Chủ động, nêu gương, kỷ cương

Tỉnh táo trước luận điệu xuyên tạc một số dự án luật về an ninh, trật tự.

Thứ hai - 29/05/2023 09:20 375 0
Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và quá trình hội nhập quốc tế, việc bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong xây dựng các dự án luật là yêu cầu khách quan.

Theo đó, trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan nhà nước cần phải lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến của người dân để bàn bạc, nghiên cứu tiếp thu, đảm bảo các chính sách được đề xuất sau khi luật hóa sẽ phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, sát dân, gần dân, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần bảo đảm hài hòa các quyền, lợi ích trong xã hội.

Thông qua việc lấy ý kiến của người dân, người hoạch định chính sách sẽ có thông tin thực tế cuộc sống để đưa ra được những quy định phù hợp với các điều kiện xã hội hiện có. Từ đó, văn bản pháp luật sẽ có tính khả thi cao, phù hợp với tâm tư nguyện vọng, lợi ích của đa số quần chúng nhân dân thì văn bản sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống, niềm tin của nhân dân đối với chính quyền sẽ được củng cố. Việc lấy ý kiến người dân cũng là hình thức tuyên truyền mang tính tích cực, chủ động để tổ chức, cá nhân nghiên cứu, thảo luận, tiếp cận trước một bước với văn bản pháp luật, tạo thuận lợi để văn bản đi vào cuộc sống khi được chính thức ban hành.                    

Âm mưu phía sau những luận điệu xuyên tạc

Thực hiện kế hoạch của Chính phủ, Bộ Công an được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật quan trọng gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND; Luật Căn cước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, với âm mưu chống phá, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và các tổ chức phản động lợi dụng quá trình Bộ Công an triển khai lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật nêu trên để đưa ra đủ luận điệu xuyên tạc, vu cáo. Các đối tượng cho rằng, Việt Nam muốn hạn chế các quyền tự do dân chủ rồi ban hành luật để trói buộc, gò ép người dân, thậm chí chúng còn lôi kéo, kích động người dân phản đối các dự luật khi đưa ra lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân.

Lướt qua các mạng xã hội Facebook, Youtube… hay các phương tiện truyền thông nước ngoài như đài BBC tiếng Việt, RFA, VOA cho thấy những chiêu trò chống phá khi liên tiếp đăng tải, phát tán các bài viết có nội dung xuyên tạc các dự án luật. Chẳng hạn, khi nói về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, các đối tượng tung ra bài viết cho rằng, Nhà nước muốn tạo ra một mạng lưới chân rết quần chúng sát với từng người dân để nắm được từng chân tơ kẽ tóc, mọi hoạt động của dân, rồi hạch sách, nhũng nhiễu… gây nguy hại cho dân; nếu hình thành một lực lượng như thế thì gần như là lực lượng bán vũ trang, rồi chi phí dụng cụ hành nghề, thậm chí có thể là vũ khí nóng gây bất an cho dân... Từ đó hướng lái vấn đề “lực lượng này dù có hợp nhất hay không cũng sẽ không giữ được ANTT như mong muốn của nhà cầm quyền cộng sản khi soạn luật mà nó sẽ làm mất ANTT và xã hội sẽ trở nên hỗn loạn hơn”...

Ngay sau đó, nhiều trang mạng của các tổ chức phản động lưu vong liền đăng tải các bài viết nhằm bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kích động người dân. Đây là những luận điệu xuyên tạc nhằm dẫn dắt, hướng lái dư luận, tạo ra nhận thức lệch lạc, thái độ phản đối, chống phá đối với dự án luật. Từ việc xuyên tạc nội dung trong dự án luật, các đối tượng hướng đến bôi nhọ hình ảnh lực lượng vũ trang, bôi nhọ chính sách quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cho rằng cách làm như vậy là sai lầm, làm mất vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế! Cùng với việc vu khống, bôi nhọ cán bộ, đảng viên, các đối tượng tìm cách tâng bốc những người bất mãn, cơ hội chính trị, coi những đối tượng hoạt động tuyên truyền, chống phá nhà nước bị pháp luật xử lý là những “nhà dân chủ”; cổ vũ tư tưởng dân tộc cực đoan, kích động "lòng yêu nước" để tụ tập, biểu tình chống đối nhằm tới mục tiêu "cách mạng đường phố", "cách mạng màu" để thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

Cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa, sự cần thiết ban hành các dự án luật

Trái ngược với những luận điệu xuyên tạc, phá hoại nói trên, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại biểu Quốc hội và người dân ở các tỉnh, thành phố qua quá trình nghiên cứu, thảo luận đã khẳng định, việc ban hành các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo nói trên là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khách quan. Điều này xuất phát từ sự đa dạng, phức tạp của công tác bảo đảm ANTT, luôn có sự biến động, thay đổi, đòi hỏi các quy định pháp luật phải được bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Với những vấn đề mới khi đưa ra thảo luận, đóng góp ý kiến, có những ý kiến đồng tình hoặc chưa tán thành nội dụng, vấn đề nào đó là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, cần tỉnh táo trước những luận điệu lợi dụng việc góp ý để xuyên tạc nhằm tạo ra nhận thức lệch lạc, suy giảm niềm tin, kích động tâm lý, thái độ chống đối, phá hoại dự thảo luật, sâu xa hơn là chống phá chế độ, Đảng và Nhà nước.

Các dự án luật trên có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; tăng cường quản lý nhà nước và bảo đảm quyền lợi của công dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng CAND. Tạo cơ sở vững chắc giúp lực lượng Công an chủ động trong công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách về bảo đảm an ninh trật tự, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị.

Đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động gây tâm lý hoài nghi, dao động, ảnh hưởng đến mục tiêu giữ vững sự ổn định và bảo đảm ANTT ngay từ cấp cơ sở. Do vậy, chúng ta cần nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn để có cách thức đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái.

Cần thấy rằng, việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là sự cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, trong đó CAND là lực lượng nòng cốt, bảo vệ ANTT từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Việc xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các nhà khoa học, các cơ quan chức năng trước khi hoàn thiện để Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở.

Hiện nay, cùng với lực lượng Công an, trên địa bàn cấp xã có sự tham gia bảo vệ ANTT của các lực lượng: Bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng. Các lực lượng này được gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đây là lực lượng quần chúng do UBND cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động, hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cấp xã. Mặc dù vậy, hiện nay mỗi nơi từ tên gọi đến tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng khác nhau, không rõ ràng. Từ đó một số nơi gặp khó khăn trong chỉ đạo, tổ chức, thực hiện, do vậy đòi hỏi cần phải được chuẩn hóa, đưa vào luật.

Thực tiễn tổ chức và hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thời gian qua đã bộc lộ nhiều vướng mắc bất cập, nhất là về chính sách, pháp luật. Các quy định hiện hành về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được đề cập ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành. Mặt khác, các quy định về thẩm quyền thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ ANTT, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bị chồng lấn giữa các lực lượng. Quy định về chế độ, chính sách; điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trang, thiết bị hoạt động của các lực lượng này còn thiếu, chưa thống nhất.

 “Lấy dân làm gốc” là nguyên tắc cơ bản, mục tiêu xuyên suốt của dự thảo luật và phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Theo cơ quan soạn thảo, việc xây dựng, tổ chức lại lực lượng tham gia bảo vệ ANTT không làm tăng biên chế, tăng ngân sách nhà nước. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cánh tay nối dài, sâu sát với nhân dân, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền, hỗ trợ lực lượng nòng cốt là Công an chính quy trong việc đảm bảo ANTT tại cơ sở, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Thực tế cho thấy, trong đời sống xã hội, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã phát huy tích cực thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ bảo đảm ANTT địa bàn dân cư, sát dân, hiểu, nắm được tâm tư nguyện vọng nhân dân, góp phần tham gia tổ chức, thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Rõ ràng, với mục tiêu, ý nghĩa như trên, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là thực sự cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan, có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, củng cố các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân và phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, những quan điểm, luận điệu lệch lạc, sai trái, chống phá việc nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội ban hành dự luật cần phải được đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

(Nguồn: cand.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây