Logo CAND

CẢNH GIÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 4 KHÓA XIII CỦA ĐẢNG

Thứ tư - 20/10/2021 10:08 605 0
Từ ngày 4-7/10/2021, Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ tư (Hội nghị TW 4) để thảo luận, quyết định nhiều vấn đề lớn của đất nước trong tình hình mới. Lợi dụng sự kiện chính trị quan trọng này, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lại tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc về Hội nghị.

        Những luận điệu hạ thấp vai trò, ý nghĩa của Hội nghị TW 4
        Từ giữa năm 2021 đến nay, đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới, lây lan nhanh, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát buộc nhiều nước phải điều chỉnh định hướng, chiến lược phòng, chống dịch bệnh gắn với phát triển KT-XH. Trong điều kiện đó, Hội nghị TW 4 đã được tổ chức để thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng như: Đánh giá tình hình KT-XH năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ...
        Nếu những ai quan tâm, theo dõi tình hình đều có thể thấy, trong bối cảnh đợt dịch thứ 4 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam, công tác xây dựng Đảng cũng đang đặt ra những yêu cầu mới cấp bách, thì những vấn đề mà Hội nghị TW 4 vừa quyết định có ý nghĩa hết sức thiết thực. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch, cũng như chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (mới đây, ngày 08/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP “nới lỏng” các chính sách tại Nghị quyết 68/NQ-CP), đồng thời quyết định xuất hơn 130.000 tấn gạo cho 24 tỉnh, thành phố để hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Hệ thống chính trị, nguồn lực xã hội được huy động ở mức tối đa với những biện pháp, cách thức linh hoạt nhằm phục vụ tốt nhất công tác phòng, chống dịch và đã thu được kết quả tích cực.
        Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội của các tổ chức phản động lưu vong, những kẻ phản động, chống đối lại dựng chuyện rằng mấy khi trợ cấp đến được với những lao động nghèo, rằng các gói cứu trợ an sinh xã hội từ Trung ương thì lớn mà đến tay nhân dân thì nhỏ giọt, chảy vào túi quan tham, lợi ích nhóm; phê phán biện pháp, cách thức phòng, chống dịch bệnh. Họ cho rằng đó là phương pháp sai lầm, đưa quân đội, công an vào nhằm đàn áp, cấm đoán người dân đi lại là vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, là nguyên nhân làm cho xã hội hỗn loạn, hoạt động kinh tế đình trệ, nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đồng loạt tháo chạy, di dời nhà máy, sản xuất khỏi Việt Nam.…
        Hết bịa đặt, chúng lại suy diễn rằng Đảng không bận tâm về hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 mà chỉ quan tâm làm sao để Đảng vẫn “muôn năm trường trị”. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Châu Á Tự do (RFA) cùng một số trang mạng như Chân trời mới media… đã cho đăng tải bài viết với nội dung xuyên tạc trắng trợn “Hội nghị Trung ương 4: Điều duy nhất quan tâm là sự sống còn của đảng, của chế độ”. Bên cạnh đó, nhằm tìm cách hạ thấp vai trò, ý nghĩa của Hội nghị TW 4 với vấn đề xây dựng Đảng, những kẻ phản động, chống đối cho rằng những ý kiến về tăng cường vai trò giám sát và phản biện của người dân với hệ thống chính trị của đất nước là “mị dân”. Chúng dựng lên nguy cơ rằng những biện pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là “âm mưu thanh trừng”, là cớ để “hạ bệ” lẫn nhau…
        Có thể nhận thấy những luận điệu mà các đối tượng tung ra xuyên tạc nội dung, ý nghĩa Hội nghị có thể thấy rõ ở mấy điểm sau:
        Một là, đằng sau những luận điệu sai trái, xuyên tạc mà các đối tượng xấu tập trung khai thác, lập luận, tuyên truyền, người ta thấy đó là quan điểm dân tuý, cố tình phê phán thể chế chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hệ thống chính trị trong đời sống xã hội ở Việt Nam.
        Hai là, tung ra các luận điệu suy diễn, xuyên tạc Hội nghị TW 4 nhằm mục đích hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, cố tình dẫn dắt dư luận để gieo rắc nhận thức lệch lạc, hạ thấp vị trí, ý nghĩa của Hội nghị và uy tín, niềm tin của Đảng. Lợi dụng vào tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để quy chụp nói xấu, xuyên tạc bản chất chế độ xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
        Ba là, phê phán, phủ nhận thành quả công tác phòng, chống dịch bệnh của hệ thống chính trị của Việt Nam. Lấy một số hiện tượng tiêu cực, hạn chế cá biệt để quy kết bản chất, từ đó lên án chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh, an sinh xã hội, cách thức thực hiện của chính quyền địa phương. Từ đó làm suy giảm uy tín, vị thế và méo mó hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

         Bản chất không thay đổi của các thế lực thù địch, phản động
        Xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng và Nhà nước ta vốn là bản chất của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị. Vì thế, việc chúng lợi dụng Hội nghị TW 4 để chống phá không có gì là bất ngờ. Chưa cần đi sâu phân tích những điều bịa đặt mà chỉ cần nhìn thái độ thù địch, phủ nhận tất cả với những lý do phi lý, kỳ quặc thì làm sao họ có thể đóng góp một cách xây dựng, khách quan với các vấn đề mà Hội nghị TW 4 quyết định.
        Như chúng ta thấy, Hội nghị TW 4 với nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa lớn trong cả nhiệm kỳ khoá XIII. Trung ương đã tập trung phân tích, thảo luận kỹ lưỡng những ảnh hưởng nặng nề, nhiều mặt, đưa ra những chủ trương, chính sách vừa tổng thể vừa cụ thể để quyết liệt phòng chống và kiểm soát dịch bệnh cũng như định hướng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đồng thời, Hội nghị TW 4 đã có những quyết sách liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo về nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, tạo tiền đề quan trọng để Đảng ta tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách mới có liên quan, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đó là việc tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khoá XII đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.
         Như vậy, trái ngược thủ đoạn, ý đồ mà các đối tượng rêu rao, Hội nghị TW 4 của Đảng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện các vấn đề để đưa ra quyết nghị đúng đắn. Vấn đề đặt ra là toàn Đảng phải tổ chức thực hiện có kết quả các nghị quyết, kết luận tại Hội nghị. Điều này vừa góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, vừa là cơ sở để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị.

Tác giả bài viết: Từ Thanh Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây