Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ ba - 08/11/2022 15:457.5070
Sáng 07/11/2022, Trại giam Kim Sơn, Bộ Công an long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (6/1962 - 6/2022) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất. Dự lễ có đồng chí Trung tướng Lê Minh Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang; cùng đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Công an và địa phương. Đại diện Công an tỉnh, đồng chí Đại tá Lê Hồng Thái, Phó Giám đốc Công an tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số phòng chức năng đến dự và chung vui với lãnh đạo và CBCS Trại giam Kim Sơn.
Trại giam Kim Sơn tiền thân là Trại giam K18 thuộc Công an tỉnh Bình Định, được thành lập vào tháng 6/1962, đóng quân tại khu căn cứ (Làng O1, xã Tukơron, huyện Vĩnh Thạnh). Ngay từ khi mới thành lập, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban an ninh tỉnh Bình Định, CBCS trại giam K18 đã nỗ lực công tác, chiến đấu để phục vụ yêu cầu giam giữ, giáo dục cải tạo bọn ác ôn, ngụy quân, ngụy quyền, bọn đầu sỏ trong các tổ chức đảng phái phản động và các loại tội phạm khác theo đường lối chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và cách mạng, để họ trở thành người lương thiện.
Trong những năm tháng gian khổ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, CBCS K18 không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn nơi giam giữ các đối tượng thù địch, phản động mà còn tranh thủ thời gian tăng gia sản xuất để cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ cho cách mạng. Đối mặt với biết bao đợt tấn công bằng những loại vũ khí hiện đại của kẻ thù, với bao thủ đoạn tinh vi, mưu mô xảo quyệt, song những người lính K18 năm xưa vẫn kiên trung với Đảng, với cách mạng mà không một chút nao lòng. Những chiến công xuất sắc của CBCS Trại giam K18 trong kháng chiến cứu nước được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đến năm 1996, cùng với sự lớn mạnh vượt bậc của Trại giam Kim Sơn và yêu cầu mới của cách mạng, Trại giam Kim Sơn đã được chuyển giao từ Công an tỉnh Bình Định về cục nghiệp vụ Bộ Công an quản lý. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ của Kim Sơn trên con đường tiến lên chính quy, hiện đại và lớn mạnh không ngừng, đủ sức hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và ngành Công an giao cho.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trại dời từ khu căn cứ về đóng quân tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, lấy tên là Trại cải tạo Kim Sơn. Đây là vùng hoang hóa trong chiến tranh, từ nơi ăn ở của CBCS đến cơ sở, phương tiện giam giữ hầu như không có gì. Để kịp thời đáp ứng yêu cầu giam giữ phạm nhân với số lượng lớn và nơi ăn ở cho cán bộ chiến sỹ, Trại đã huy động mọi tiềm lực để xây dựng nhà xưởng như lò rèn, xưởng mộc, khai thác nguyên vật liệu tại chỗ, làm gạch, ngói gắn với quy hoạch đồng ruộng, khai hoang, xây dựng hệ thống thuỷ lợi…Chỉ trong một thời gian ngắn, trại đã đảm bảo nơi giam giữ từ 2 đến 3 ngàn phạm nhân đáp ứng yêu cầu quản lý giáo dục các loại đối tượng.
Trong những năm thực hiện đường lối đổi mới, hòa cùng xu thế đi lên của xã hội, lĩnh vực công tác quản lý trại giam nói chung luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và không ngừng được đổi mới hoàn thiện. Trong sự quan tâm chung đó, Trại được Nhà nước và Bộ Công an đầu tư kinh phí xây dựng nâng cấp khu giam giữ phạm nhân, điều kiện giam giữ được cải thiện một bước. Bằng sự nỗ lực phấn đấu công tác, tiếp thu kiến thức từ thực tiễn, trên cơ sở chính sách pháp luật, với tinh thần cảnh giác và ý thức trách nhiệm, đội ngũ cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã đảm bảo tốt nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, làm giảm cơ bản tình trạng phạm nhân trốn trại. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh tăng vụ kết hợp với việc điều chỉnh hợp lý cơ cấu vật nuôi, cây trồng, mùa vụ nên năng suất sản lượng được nâng lên một bước đáng kể, đồng thời mở rộng liên doanh, liên kết các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp với mục tiêu đưa số phạm nhân án cao, nguy hiểm vào lao động trong khu vực nhà xưởng (trên 50% tổng số phạm nhân) tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, giam giữ phạm nhân. Bằng kết quả sản xuất đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng củng cố nâng cấp cơ sở hạ tầng của trại, cải thiện đời sống CBCS và phạm nhân, không chỉ giảm bớt chi phí mà còn có dư để nộp vào ngân sách Nhà nước.
Song hành với công tác quản lý, giam giữ, đơn vị chú trọng triển khai thực hiện tốt các mặt công tác giáo dục cải tạo và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách pháp luật đối với phạm nhân, trong đó chú trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt công tác giáo dục, nhất là giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về quyền và nghĩa vụ của công dân, của phạm nhân. Các phạm nhân mới nhập trại đều được học tập về nội quy, đồng thời trại cũng thường xuyên tổ chức các lớp giáo dục công dân cho phạm nhân đang chấp hành án và tổ chức các lớp học tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân gần hết án.
Trong công tác của mình, Trại giam Kim Sơn nhận được sự hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ quý giá của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự các cấp. Giữa Trại giam Kim Sơn với các cơ quan trên đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý giam giữ, đặc xá tha tù và thi hành án dân sự. Riêng từ năm 2000 đến nay, thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, đơn vị đã làm tốt công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân, kết quả có hơn 3.000 phạm nhân được đặc xá và hàng chục ngàn lượt phạm nhân được TAND tỉnh Bình Định ra quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù. Số phạm nhân được đặc xá tha tù trước thời hạn về địa phương, gia đình đều chấp hành tốt pháp luật của nhà nước và có nhiều người làm ăn thành đạt, giàu có.
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng cải tạo, giáo dục cho phạm nhân cũng như làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho họ, Trại giam Kim Sơn đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ngành, đoàn thể của tỉnh; các hoạt động thiết thực, ý nghĩa được Trại và các Hội đoàn thể tổ chức ngày càng nhiều hơn và rất đa dạng như giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thông qua đó lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được các phạm nhân chào đón nồng nhiệt, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần giúp họ vượt qua mặc cảm bản thân, cố gắng phấn đấu làm người hữu ích. Điển hình như trường hợp anh Nguyễn Trùng Dương ở phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn; anh Cao Bay ở phường Hoài Đức, thị xã Hoài Nhơn… Khi về địa phương, họ chí thú làm ăn, không quản ngại gian khổ cực nhọc, đồng thời tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nhiều lần bắt được đối tượng côn đồ, trộm, cướp và cứu nhiều người bị tai nạn giao thông đưa đến bệnh viện, hoặc tạo công ăn việc làm cho những người từng lầm lỡ như mình…