Chủ động, nêu gương, kỷ cương

Mất gần 500 triệu đồng trong nháy mắt

Thứ ba - 24/08/2021 16:19 4.850 0
Chuyện thật như đùa xảy ra tại phường Đống Đa –TP Quy Nhơn. Với thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng một người dân ở địa bàn này đã bị mất gần 500 triệu đồng chỉ trong nháy mắt.
Mất gần 500 triệu đồng trong nháy mắt

          Chiều 19.8, một đối tượng lạ sử dụng số điện thoại 8082363734047 gọi cho anh Nguyễn T( Sn 1983 ở phường Đống Đa –Tp Quy Nhơn) tự xưng là người Bộ công an thông báo anh bị xử phạt hành chính do vi phạm giao thông tại TP Đà Nẵng. Khi anh T nói mình mấy tháng nay không hề đi Đà Nẵng thì đối tượng cho biết anh T còn liên quan đến đường dây ma tuý. Người này tự xưng là cán bộ Công an và thông báo anh T liên quan đến đường dây ma tuý lớn của Nguyễn Văn Long.  Đối tượng Tuấn yêu cầu anh T  cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng để kiểm tra.
        Thấy anh T  chỉ cung cấp thông tin cá nhân, đối tượng này tiếp tục hướng dẫn tải ứng dụng “Bộ Công an” vào điện thoại và yêu cầu nhập thông tin tài khoản ngân hàng để Công an kiểm tra. Do tin tưởng, anh T  nhập số tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản và mã OTP vào ứng dụng thì phát hiện chỉ trong tích tắc, tài khoản đã bị mất số tiền 460 triệu đồng. Đối tượng dặn anh T xoá hết các tin nhắn, không cung cấp bất cứ cho ai vì ảnh hưởng hoạt động của Ban chuyên án. Giải thích vì sao lại tin đối tượng một cách bất hợp lý như vậy, anh T cho biết do thấy ứng dụng có chữ Bộ Công an nên không nghi ngờ. Anh Nguyễn T khai nhận tại CA phường Đống Đa vào chiều ngày 20.8 như vậy.
          Thủ đoạn lừa đảo như trong trường hợp của anh T  thực ra không mới. Đối tượng thu thập thông tin của nạn nhân (chủ yếu là chia sẻ trên mạng xã hội), sử dụng công nghệ để đổi đầu số, giả mạo số điện thoại của cơ quan chức năng, tự nhận là nhân viên nhà mạng viễn thông, cán bộ cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Thanh tra, vv… để đe dọa xử lý, bắt giữ nạn nhân vì có liên quan đến nợ cước viễn thông, buôn bán ma túy, rửa tiền…
          Tinh vi hơn, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân tải app giả mạo Bộ Công an, trong đó có sẵn “Lệnh bắt khẩn cấp” với đầy đủ thông tin của nạn nhân. Lợi dụng sự hoảng loạn của nạn nhân, các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật tài khoản rồi chiếm đoạt tài sản, hoặc thuyết phục nạn nhân chuyển tiền đến các tài khoản do đối tượng cung cấp rồi “lặn không sủi tăm” sau khi “con mồi” sập bẫy.
          Mặc dù cơ quan Công an nhiều lần cảnh báo, tuy nhiên một số người dân vẫn nhận thức khá mơ hồ, hoang mang khi các đối tượng gọi điện hù hoạ và nhanh chóng bị lừa. Chỉ từ đầu  tháng 8 đến nay, CA TP Quy Nhơn nhận 8 đơn bị hại báo về các thủ đoạn lừa tương tự như anh Nguyễn T ở phường Đống Đa. Trước anh T còn có anh H ở phường Lê Lợi bị mất 200 triệu, chị M ở phường Ngô Mây 100 triệu….
           “Để phòng ngừa các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng internet, viễn thông, phương tiện điện tử, người dân cần cập nhập các phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này để cảnh giác. Cần hạn chế truy cập các trang web lạ, không chia sẻ thông tin, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên internet… của cá nhân và người thân trong gia đình lên các trang mạng xã hội. Cơ quan Công an khẳng định không bao giờ yêu cầu cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng, cho dù là đang trong quá trình điều tra. Do đó, người dân không cung cấp thông tin này cho bất cứ ai. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, tuyệt đối không chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. Đồng thời, báo ngay cho ngân hàng và cơ quan Cảnh sát điều tra khi nhận thấy các dấu hiệu lừa đảo để phong tỏa tài khoản, ngăn ngừa đối tượng rút tiền, tẩu tán, đồng thời xác minh, làm rõ kẻ lừa đảo” - Thượng tá Nguyễn Ngọc Lâm, phó trưởng CATP Quy Nhơn khuyến cáo.


 

Tác giả bài viết: T.Long

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây