tiếp tục tập hợp, huy động, sử dụng các lực lượng quần chúng tham gia hỗ trợ lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, phục vụ đắc lực sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Bộ Công an đã dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, gồm 5 Chương với 31 Điều; đang tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý; nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan tổ chức và cá nhân; tăng cường hơn nữa truyền thông đến các đối tượng điều chỉnh để tạo sự đồng thuận cao; các chính sách cần có lập luận chặt chẽ, thuyết phục.

Nguyễn Quốc Bảo - Phòng Tham mưu

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 2.2 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây