Logo CAND

Bộ Công an lấy ý kiến dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Thứ sáu - 07/10/2022 09:49 511 0
Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm Báo cáo Tổng kết 09 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011; Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người đánh dấu một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người còn có ý nghĩa chính trị cả về đối nội cũng như đối ngoại, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.


Tội phạm mua bán người là tội phạm chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm gặp nhiều khó khăn; kể cả đến khi đã có tố giác, tin báo về tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không thuận lợi, nhất là các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài xảy ra đã lâu mới bị phát hiện, đối tượng, trong khi nạn nhân ở nước ngoài hoặc không thể xác minh, xác định; chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của bị hại hoặc người nhà nạn nhân... Tuy nhiên, trong những năm qua cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của toàn xã hội, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: Các văn bản chỉ đạo triển khai đầy đủ, kịp thời từ Trung ương đến địa phương phù hợp với từng giai đoạn; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đã được ban hành đầy đủ tạo cơ sở pháp lý quan trọng; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tiến hành đồng bộ với nội dung và hình thức đa dạng phù hợp với địa bàn, đối tượng tuyên truyền; công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ được triển khai đồng bộ, quyết liệt; công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm mua bán người đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều đường dây mua bán người đã được triệt phá; công tác tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân; công tác hỗ trợ nạn nhân được các cấp, các ngành quan tâm, bảo đảm các điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho nạn nhân; công tác hợp tác quốc tế đã được tăng cường với nhiều hoạt động song phương, đa phương, trên nhiều diễn đàn trên thế giới và khu vực… công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người đi vào nề nếp; Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc trong công tác phòng, chống mua bán người. Những kết quả triển khai Luật Phòng, chống mua bán người nêu trên đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc ban hành và thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống mua bán người cũng là một bước chuẩn bị quan trọng cho việc Nhà nước ta xem xét phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC) và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước.


Tuy nhiên, sau gần 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ nhiều bất cập, như việc các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về phòng, chống mua bán người hầu hết được ban hành đã lâu, nên nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay (như về các chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán); nhiều quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người và liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người còn chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong thực hiện (như chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội; cơ quan được giao quyết định hỗ trợ văn hóa, học nghề theo quy định của Luật và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người còn khác nhau; quy định thời gian được hỗ trợ khác nhau giữa các văn bản)...; đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật. 

Do đó, Bộ Công an đã dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Toàn văn dự thảo được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng (nội dung chi tiết xem tại tệp đính kèm). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.

Tác giả bài viết: Ban Biên tập

Nguồn tin: http://bocongan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây