1. Cuối năm là thời điểm người lao động sẽ được nhận các khoản tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác để chuẩn bị mua sắm phục vụ Tết. Người dân sau khi rút tiền tại các trụ ATM, ngân hàng hoặc nhận tại nơi làm việc…t hường có thói quen để tiền vào cóp xe hoặc bỏ vào túi xách rồi đến chợ, trung tâm thương mại hay các cửa hàng để mua sắm. Lợi dụng việc này, các đối tượng sẽ theo dõi, bám theo chủ tài sản, lợi dụng sơ hở thì ra tay móc túi hoặc đợi lúc chủ tài sản đi khuất sẽ nhanh chóng tiếp cận phương tiện rồi tiến hành cạy cóp xe môtô để trộm cắp, thậm chí phá khóa lấy trộm cả phương tiện lẫn tài sản bên trong; đối với ôtô chúng sẽ đập vỡ kính cửa xe rồi lục soát trộm cắp tài sản.
Do đó, đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác, sau khi rút hoặc nhận các khoản tiền, tài sản có giá trị lớn phải nhanh chóng đem cất giữ ở nơi an toàn; không nên để nhiều tiền, tài sản có giá trị lớn trong túi xách hay trong ôtô, cóp xe môtô mà không có người trông coi hoặc để trong phương tiện qua đêm ngoài đường; trước khi ra khỏi nhà phải kiểm tra hệ thống cửa ngõ; thường xuyên kiểm tra, gia cố, thay thế các bộ phận cửa, hệ thống khóa để đảm bảo an toàn; lắp đặt hệ thống camera an ninh tại nhà riêng, cơ quan, doanh nghiệp... đề phòng tội phạm trộm cắp tải sản đột nhập và phục vụ công tác điều tra của lực lượng Công an trong trường hợp bị mất trộm tài sản; người dân nên sử dụng các tiện ích, ứng dụng thanh toán không sử dụng tiền mặt để chi trả cho hoạt động mua sắm của mình.
Các loại cây cảnh, cây bonsai có giá trị phục vụ Tết cũng là tài sản mà đối tượng trộm cắp nhắm đến. Bên cạnh việc lắp đặt hệ thống camera an ninh hỗ trợ công tác bảo vệ, chủ tài sản cần sử dụng dây xích, dây cáp neo giữ hoặc cố định chậu cây, cây cảnh lớn với các vật nặng khác; với những cây nhỏ gọn sau khi chăm sóc xong nên mang vào nhà. Đối với chủ các vườn cây, ngoài những biện pháp trên nên bố trí người trông coi thường xuyên, đồng thời chủ động kiểm tra, lắp dựng tường rào xung quanh khu vực vườn cây của mình để bảo vệ tài sản.
2. Theo phong tục tập quán, việc đốt giấy, vàng mã, thắp nhang, đèn vào dịp Tết cổ truyền tại các hộ gia đình, công ty, doanh nghiệp… sẽ diễn ra với tần suất cao hơn so với những thời điểm khác trong năm. Do đó sẽ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ.
Để chủ động phòng tránh tình trạng cháy, nổ có thể xảy trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đề nghị người dân cần chủ động các biện pháp phòng chống cháy, nổ: Tuyệt đối không tích trữ xăng, dầu và các loại hóa chất dễ cháy trong nhà; trước khi ra khỏi nhà phải kiểm tra và tắt các thiết bị điện không cần thiết, đảm bảo chắc chắn nhang, đèn đã tàn và cháy hết; nên đốt giấy, vàng mã trong các vật dụng chứa đựng như: Thau, chậu, thùng bằng đất sét, kim loại, lò đốt chuyên dụng… đồng thời dập tắt tàn lửa sau khi đốt xong để tránh trường hợp có thể bay vào các đồ vật, vật liệu dễ bắt lửa, gây cháy; không để các phương tiện, vật liệu dễ cháy gần bàn thờ, bếp hoặc nơi đốt giấy, vàng mã; khuyến khích người dân nên trang bị bình chữa cháy cầm tay trong nhà để xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra.
Đối với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất các mặt hàng dễ gây cháy, nổ cần thường xuyên kiểm tra hệ thống báo cháy, chữa cháy tại cơ quan, đơn vị; chủ động khắc phục những tồn tại, thiếu sót có thể là nguyên nhân gây hỏa hoạn; đồng thời quán triệt nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công nhân nhân viên, lực lượng bảo vệ trong công tác trực, kiểm tra cơ quan, nhà xưởng, chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, biện pháp, phương án xử lý khi xảy ra tình huống cháy, nổ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Văn Quân