Ngày 24/11/2020, có 02 đối tượng tự xưng là cán bộ Công an gọi điện thông báo bà T.T.V. (trú phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) có liên quan đến vụ án ma tuý, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản 19036479963016 (chủ tài khoản HOANG VAN TIEN) phục vụ công tác điều tra, hẹn 01 tuần sau khi điều tra xong sẽ hoàn trả tiền. Sau khi đã chuyển 800.000.000 đồng vào số tài khoản trên, đến ngày 12/12/2020, bà V. không thấy ai liên lạc lại, biết mình bị lừa nên đến cơ quan Công an trình báo vụ việc.
Qua nghiên cứu một số vụ việc xảy ra thời gian gần đây, Công an thành phố thông báo một số phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường hay sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội:
1. Giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Toà án gọi điện đến các cá nhân thông báo liên quan đến đường dây tội phạm ma túy, rửa tiền, tham nhũng… yêu cầu bị hại chuyển tiền phục vụ công tác điều tra hoặc đề nghị tải và cài đặt ứng dụng giả mạo mang tên “Bộ Công an” (ảnh minh hoạ) nhằm bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng, qua đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền.
2. Giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo tài khoản ngân hàng có tiền chuyển đến nhưng bị treo trên hệ thống hoặc đang bị tranh chấp, có yêu cầu phong toả, đề nghị bị hại cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP để khắc phục hoặc chứng minh chính chủ tài khoản.
3. Giả danh nhân viên công ty xổ số kiến thiết gọi điện cho bị hại thông báo biết trước kết quả xổ số, đề nghị chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để được chúng cung cấp kết quả xổ số trước giờ mở thưởng.
4. Giả danh nhân viên các công ty viễn thông gọi điện, gửi tin nhắn cho bị hại thông báo trúng thưởng các phần quà có giá trị (như xe mô tô SH, Lyberty…) kèm một số tiền mặt lớn, yêu cầu mua thẻ cào điện thoại rồi đọc mã nạp tiền hoặc chuyển tiền vào tài khoản của chúng để làm thủ tục nhận thưởng.
5. Sử dụng tài khoản mạng xã hội với tên và hình ảnh là người nước ngoài, nhắn tin kết bạn với bị hại. Sau một thời gian làm quen, tạo được niềm tin, tình cảm thì hứa hẹn gửi tặng các món quà có giá trị (trang sức, mỹ phẩm, tiền…) qua đường hàng không. Tiếp đó, chúng tự xưng là cán bộ Hải quan sân bay quốc tế điện thoại cho bị hại yêu cầu chuyển tiền với các lý do như nộp thuế, phí vận chuyển quốc tế… mới được nhận quà.
6. Đăng tin rao bán các mặt hàng trên mạng xã hội, yêu cầu người mua chuyển tiền cọc rồi chiếm đoạt tiền mà không giao hàng hoặc giao hàng kém chất lượng.
7. Liên hệ mua hàng của các cá nhân bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội, sau đó gửi đường link website giả mạo website ngân hàng, dịch vụ chuyển tiền quốc tế (như trang Western Union) để lừa bị hại truy cập, nhập thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP để nhận tiền thanh toán, qua đó chiếm đoạt tiền.
8. Đánh cắp (hack) thông tin tài khoản thư điện tử (Email) của các công ty, doanh nghiệp có quan hệ mua bán với đối tác nước ngoài, thường giao dịch qua thư điện tử để lấy các thông tin về hợp đồng mua bán. Sau đó chúng tạo tài khoản Email giả mạo (gần giống với Email thật, chỉ sai khác một ký tự) rồi gửi thư lừa đối tác chuyển tiền vào tài khoản của chúng với lý do số tài khoản trước đó thường hay gặp trục trặc hoặc tài khoản đang bị phong toả… để chiếm đoạt tiền.
9. Nhắn tin lừa chủ tài khoản mạng xã hội truy cập, nhập thông tin tài khoản vào các website giả mạo với nội dung chủ yếu kêu gọi ủng hộ hoặc bình chọn các cuộc thi để chiếm đoạt thông tin tài khoản, sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè của bị hại mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền.
Để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an thành phố đề nghị cán bộ, nhân dân thành phố nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, có biện pháp bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân như:
- Cảnh giác với các cuộc điện thoại lạ từ những người tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an thông báo, yêu cầu phối hợp điều tra các vụ án kèm theo đề nghị chuyển tiền. Trường hợp nhận được các yêu cầu trên cần nhanh chóng thông tin cho cơ quan Công an để phối hợp xác minh, xử lý.
- Người dân khi mua hàng qua mạng cần lựa chọn những địa chỉ uy tín, tin cậy, không chuyển tiền dưới bất kỳ hình thức nào cho những người mà mình không nắm rõ thông tin.
- Hạn chế công khai các thông tin cá nhân như: Số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng… trên mạng xã hội. Đối với các tin nhắn, các cuộc điện thoại của bạn bè, người thân nhờ mua giúp thẻ cào điện thoại, hỏi mượn hoặc nhờ chuyển tiền giúp cần phải gọi điện thoại hỏi trực tiếp người đưa ra yêu cầu để xác nhận thông tin trước khi chuyển tiền.
- Thường xuyên thay đổi mật khẩu các tài khoản truy cập mạng xã hội, các dịch vụ ngân hàng điện tử trực tuyến. Sử dụng, cập nhật các phần mềm diệt virut có bản quyền; cài đặt một số công cụ cho phép tích hợp vào trình duyệt web như Chrome, FireFox… nhằm đưa ra các cảnh báo cho người dùng khi không may truy cập vào các website lừa đảo. Hạn chế truy cập tài khoản thư điện tử, tài khoản các trang mạng xã hội ở các thiết bị công cộng, rao vặt…
- Không truy cập vào các đường link, mở các tệp tin lạ được gửi qua email, mạng xã hội, không làm theo hướng dẫn trên các website khi chưa hiểu rõ. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống các phần mềm, ứng dụng, tệp tin từ các nguồn tin cậy.
Trường hợp phát hiện các đối tượng có các phương thức, thủ đoạn hoạt động tương tự như trên, đề nghị người dân thông báo với cơ quan Công an nơi gần nhất để tiếp nhận điều tra, xử lý. Địa chỉ, số điện thoại - đường dây nóng tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an thành phố Quy Nhơn: 144 Cần Vương, ĐT: 0256.3546.113; 0256.3546.114; 0256.3546.995
Công an TP.Quy Nhơn