Logo CAND

Đã vi phạm giao thông thì phải nộp phạt.

Thứ sáu - 18/04/2025 15:08 56 0
Có không ít trường hợp sau khi vi phạm giao thông và bị lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) lập biên bản xử lý, không ít người đã chọn cách trốn tránh không tự giác đến thực hiện Quyết định xử phạt, bỏ luôn phương tiện hòng “thoát” nghĩa vụ nộp phạt. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành, dù bỏ xe hay chây ỳ không thi hành Quyết định xử phạt, người vi phạm vẫn không thể trốn tránh trách nhiệm nếu còn có ý định đi đăng ký phương tiện mới hoặc đăng ký cấp lại Giấp phép lái xe (GPLX).
Nhiều người vi phạm giao thông đến nộp phạt để đủ điều kiện thực hiện các thủ tục đăng ký mới phương tiện
Nhiều người vi phạm giao thông đến nộp phạt để đủ điều kiện thực hiện các thủ tục đăng ký mới phương tiện
Ngày 14/4/2025, anh N.V.Q trú thị xã An Nhơn đến phòng CSGT Công an tỉnh để thi hành Quyết định vi phạm hành chính về lỗi vi phạm giao thông từ hơn 01 năm trước. Khi đó, anh Q bị Tổ công tác phòng CSGT xử phạt vì điều khiển phương tiện mà trong hơi thở có nồng độ cồn. Với vi phạm này, anh Q bị Tổ công tác lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện nhưng sau đó anh Q không đến giải quyết vì nghĩ xe đã cũ, bỏ luôn cho xong. Mới đây, khi mua xe mới và đi đăng ký thì anh Q “choáng váng” khi được cán bộ CSGT hướng dẫn là phải hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt cũ thì anh mới đủ điều kiện để đăng ký xe mới. “Tôi cứ tưởng bỏ xe là xong chuyện, ai ngờ vẫn phải thi hành. Thôi thì từ nay phải tuân thủ các quy định”, anh Q chia sẻ.
         
Một trường hợp khác là anh Đ.V.H trú thành phố Quy Nhơn đến đội Sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ thuộc phòng CSGT báo mất GPLX hạng A1 để xin cấp lại nhưng bị từ chối do hệ thống thông báo anh chưa thi hành quyết định xử phạt trước đó. “Tôi tưởng vi phạm mình để lâu là thoát. Không ngờ mọi dữ liệu đều đã liên thông, không thể né tránh được”, anh N nói.

         
Thượng tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng CSGT khẳng định: “Theo Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), quá thời hạn 10 ngày mà người vi phạm không chấp hành Quyết định xử phạt thì sẽ bị cưỡng chế và tính thêm tiền chậm nộp 0,05%/ngày. Đồng thời, người vi phạm không được đăng kiểm xe, không được đăng ký mới, không được sang tên phương tiện và không thể đăng ký học, thi lấy GPLX cũng như đổi, cấp lại GPLX nếu không chấp hành việc nộp phạt. Thực tế, nhiều trường hợp đã vướng rắc rối do không nắm rõ quy định”.

         
“Hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử phạt vi phạm giao thông đã kết nối với hệ thống đăng ký, đăng kiểm phương tiện và cấp đổi GPLX... Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, thực hiện đúng quyết định xử phạt”, Thượng tá Hoài thông tin thêm.

Tác giả bài viết: Minh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây