Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ ba - 26/04/2022 15:081.0880
Ngày 18/4/2022, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 203/CĐ-UB về việc tăng cường triển khai các giải pháp phòng, tránh tai nạn đuối nước. Công an tỉnh Bình Định tổ chức triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước xảy ra, nhất là trong dịp 30/4, 01/5 và mùa du lịch hè 2022.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn đuối nước, làm chết 18 người (Quy Nhơn 04 vụ; Tuy Phước: 03 vụ; Phù Cát, Hoài Ân mỗi nơi 02 vụ; An Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn mỗi nơi 01 vụ), chủ yếu tập trung ở khu vực biển, sông suối, hồ, đập nước…Về độ tuổi nạn nhân: Dưới 18 tuổi chiếm 22,2%; từ đủ 18 đến dưới 30 tuổi chiếm 27,8%; từ đủ 30 tuổi đến dưới 50 tuổi chiếm 11,1% và trên 50 tuổi chiếm 38,9%. Điển hình: Khoảng 14h40’ ngày 24/12/2021, 09 em học sinh cùng trú tại xã Phước Thuận, Tuy Phước rủ nhau đến đập nước thủy lợi An Thuận (thôn Huỳnh Mai, Phước Nghĩa, Tuy Phước) mua bia tổ chức ăn nhậu. Sau đó Trần Đoàn Dư, Trương Văn Ninh và Huỳnh Thanh Trọng (cùng sinh năm 2009) xuống đập tắm. Quá trình tắm, Dư và Ninh bị đuối nước chết. (2) Mới đây nhất, ngày 21/4/2022, tại bãi biển Vĩnh Hội, xã Cát Hải, Phù Cát, Hà Văn Hảo (1995, trú huyện Bá Thước, Thanh Hóa) và vợ là Phạm Thị Mỹ Lan (2001, trú huyện Chư Sê, Gia Lai) đi tắm biển bị sóng cuốn trôi ra xa, làm cả hai người chết.
Dự báo, trong thời gian tới, cùng với diễn biến phức tạp của thời tiết, thủy văn, việc gia tăng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí trong môi trường nước vào mùa du lịch hè sẽ là những nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng cả về số vụ và mức độ thiệt hại. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại, phòng, tránh tai nạn đuối nước, Công an tỉnh đã kịp thời chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương tăng cường công tác này, tập trung vào các nội dung: Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật liên quan đến đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa nói chung và phòng ngừa tai nạn đuối nước nói riêng; tình hình tai nạn đuối nước; cảnh báo các khu vực có nguy cơ cao, tiềm ẩn tai nạn đuối nước; hướng dẫn các kỹ năng ứng cứu đuối nước… để tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa của quần chúng nhân dân. Thứ hai, chủ động rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đường thủy, tai nạn đuối nước để kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương có các giải pháp cảnh báo nguy hiểm (cắm các biển cảnh báo, lập rào chắn, thông báo trên Đài truyền thanh cấp huyện, thông qua các cuộc họp dân…), quy hoạch, bố trí lại các tuyến đường bị che khuất tầm nhìn, khúc cua quanh co… gần các khu vực kênh, mương, sông suối, ao hồ có nguy cơ gây tai nạn đuối nước cho người tham gia giao thông. Thứ ba, chủ động lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ kịp thời các trường hợp tai nạn đuối nước trên địa bàn quản lý. Xây dựng, hoàn thiện phương án cứu nạn, cứu hộ và khắc phục xử lý các tình huống tai nạn đuối nước, nhất là trong trường hợp lụt bão. Thứ tư, tăng cường tuần tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường thủy nội địa để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các vi phạm về không sử dụng áo phao, không trang bị các công cụ cứu sinh, cứu đắm, người lái phương tiện thủy không có chứng chỉ chuyên môn... khi tham gia giao thông thủy, các bến đò ngang dân sinh, nhà hàng nổi hoạt động trái phép. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn, hoạt động tự phát, không phép.