Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ hai - 26/09/2022 20:416870
Thời gian gần đây, tội phạm mua bán người diễn ra ngày càng phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia. Tội phạm thường lợi dụng các lĩnh vực như: cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài, mang thai hộ; cho, hiến tạng; xuất khẩu lao động; du lịch; thăm thân nhân... để thực hiện hành vi phạm tội. Tội phạm mua bán người ở nước ta chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào.
Nạn nhân của tội phạm mua bán người thường tập trung ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc; người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhận thức hạn chế dễ bị dụ dỗ, lôi kéo; các đối tượng ăn chơi, đua đòi dễ tin theo hứa hẹn của các đối tượng tìm việc nhẹ, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, riêng trong tháng 8 và tháng 9/2022, lực lượng Công an đã tiếp nhận 05 tin báo, tố giác tội phạm mua bán người, hiện cơ quan điều tra đang xác minh, làm rõ.
Qua công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người trong cả nước, nổi lên một số phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội như sau:
1. Lợi dụng mạng xã hội như zalo, facebook... hoặc qua các mối quan hệ quen biết để kết bạn, làm quen, các đối tượng dụ dỗ rủ rê đi du lịch; lôi kéo người lao động qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, sau đó tổ chức đưa người trái phép ra nước ngoài (như Trung Quốc, Lào, Campuchia...) ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp hoặc cưỡng bức lao động trong các sòng bài, cưỡng đoạt tài sản... Khi muốn quay về Việt Nam, các đối tượng buộc nạn nhân phải liên lạc với gia đình để đòi tiền chuộc. 2. Lừa nạn nhân vào làm việc ở các cơ sở karoke, massage, tàu cá...; thu giữ giấy tờ tùy thân, bán để cưỡng bức lao động, bố trí người theo dõi, giám sát và quản lý nạn nhân bằng công nghệ định vị... Nạn nhân thường bị khống chế bằng cách ép viết giấy nợ số tiền lớn (gồm chi phí môi giới, tiền ứng trước mua đồ, tiền sinh hoạt phí...) được ghi trực tiếp trong giấy nhận tiền và trừ dần vào lương. Quá trình làm việc, nếu các nạn nhân muốn nghỉ việc hoặc chuyển đi nơi khác, các đối tượng ép phải trả nợ hoặc bán cho cơ sở khác để thu tiền chênh lệch.
3. Lợi dụng sơ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài để tổ chức xem mặt, chọn vợ, tuyển lựa, dụ dỗ, lôi kéo các cô gái có hoàn cảnh gia đình khó khăn để môi giới lấy chồng nước ngoài hoặc xuất khẩu lao động nước ngoài.
4. Lợi dụng quy định về hiến, ghép tạng, các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn kinh tế có nhu cầu bán thận, thương lượng mua giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó bán cho người bệnh có nhu cầu mua với giá cao để hưởng lợi nhuận.
5. Lừa gạt, cưỡng ép lừa bán phụ nữ, trẻ em tại các tỉnh miền núi phía Bắc sang các nước; dụ dỗ, lôi kéo, môi giới phụ nữ có thai ngoài ý muốn hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn xuất cảnh trái phép ra nước ngoài sinh con để bán.
Người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh những lời mời chào cơ hội việc làm việc nhẹ, lương cao trên mạng xã hội, nhất là lời mời chào công việc tại Campuchia; tìm hiểu kỹ thông tin và lựa chọn đơn vị tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động uy tín do các Cơ quan Nhà nước cho phép, giới thiệu. Nếu phát hiện các thông tin, tình hình có liên quan đến các thủ đoạn trên, lập tức liên hệ với cơ quan Công an để trình báo, tố giác.
Người dân có thể gọi điện trực tiếp đến Tổng đài Quốc gia 111 để được tư vấn, hỗ trợ nạn nhân mua bán người. Việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ nạn nhân được quy định tại Chương IV và Chương V của Luật Phòng, chống mua bán người.