Logo CAND

Thông tư liên tịch số 04/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP

Thứ hai - 03/01/2022 09:42 3.176 0
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP quy định phối hợp trong thực hiện trình tự, thủ tục giảm thời hạn, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại.
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG
_________

Số: 04/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2021
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Quy định phối hợp trong thực hiện trình tự, thủ tục giảm thời hạn, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại
______________
Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bn quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên tịch quy định phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục giảm thời hạn, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại,
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định phối hợp trong thực hiện trình tự, thủ tục giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại đối với người bị kết án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, người chấp hành án và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến giảm thời hạn, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại.
Điều 3. Một số từ ngữ được sử dụng trong xét giảm thời hạn, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại
1. Tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng là trường hợp người chấp hành án có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc chấp hành án và thực hiện nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị nơi cư trú, làm việc (ví dụ: tự giác tham gia đầy đủ các hoạt động lao động công ích, học nghề; tham gia các hoạt động xây dựng nếp sống văn minh tại nơi cư trú, giữ gìn trật tự công cộng, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông); có thành tích trong lao động, phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi tuyên truyền lôi kéo người khác tham gia vào các hoạt động trái pháp luật; tham gia công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai và được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.
2. Lập công là trường hợp người chấp hành án có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, công tác, chiến đấu hoặc trong phòng, chống tội phạm được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định khen thưởng hoặc xác nhận.
3. Người bị bệnh hiểm nghèo là trường hợp người chấp hành án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị (ví dụ: Ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV, lao nặng độ 4 kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên) hoặc mắc bệnh khác dẫn đến không có khả năng tự phục vụ bản thân, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
4. Người đã quá già yếu là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau.
5. Bồi thường một phần nghĩa vụ dân sự được hiểu là đã bồi thường ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án.
Trường hợp người bị kết án bồi thường được ít hơn một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng có văn bản miễn, giảm một phần nghĩa vụ dân sự hoặc có thỏa thuận khác của phía người được bồi thường (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) thể hiện người bị kết án đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự thì cũng được coi là đã bồi thường một phần nghĩa vụ dân sự.
Điều 4. Mẫu các văn bản ban hành kèm theo Thông tư liên tịch
1. Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Mẫu số 01).
2. Quyết định không chấp nhận giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Mẫu số 02).
3. Quyết định miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Mẫu số 03).
4. Quyết định không chấp nhận miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Mẫu số 04).
5. Quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại (Mẫu số 05).
6. Quyết định không chấp nhận miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại (Mẫu số 06).
7. Quyết định miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại (Mẫu số 07).
8. Quyết định không chấp nhận miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại (Mẫu số 08).
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ
Điều 5. Hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
1. Đơn đề nghị giảm thời hạn chấp hành án của người chấp hành án. Trường hợp người chấp hành án không thể tự mình làm đơn đề nghị thì người thân thích của người chấp hành án hoặc đại diện cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc đề nghị thay.
2. Các tài liệu quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 103 của Luật Thi hành án hình sự.
3. Trường hợp người chấp hành án được khen thưởng hoặc lập công thì hồ sơ phải có quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người chấp hành án lập công (ví dụ: Giấy khen, Bằng khen, Bằng sáng chế hoặc Bằng độc quyền sáng chế của cơ quan, người có thẩm quyền).
4. Trường hợp người chấp hành án bị bệnh hiểm nghèo thì hồ sơ phải có kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao bệnh án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên hoặc có kết luận của tổ chức pháp y công lập về tình trạng bệnh tật của người chấp hành án.
Đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ bị nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV thì phải có kết quả xét nghiệm bị nhiễm HIV theo quy định của Bộ Y tế và bản sao bệnh án hoặc kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền khẳng định đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV, đang có nhiễm trùng cơ hội và tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
5. Trường hợp người chấp hành án bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự thì phải có biên lai, hóa đơn, chứng từ thể hiện đã thực hiện được một phần hai nghĩa vụ dân sự hoặc văn bản miễn, giảm một phần nghĩa vụ dân sự hoặc thỏa thuận khác của người được bồi thường (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền).
6. Tài liệu khác có liên quan.
Điều 6. Thủ tục đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
1. Thủ tục đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 103 của Luật Thi hành án hình sự.
2. Công an cấp xã nơi người chấp hành án cư trú có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ rà soát người đủ điều kiện giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
Điều 7. Thủ tục xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
1. Tòa án tổ chức phiên họp xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ theo quy định tại khoản 4 Điều 103 của Luật Thi hành án hình sự. Chậm nhất là 03 ngày trước khi mở phiên họp, Tòa án thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp. Trường hợp Kiểm sát viên đã được cử không thể tham dự phiên họp thì Viện kiểm sát phải cử người khác tham gia.
Trường hợp cần bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ thì Thẩm phán đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu bổ sung hoặc làm rõ thêm đối với tài liệu chưa rõ. Văn bản đề nghị này đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, cơ quan đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ phải gửi tài liệu bổ sung hoặc làm rõ thêm tài liệu cho Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án.
2. Trình tự, thủ tục xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
a) Chủ tọa khai mạc phiên họp, giới thiệu thành phần Hội đồng, Kiểm sát viên tham gia phiên họp, Thư ký phiên họp.
b) Một thành viên của Hội đồng trình bày hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
c) Kiểm sát viên trình bày quan điểm của Viện kiểm sát về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của cơ quan đề nghị và việc tuân theo pháp luật trong việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
d) Hội đồng thảo luận và quyết định.
3. Trên cơ sở hồ sơ và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ quyết định:
a) Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ;
b) Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
4. Nội dung quyết định về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ gồm:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án ra quyết định;
c) Họ tên của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký phiên họp;
d) Họ tên, năm sinh, nơi cư trú của người được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ;
đ) Số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án; số, ngày, tháng năm của quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ;
e) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận;
g) Quyết định của Tòa án;
h) Hiệu lực thi hành.
5. Quyết định giảm thời hạn, không chấp nhận giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị. Trình tự, thủ tục giải quyết kháng nghị thực hiện theo quy định tại các chương XXII, XXV và XXVI của Bộ luật Tố tụng hình sự.
6. Quyết định giảm thời hạn, không chấp nhận giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được gửi theo quy định tại khoản 5 Điều 103 của Luật Thi hành án hình sự và Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án.
Điều 8. Thi hành quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
1. Khi quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu làm thủ tục trừ thời hạn chấp hành án cho người chấp hành án để lưu hồ sơ thi hành án và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
2. Trường hợp người chấp hành án được giảm hết thời hạn cải tạo không giam giữ còn lại thì cơ quan đã đề nghị thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ theo quy định tại khoản 4 Điều 97 của Luật Thi hành án hình sự. Thời điểm cấp giấy chứng nhận tính từ ngày quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có hiệu lực pháp luật.
Chương III
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC MIỄN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ
Điều 9. Hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
1. Đơn xin miễn chấp hành án của người bị kết án hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định pháp luật. Trường hợp người bị kết án không thể tự mình làm đơn đề nghị thì người thân thích của người bị kết án hoặc đại diện cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc đề nghị thay.
2. Các tài liệu quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 104 của Luật Thi hành án hình sự.
3. Trường hợp người bị kết án phạt cải tạo không giam giữ lập công thì hồ sơ phải có quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người chấp hành án lập công (Ví dụ: Giấy khen, Bằng khen, Bằng sáng chế hoặc Bằng độc quyền sáng chế của cơ quan, người có thẩm quyền).
4. Trường hợp người bị kết án phạt cải tạo không giam giữ bị bệnh hiểm nghèo thì hồ sơ phải có kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao bệnh án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên hoặc có kết luận của tổ chức pháp y công lập về tình trạng bệnh tật của người bị kết án.
Đối với người bị kết án phạt cải tạo không giam giữ bị nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV thì phải có kết quả xét nghiệm bị nhiễm HIV theo quy định của Bộ Y tế và bản sao bệnh án hoặc kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền khẳng định đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV. đang có nhiễm trùng cơ hội và tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
5. Trường hợp người bị kết án phạt cải tạo không giam giữ chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì phải có xác nhận, nhận xét của cơ quan có thẩm quyền.
6. Tài liệu khác có liên quan.
Điều 10. Thủ tục đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
1. Thủ tục đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 104 của Luật Thi hành án hình sự.
2. Công an cấp xã nơi người chấp hành án cư trú có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ rà soát người đủ điều kiện miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
Điều 11. Thủ tục xét, quyết định miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
1. Tòa án tổ chức phiên họp xét, quyết định miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ theo quy định tại khoản 2 Điều 104 của Luật Thi hành án hình sự. Chậm nhất là 03 ngày trước khi mở phiên họp, Tòa án thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp. Trường hợp Kiểm sát viên đã được cử không thể tham dự phiên họp thì Viện kiểm sát phải cử người khác tham gia.
Trường hợp cần bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ thì Thẩm phán chủ trì phiên họp đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp bổ sung hoặc làm rõ thêm đối với tài liệu chưa rõ. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát cùng cấp phải gửi tài liệu bổ sung hoặc làm rõ thêm tài liệu cho Tòa án.
2. Trình tự xét miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
a) Chủ tọa khai mạc phiên họp, giới thiệu thành phần Hội đồng, Kiểm sát viên tham gia phiên họp, Thư ký phiên họp.
b) Một thành viên của Hội đồng trình bày hồ sơ đề nghị xét miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
c) Đại diện Viện kiểm sát trình bày quan điểm của Viện kiểm sát về việc miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và việc tuân theo pháp luật trong việc xét miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
d) Hội đồng thảo luận và quyết định.
3. Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ quyết định:
a) Chấp nhận đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ;
b) Không chấp nhận đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
4. Nội dung quyết định về việc miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ gồm:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án ra quyết định;
c) Họ tên của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký phiên họp;
d) Họ tên, năm sinh, nơi cư trú của người được đề nghị miễn chấp hành án, nơi chấp hành án;
đ) Số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án; số, ngày, tháng năm của quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ;
e) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận;
g) Quyết định của Tòa án;
h) Hiệu lực thi hành.
5. Quyết định miễn chấp hành, không chấp nhận miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị. Trình tự, thủ tục giải quyết kháng nghị thực hiện theo quy định tại các chương XXII, XXV và XXVI của Bộ luật Tố tụng hình sự.
6. Quyết định miễn chấp hành, không chấp nhận miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được gửi theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của Luật Thi hành án hình sự và Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án.
Điều 12. Thi hành quyết định miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày khi nhận được quyết định miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thực hiện thủ tục kết thúc thi hành án đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Chương IV
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC MIỄN CHẤP HÀNH THỜI HẠN CẤM CƯ TRÚ, QUẢN CHẾ CÒN LẠI
Điều 13. Hồ sơ đề nghị xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại
1. Đơn xin miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại của người chấp hành án. Trường hợp người chấp hành án không thể tự mình làm đơn đề nghị thì người thân thích của người chấp hành án hoặc đại diện cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc đề nghị thay.
2. Các tài liệu quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 110 và các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 117 của Luật Thi hành án hình sự.
Điều 14. Thủ tục đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại
1. Thủ tục đề nghị miễn thời hạn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 110 và khoản 1 Điều 117 của Luật Thi hành án hình sự.
2. Công an cấp xã nơi người chấp hành án cư trú có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, kiểm soát, giáo dục người chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại rà soát người có đủ điều kiện miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải xem xét, lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại, đồng thời sao gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp không đồng ý đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã và nêu rõ lý do.
Điều 15. Thủ tục xét, quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại
1. Tòa án tổ chức phiên họp xét, quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại theo quy định tại khoản 2 Điều 110 và khoản 2 Điều 117 của Luật Thi hành án hình sự. Chậm nhất là 03 ngày trước khi mở phiên họp, Tòa án thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp. Trường hợp Kiểm sát viên đã được cử không thể tham dự phiên họp thì Viện kiểm sát phải cử người khác tham gia.
Trường hợp cần bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ thì Thẩm phán chủ trì phiên họp đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện bổ sung hoặc làm rõ thêm đối với tài liệu chưa rõ. Văn bản đề nghị này đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, cơ quan đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại phải gửi tài liệu bổ sung hoặc làm rõ thêm tài liệu cho Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án.
2. Trình tự, thủ tục xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại
a) Chủ tọa khai mạc phiên họp, giới thiệu thành phần Hội đồng, Kiểm sát viên tham gia phiên họp, Thư ký phiên họp.
b) Một thành viên của Hội đồng trình bày hồ sơ đề nghị xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại.
c) Kiểm sát viên trình bày quan điểm của Viện kiểm sát về việc miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại của cơ quan đề nghị và việc tuân theo pháp luật trong việc xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại.
d) Hội đồng thảo luận và quyết định.
3. Trên cơ sở hồ sơ và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại quyết định:
a) Chấp nhận đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại;
b) Không chấp nhận đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại.
4. Nội dung quyết định về việc miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại gồm:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án ra quyết định;
c) Họ tên của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký phiên họp;
d) Họ tên, năm sinh, nơi cư trú của người được đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại;
đ) Số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án; số, ngày, tháng, năm của quyết định thi hành án;
e) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận;
g) Quyết định của Tòa án;
h) Hiệu lực thi hành.
5. Quyết định miễn chấp hành, không chấp nhận miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị. Trình tự, thủ tục giải quyết kháng nghị thực hiện theo quy định tại các chương XXII, XXV và XXVI của Bộ luật Tố tụng hình sự.
6. Quyết định miễn chấp hành, không chấp nhận miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại được gửi theo quy định tại khoản 3 Điều 110, khoản 3 Điều 117 của Luật Thi hành án hình sự và Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, kiểm soát, giáo dục người chấp hành án.
Điều 16. Thi hành quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày khi nhận được quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cấm cư trú, quản chế theo quy định tại khoản 5 Điều 107, khoản 5 Điều 112 của Luật Thi hành án hình sự.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 11 năm 2021 và thay thế Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16 tháng 8 năm 2012 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại.
Điều 18. Tổ chức thực hiện
1. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng để có hướng dẫn kịp thời./.
KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN
 
 
 
                                    Nguyễn Trí Tuệ
     KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
 
 
Nguyễn Huy Tiến
 
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
 
 
 
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng
                     KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
 
 
                        Thượng tướng Võ Minh Lương

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo CCTPTƯ;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ (02 bản);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Công an;
- Bộ Quốc phòng;
- Các TAND và TAQS;
- Các Thẩm phán TANDTC và các đơn vị thuộc TANDTC;
- Cổng thông tin điện tử của các Bộ, ngành: TANDTC, VKSNDTC, BCA, BQP;
- Lưu: VT (TANDTC, VKSNDTC, BCA, BQP).

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây