Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ năm - 15/09/2022 16:413550
Chiều ngày 14/9/2022, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) đã chủ trì Hội nghị giao ban Tổ công tác triển khai Đề án 06 Quý III/2022, triển khai nhiệm vụ Quý IV/2022, gắn với triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06.
Tham dự Hội nghị có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực và các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 là đại diện các bộ, ngành có liên quan cùng lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an...
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, đối với công tác hoàn thiện thể chế, Bộ Công an đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị có liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2022/NĐ-CP, ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 48/2022/TT-BTC, ngày 03/8/2022 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giá khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay, Bộ Công an tiếp tục xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân; Thông tư hướng dẫn trao đổi thông tin, dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các bộ, ngành, địa phương.
Về dịch vụ công, các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh 21/25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử. Bộ Công an đã phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh triển khai Kế hoạch thực hiện mô hình điểm dịch vụ công tại 03 điểm: phường Tân Chánh Hiệp, quận 12; xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè và phường 22, quận Bình Thạnh; đồng thời hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử và thực hiện các thủ tục hành chính, cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử. Theo đó, từ ngày 17/8/2022 đến ngày 06/9/2022, tổng số hồ sơ đăng kí dịch vụ công tại quận 12 là 90 hồ sơ, tại huyện Nhà Bè là 224 hồ sơ và tại quận Bình Thạnh là 126 hồ sơ.
Ngoài ra, Bộ Công an đã phối hợp với thành phố Cần Thơ tổ chức triển khai mô hình thí điểm dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 tại 03 điểm của thành phố Cần Thơ: quận Ninh Kiều, quận Cái Răng, quận Bình Thủy.
Bên cạnh đó, trong Quý III/2022, Bộ Công an đã kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe, Cơ sở dữ liệu đăng kiểm phương tiện của Bộ Giao thông Vận tải. Tính đến ngày 12/9/2022, đã kết nối chính thức với 12 bộ, ngành, 04 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương. Tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, triển khai sổ sức khỏe điện tử trên VNeID3.
Cùng với đó, việc ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử được đẩy mạnh, sau 03 tháng triển khai thí điểm sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử thay thế thẻ ATM tại một số chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội và Quảng Ninh, đã có 762 lượt công dân sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử để giao dịch với tổng số tiền trên 22,73 tỷ đồng. Đã có 11.171/13.150 cơ sở Y tế sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử tích hợp bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, đạt tỷ lệ 84,9% với 1.675.330 công dân sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử đi khám chữa bệnh.
Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được trong Quý III của Tổ Công tác triển khai Đề án 06; đồng thời tập trung phân tích những vấn đề cần phải thực hiện trong thời gian tới như: Nâng cấp độ dịch vụ công; đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình triển khai Đề án 06 tại các đơn vị, địa phương; đảm bảo tính đồng bộ và chính xác của việc kết nối dữ liệu tại các bộ, ngành, địa phương...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, đây là thời gian rất quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ của Đề án năm 2022, tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu các năm tiếp theo. Do đó, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành quán triệt kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng ngày 09/8/2022 (theo Thông báo kết luận số 276/TB-VPCP ngày 05/9/2022 của Văn phòng Chính phủ).
Đồng chí Bộ trưởng đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương để đẩy mạnh 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án và 29 dịch vụ công theo Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022, phấn đấu thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt tối thiểu 30%.
Đối với dịch vụ công đăng ký biến động quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra lộ trình cụ thể để nhân rộng trên toàn quốc và lộ trình kết nối cơ sở dữ liệu về đất đai với cơ sở dữ liệu dân cư để phục vụ triển khai các dịch vụ công trực tuyến về cư trú và các dịch vụ công khác.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn chung đối với các dịch vụ công trực tuyến cho phép thực hiện đối soát từ tài khoản cấp huyện mỗi tháng một lần để thực hiện công tác rà soát, hoàn trả và chỉ nộp tiền thực hiện đối với các hồ sơ hoàn thành; hoàn thiện các công cụ phục vụ thu, nộp và hoàn trả phí trực tuyến.
Bộ Thông tin và truyền thông tiếp tục phối hợp với Bộ Công an kiểm tra an ninh, an toàn đối với 10 hệ thống của các bộ, ngành và 30 địa phương, hoàn thành trong tháng 10/2022, để phục vụ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo lộ trình đề ra từ nay đến cuối năm 2022...