Logo CAND

Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” có xu hướng dịch chuyển vào Nam

Thứ năm - 16/12/2021 17:11 756 0
Như Báo CAND đã đưa tin, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an vừa triệt phá một băng nhóm đối tượng quê ở Hải Phòng, đã có tiền án, tiền sự, hoạt động lưu động vào TP. Hồ Chí Minh hoạt động “tín dụng đen” với quy mô lớn...

Băng nhóm này do đối tượng Đào Xuân Thắng (SN 1990), đã có 2 tiền án về tội “Cố ý gây thương tích” và “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” cầm đầu. 

Các đối tượng liên quan gồm: Phạm Thị Thúy Hằng (SN 1989), trú tại quận Dương Kinh, TP Hải Phòng; Nguyễn Văn Luyện (SN 1980), Trần Văn Chung (SN 1991), Đào Văn Thuận (SN 1975), Hoàng Đăng Dũng, quê ở Hải Phòng, hiện đang ở huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh và  Trần Hồng Giang (SN 1990), trú tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Từ tháng 5/2020, do nắm bắt được nhu cầu vay tiền của nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn do dịch COVID-19, Đào Xuân Thắng, Nguyễn Văn Luyện cùng một số đàn em bắt đầu di chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, thuê chung cư để hoạt động cho vay lãi nặng. Thắng trực tiếp chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của băng nhóm; quyết định các khoản vay, hình thức cho vay, lãi suất và cũng là người trả lương cho các đối tượng đàn em giúp sức.

Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” có xu hướng dịch chuyển vào Nam -0
Băng nhóm của Đào Xuân Thắng di chuyển từ Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh hoạt động “tín dụng đen”.

Thắng thường cho khách vay với 2 hình thức gồm: Vay “bát họ”- trả tiền góp theo ngày, lãi suất từ 282% - 1.738%/năm; vay “lãi nằm”- đóng tiền lãi 15 ngày một lần, lãi suất 5.000đ/1 triệu/1 ngày hoặc 1,5%/ngày, tương đương mức lãi suất 180% - 547,5%/năm. 

Ngoài ra, để che giấu hoạt động cho vay lãi nặng, né tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng Công an, Thắng không mở cơ sở kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính ở một địa điểm cố định mà thuê căn hộ chung cư để ở và hoạt động, quảng cáo dịch vụ cho vay lãi trên mạng để thu hút khách vay, lập các nhóm Zalo để trao đổi công việc cho vay, đòi nợ, xiết nợ… Các đối tượng lập, sử dụng tài khoản kế toán trên trang web “dongnai123.online” để quản lý, theo dõi các khoản vay của khách, số tiền gốc, tiền lãi, tiền góp hàng ngày theo từng mã vay, từng khách hàng. 

Đến hẹn trả tiền, các đối tượng Luyện, Giang, Dũng nhắn tin, gọi điện đôn đốc trả nợ đúng hẹn. Đối với những người vay chậm đóng tiền lãi, tiền góp hàng ngày, Thắng chỉ đạo đối tượng đàn em gây sức ép để yêu cầu người vay “bốc bát” mới để đáo hạn, tất toán cho các khoản vay trước. Căn cứ các tài liệu thu thập được và lời khai của các đối tượng, bước đầu, cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, nhóm Thắng đã cho hàng trăm khách hàng vay với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. 

Theo nhận định của Cục Cảnh sát hình sự, thời gian tới, sau khi dịch bệnh kiểm soát, các địa phương nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, các đối tượng thay đổi nơi cư trú, di chuyển giữa các địa bàn, nhất là phía Bắc quay trở lại phía Nam để hoạt động “tín dụng đen” . Do khó khăn về kinh tế, người dân có nhu cầu vay vốn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng không đáp ứng yêu cầu vay vốn của hệ thống ngân hàng sẽ có xu hướng tìm đến các nguồn vay không chính thống, trong đó có “tín dụng đen” để vay tiền, tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như công nhân, người lao động thời vụ, kinh doanh nhỏ lẻ, người bị mất việc làm, thanh thiếu niên.

 Các đối tượng hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính núp bóng dưới các hình thức, các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”  hoạt động phức tạp, ngoài việc phát tán, rải tờ rơi có thể chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tiếp cận người đi vay ở nhiều địa bàn, tại các khu công nghiệp, khu dân cư. Các đối tượng người nước ngoài đầu tư vốn, liên kết với doanh nghiệp trong nước hoạt động cho vay dưới nhiều hình thức biến tướng. Tại các địa bàn có nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ, các đối tượng hoạt động rải họ, thu họ phức tạp, có nguy cơ dẫn đến cho vay lãi nặng hoặc các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền góp họ, hụi bỏ trốn. …

Các đối tượng thành lập các doanh nghiệp đòi nợ, móc nối với các đối tượng có tiền án, tiền sự, băng nhóm tội phạm hoạt động biến tướng dưới các hình thức công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, tư vấn luật, tư vấn tài chính… hoặc hoạt động biến tướng dưới hình thức cho thuê lao động là các nhân viên đòi nợ, sử dụng mạng xã hội, phương tiện thông tin liên lạc để đòi nợ phản cảm gây bức xúc. Phát sinh các hành vi phạm tội từ việc đòi nợ và việc bị đòi nợ (nguyên nhân từ hoạt động “tín dụng đen” và giao dịch vay mượn thông thường) như giết người, cướp, trộm cắp, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản… với tính chất nghiêm trọng…

Chính vì vậy, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công trong Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Từ đó, có những giải pháp cụ thể để nâng cao nhận thức của người dân, giúp người dân tránh xa các cạm bẫy của “tín dụng đen”, tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng chính thức nếu có nhu cầu vay vốn.

M. Châu
Báo CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

BÀI ĐĂNG TRONG TUẦN ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây