XD phong cách Bản lĩnh, nhân văn

Dự thảo Thông tư quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự

Thứ bảy - 16/04/2022 15:34 505 0
Tạo cơ sở pháp lý và đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự của lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự của lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Thông tư này quy định nguyên tắc, quy trình, trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự của lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong Công an nhân dân. Áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong Công an nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự.

 

cc
Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự, phải có mặt tại địa điểm theo kế hoạch từ khi bắt đầu đến khi kết thúc vụ việc cưỡng chế.
 

Đáng chú ý, nguyên tắc bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự yêu cầu phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm an toàn về người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự.

Không tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ, tết và các trường hợp đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ.

Nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, thực hiện bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự khi có văn bản yêu cầu và kế hoạch cưỡng chế của Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Theo đó, để triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự, phải có mặt tại địa điểm theo kế hoạch từ khi bắt đầu đến khi kết thúc vụ việc cưỡng chế. Nhanh chóng triển khai lực lượng theo kế hoạch, phương án để duy trì an ninh, trật tự, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình cưỡng chế.

Cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế yêu cầu những người không liên quan ra khỏi khu vực cưỡng chế. Chú ý quan sát biểu hiện, diễn biến tâm lý, thái độ chấp hành của người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế và những người liên quan, để ngăn chặn kịp thời các hành vi: Tẩu tán tài sản, cản trở, chống đối việc thi hành án, gây mất an ninh, trật tự, tránh việc lợi dụng ghi âm, ghi hình, chụp ảnh để tuyên truyền, xuyên tạc…

Giải quyết tình huống đột xuất xảy ra phải kiên quyết, nhanh gọn, dứt khoát, không để kéo dài tránh làm nảy sinh diễn biến phức tạp như: Tụ tập đông người gây kích động dẫn đến phản ứng của người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế và những người liên quan của họ.

Khi có căn cứ cho rằng vụ việc cưỡng chế có khả năng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà lực lượng tiến hành cưỡng chế chưa có biện pháp khắc phục, giải quyết thì người chỉ huy thuộc lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đề nghị người chủ trì thực hiện việc cưỡng chế xem xét, quyết định tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án dân sự…

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.


Hoàng Hưng - Minh Ngân
Cổng TTĐT BCA

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây