Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ tư - 18/05/2022 16:061.1040
Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có những tác động, thách thức không nhỏ, nhất là tác động tiêu cực của tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân, sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người, các sở, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh, qua đó đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần kiềm chế tội phạm xảy ra trên địa bàn.
Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ - 26 đối tượng giết người, làm chết 09 người, bị thương 08 người (giảm 11,76% số vụ so với năm 2020). Tuy nhiên, tình hình tội phạm giết người trên địa bàn vẫn tiềm ẩn phức tạp, với tính chất, hành vi phạm tội nghiêm trọng, đáng chú ý các hành vi giết người thân trong gia đình, giết người cướp tài sản, giết người do mâu thuẫn trong sinh hoạt, các nhóm thanh, thiếu niên giải quyết mâu thuẫn, sử dụng hung khí nguy hiểm gây án, ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương. Đối tượng phạm tội đa dạng về thành phần, đa số phạm tội lần đầu, chưa có tiền án tiền sự hoặc do người nghiện ma túy, sử dụng rượu bia, tâm thần, các đối tượng ở tuổi vị thành niên gây án nên khó khăn trong công tác phòng ngừa. Theo thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ - 31 đối tượng giết người (Phù Mỹ: 04 vụ, Phù Cát: 02 vụ, Quy Nhơn, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước: mỗi nơi 01 vụ) làm chết 07 người, bị thương 06 người, trong đó có 04 vụ giết người thân.
Ngoài ra, tội phạm cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng có nguy cơ cấu thành tội giết người cũng tăng trong thời gian qua, như: Cố ý gây thương tích xảy ra 41 vụ (tăng 22 vụ so với cùng kỳ năm 2021), nhiều vụ có tính chất băng nhóm, nhiều đối tượng tham gia, sử dụng hung khí nguy hiểm, công cụ hỗ trợ gây án. Điển hình: Ngày 08/02/2022 và 14/02/2022, liên tiếp xảy ra 02 vụ - 33 đối tượng thanh thiếu niên giải quyết mâu thuẫn cá nhân, sử dụng hung khí đánh nhau, dẫn tới hậu quả chết 02 người ở Phù Mỹ và thị xã An Nhơn. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Định đã khởi tố 23 bị can về tội “Giết người”, 10 bị can về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Ngày 30/4/2022, tại Trạm y tế xã Phước Sơn (Tuy Phước), ông Trương Văn Bảy (1953, trú tại Phước Sơn, Tuy Phước) là bảo vệ của Trạm y tế bị 01 đối tượng dùng đá đánh vào đầu, lấy đi ví da đựng tiền, hiện đang cấp cứu tại BVĐK tỉnh. Lực lượng Công an đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, nhanh chóng xác định đối tượng gây án và bắt, tạm giữ đối tượng Huỳnh Kim Phú (1996, trú thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, Tuy Phước) về hành vi “Giết người”,“Cướp tài sản”. Để tăng cường, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, hội, đoàn thể thành viên và các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm giết người, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: 1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP về phòng, chống tội phạm nói chung và phòng ngừa tội phạm giết người nói riêng, Kế hoạch số 555/KH-BCĐ ngày 19/4/2022 của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người. 2. Chủ động phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở là địa bàn trung tâm. Trong đó, tập trung giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối với các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giải quyết kịp thời, triệt để các khiếu nại, tố cáo không để phức tạp kéo dài phát sinh hình thành “điểm nóng” về ANTT. Phát huy vai trò của các tổ hòa giải, các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường năng lực cho lực lượng Công an xã, phường, thị trấn để chủ động nắm, kịp thời phát hiện, giải quyết sớm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. 3. Phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội hoặc tái phạm tội như: người có tiền án, tiền sự, thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật, người nghiện ma túy, nhất là số có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”; người áp dụng các biện pháp bắt buộc chữa bệnh, người được đặc xá, tha tù… 4. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, nhất là pháp luật về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực học đường… Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền đạt hiệu quả, phù hợp từng nhóm đối tượng, địa bàn; chú trọng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, người có uy tín trong cộng đồng dân cư… để phối hợp tuyên truyền phòng ngừa tội phạm giết người. 5. Chú trọng xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, trong đó duy trì, phát huy, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào; xây dựng gia đình văn hoá, khu dân cư, xã, phường, thị trấn an toàn về ANTT; củng cố và nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, nhất là ở địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự xã hội. 6. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh, triệt phá các băng nhóm, tội phạm có tổ chức, nhất là các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, bảo kê, đòi nợ thuê, liên quan tín dụng đen... Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT, thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi bạo lực, côn đồ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án. Khai thác, sử dụng đồng bộ, phát huy giá trị của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa tội phạm. 7. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án giết người theo đúng quy định pháp luật, nhất là các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, không để tồn đọng các vụ án giết người không rõ thủ phạm, không bỏ lọt tội phạm. Chủ động phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các thiếu sót, bất cập để kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết. 8. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở những nơi không làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành án dân sư, giải quyết mâu thuẫn, hòa giải ở cơ sở để xảy ra tội phạm giết người; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người./.