XD phong cách Bản lĩnh, nhân văn

Ảnh hưởng của an ninh phi truyền thống trong chiến lược an ninh quốc gia ở nước ta hiện nay.

Chủ nhật - 11/12/2022 19:57 30.200 0
An ninh phi truyền thống (ANPTT) là sự mở rộng khái niệm an ninh truyền thống trong bối cảnh mới, trước các mối đe dọa đến an ninh, ổn định và phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, có tính xuyên quốc gia, trực tiếp ảnh hưởng ở một khu vực hoặc phạm vi toàn cầu.
ANPTT là việc bảo đảm an toàn, không có hiểm nguy cho cá nhân con người, quốc gia dân tộc và toàn nhân loại trước các mối đe dọa có nguồn gốc mới bất ổn định. Bao gồm các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, môi trường, sức khỏe, quyền con người; các giá trị của quốc gia, dân tộc như truyền thống xã hội, các quan hệ dân tộc; sự toàn vẹn văn hóa, sự thịnh vượng và phát triển kinh tế... Những mối đe dọa, xâm hại đến các khách thể thuộc các lĩnh vực nói trên không xuất phát từ sự đe dọa quân sự bên ngoài hay sự lật đổ chính trị, mà xuất phát từ các yếu tố như: chủ nghĩa cực đoan; chủ nghĩa khủng bố; khủng hoảng tài chính, tiền tệ; hoạt động của tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia; suy thoái môi truờng, biến đổi khí hậu; di cư bất hợp pháp;... Tất cả các mối đe dọa xảy ra từ những yếu tố này thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền thống.
         
Ngày nay, an ninh của một quốc gia bị uy hiếp, tiến công từ nhiều phía, không chỉ có kẻ thù xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia (an ninh truyền thống), mà còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, thảm họa thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, tội phạm xuyên quốc gia (ANPTT)... Do đó, phòng ngừa và ứng phó với thách thức ANPTT là nhiệm vụ an ninh quan trọng của mỗi quốc gia, song có sự gắn kết sâu rộng với an ninh khu vực và thế giới. Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị và toàn dân Việt Nam đã, đang tích cực chủ động phòng ngừa, đấu tranh để giảm thiểu tối đa những tác hại do ANPTT gây ra với nhiều biện pháp.

         
Hiện nay các vấn đề an ninh truyền thống và ANPTT trở thành mối đe dọa chủ yếu đối với an ninh quốc gia Việt Nam. Đảng ta khẳng định đối phó với ANPTT phải lấy phòng ngừa là chính được thể hiện bằng việc quản lý chặt chẽ của nhà nước theo pháp luật; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời xây dựng tổ chức các lực lượng chuyên trách để ứng phó kịp thời khi nguy cơ ANPTT xuất hiện. Bảo đảm an ninh quốc phòng nói chung và ứng phó với ANPTT nói riêng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đề cao cảnh giác và động viên tinh thần tích cực tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và Nhân dân chắc chắn sẽ thực hiện được bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” từ các mối đe dọa của ANPTT.

         
Một số ảnh hưởng của ANPTT có thể kể ra như sau:

         
Một là, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia

         
Đất nước ta “mở cửa”, “hội nhập” để tiếp thu được những tinh hoa của thời đại trên tất cả các lĩnh vực, nhưng theo đó sẽ có những tác động không mong muốn đi cùng. An ninh quốc gia Việt Nam sẽ bị tác động của các yếu tố từ bên ngoài, nằm ngoài sự cảnh giác, đề phòng của con người trong tiến trình hội nhập quốc tế.

         
Hai là, ảnh hưởng đến thể chế chính trị

         
Giữ vững và kiên định thể chế chính trị là vấn đề cốt lõi trong việc bảo vệ độc lập dân tộc của mỗi quốc gia mà Việt Nam không là ngoại lệ. Không thể có độc lập dân tộc thực sự, nếu quốc gia đó không giữ vững được thể thế chính trị đất nước và con đường phát triển của dân tộc mình.

         
Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hóa, những tác động trên càng trở nên quyết liệt, bởi các thế lực thù địch sử dụng chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá.

         
Ba là, ảnh hưởng đến môi trường

         
Vấn đề môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, khan hiếm nguồn nước sạch, vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng... đôi khi lại đe dọa nhiều hơn đối với cuộc sống của người dân ở những quốc gia không phải là “thủ phạm” gây ra những biến đổi, cạn kiệt đó.

         
Sự khai thác thiếu kiểm soát, tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái, “hiệu ứng nhà kính”, khí hậu nóng lên, tầng ôzôn bị phá hoại, tính đa dạng sinh học giảm, đất hoang mạc hóa, tình trạng nước biển dâng, bão, lụt, sóng thần ... chính là sự trừng phạt của tự nhiên đối với con người, đối với những hành động ứng xử thiếu văn hóa và thiếu nhân tính của con người đối với tự nhiên.

         
Bốn là, ảnh hưởng đến kinh tế

         
An ninh quốc gia và thực lực kinh tế là hai vấn đề không thể tách rời nhau. Tính độc lập tự chủ của nền kinh tế đất nước bị uy hiếp bởi tác động của các yếu tố đe dọa ANPTT, trực tiếp trên các vấn đề; lợi ích kinh tế; chủ quyền kinh tế; định hướng phát triển kinh tế; thể chế kinh tế; sự ổn định kinh tế, đặc biệt là về tài chính, tiền tệ và quan hệ hợp tác kinh tế thương mại quốc tế của quốc gia.

         
Năm là, ảnh hưởng đến vấn đề dân tộc, tôn giáo và nền văn hóa

         
Hiện nay, các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động đòi ‘ly khai tự quyết” tách ra khỏi sự quản lý của một số quốc gia trên thế giới. Điều đó tác động đến khối đại đoàn kết toàn dân ở Việt Nam.

         
Chúng đang ra sức tuyên truyền, xuyên tạc tình hình tôn giáo tại Việt Nam, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, tạo cớ kích động tín đồ đấu tranh chống chính quyền, kêu gọi quốc tế can thiệp.

         
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các yếu tố đe dọa ANPTT làm cho bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung, của mỗi dân tộc nói riêng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Do đó, chúng ta cần tập trung nguồn lực để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII. Vấn đề giữ gìn những giá trị truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, thuần phong mỹ tục, những giá trị đạo đức, lối sống đang là đòi hỏi cấp bách đối với mỗi người dân.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:
         
(1) Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Cao cấp Lý luận chính trị: Giáo dục quốc phòng và an ninh, NXB Lý luận chính trị, H.2018.

         
(2) Trung tâm Từ điển Bách khoa Quân sự, Bộ Quốc phòng: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, H.2004.

Tác giả bài viết: Thiên Trúc - BTC Tỉnh ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 1.7 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây