Hoạt động thu mua phế liệu, tái chế phế liệu đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua việc thu gom, phân loại để tái chế, tái sử dụng các loại rác thải, giảm lượng rác thải ra môi trường. Tuy nhiên, mặt trái của ngành nghề này mang lại đối với môi trường là không nhỏ, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp. Cụ thể: phần lớn các cơ sở thu mua phế liệu, tái chế phế liệu trên địa bàn chưa chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, như: chưa lập hồ sơ môi trường, không xây dựng hệ thống xử lý nước thải mà thải trực tiếp nước thải ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; rác từ khâu bóc, tách phế liệu không bán hoặc xay được thì các cơ sở tập kết thành đống và đốt. Nguy hiểm hơn, tại các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu, các chủ cơ sở không tiến hành phân loại chất thải nguy hại như vỏ chai dầu nhớt, sơn đã qua sử dụng, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất... để chuyển giao cho đơn vị chức năng xử lý theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại, mà lại để chung với các loại phế liệu khác, đem đốt hoặc xay thành hạt để bán. Hành vi này đã thải vào môi trường các chất có thành phần nguy hại, tác động xấu, gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân.
Ngoài ra, tại các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu không đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng chống cháy nổ, các loại phế liệu để ngổn ngang trong khu vực cơ sở và ngay cả bên ngoài diện tích đất của cơ sở. Trong năm 2021 đã xảy ra 03 vụ cháy tại 03 xưởng thu gom, tái chế nhựa phế liệu. Cụ thể: tối 10-8, xảy ra 2 vụ cháy 2 kho phế liệu của ông Trà Văn Hạnh và ông Nguyễn Duy Phương (thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân, huyện Phù Cát); ngày 13/8, xảy ra vụ cháy tại cơ sở sản xuất nhựa phế liệu của ông Bùi Văn Phụng, trong Cụm công nghiệp Bình Dương (khu phố Dương Liễu Đông, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ). Các vụ cháy nổ tại các cơ sở thu gom, tái chế phế liệu đã đe dọa đến tính mạng và gây nhiều bức xúc cho người dân sinh sống xung quanh.
Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Định đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về môi trường cho các cơ sở, hộ kinh doanh trên địa bàn, trong đó tập trung vào hướng dẫn các quy định về phân loại, quản lý chất thải nguy hại, các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, Phòng cảnh sát môi trường đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe người dân. Cụ thể, ngày 30/12/2021, Phòng Cảnh sát môi trường đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường trong quá trình hoạt động xay nhựa phế liệu đối với 02 cơ sở tái chế phế liệu tại thôn Kiều An, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, phát hiện 02 cơ sở xả nước thải có các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nhiều lần. Đơn vị đã củng cố hồ sơ và tham mưu Giám đốc Công an tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 cơ sở tái chế phế liệu với tổng số tiền là 87.000.000 đồng.
Nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường (Ảnh: CTV)
Dẫu biết rằng hoạt động kinh doanh, tái chế phế liệu là công việc mưu sinh của nhiều hộ gia đình và người dân, nhưng chúng ta không thể “đánh đổi môi tường vì lợi ích kinh tế”. Một phần nguyên nhân gây ô nhiễm xuất phát tự nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân, một phần từ công tác quản lý nhà nước đối với loại hình hoạt động này chưa thật nghiêm ngặt.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, thời gian tới, Phòng Cảnh sát môi trường sẽ chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường cấp huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật cho người dân và các chủ cơ sở hoạt động thu mua, tái chế phế liệu trên địa bàn; tham mưu các cấp chính quyền có giải pháp căn cơ để vừa ổn định cuộc sống người dân, vừa bảo vệ môi trường như di dời các cơ sở tái chế phế liệu vào khu, cụm công nghiệp, kiểm soát tình trạng các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu tự phát. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở chây ì trong công tác bảo vệ môi trường, xả nước thải không qua hệ thống xử lý, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dư luận.