Dự thảo Thông tư gồm 5 chương, 16 điều, quy định cụ thể nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật; xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; các hình thức theo dõi tình hình thi hành pháp luật; xây dựng, ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật; xem xét, đánh giá và xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật; báo cáo việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật…
Đối tượng áp dụng là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; công nhân công an, lao động hợp đồng trong các doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trong CAND; các đơn vị thuộc cơ quan Bộ; các học viện, trường CAND, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an có liên quan; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Đồn Công an; Công an xã, phường, thị trấn, trạm Công an; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thi hành pháp luật và theo dõi hoạt động thi hành pháp luật.
Theo đó, dự thảo Thông tư quy định thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong CAND được thu thập, tiếp nhận từ các nguồn gồm: Báo cáo hành chính của cơ quan nhà nước; kết quả hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân; các nguồn thông tin phù hợp khác theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, tổ chức, cá nhân có thể cung cấp thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong CAND thông qua các hình thức như: Gửi văn bản trực tiếp đến cơ quan Công an quy định tại khoản 2 Điều 8 dự thảo Thông tư; Trực tiếp tại trụ sở tiếp công dân; Qua Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an hoặc Trang Thông tin điện tử của Công an các đơn vị, địa phương hoặc các hình thức cung cấp thông tin phù hợp khác.
Thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp phải được kiểm tra, đối chiếu trước khi sử dụng để đánh giá tình hình thi hành pháp luật. Trường hợp cần làm rõ tính chính xác, khách quan của thông tin đã được thu thập, tiếp nhận, Công an các đơn vị, địa phương yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, giải trình bằng văn bản những vấn đề liên quan; tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế (nếu thấy cần thiết).
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ công tác kiểm tra tình hình thi hành pháp luật được thực hiện theo kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Công an, của cơ quan, đơn vị hoặc khi có những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Công an các đơn vị, địa phương kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi trách nhiệm được giao nhằm kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật và hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật. Việc kiểm tra tình hình thi hành pháp luật thực hiện theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.
Nội dung kiểm tra việc thực hiện việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong CAND thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 32/2020/NĐ-CP. Nội dung kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm của bộ, ngành, địa phương được thực hiện theo quy định tại các điều 7, 8, 9 và 10 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP...
Toàn văn dự thảo được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng.
Minh Ngân
Cổng TTĐT BCA
File đính kèm phía dưới
Nguồn tin: http://bocongan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc