Mặc dù đã nhiều lần cơ quan chức năng cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng thời gian qua vẫn có không ít người mất cảnh giác bị lừa mất hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng…Một số phương thức, thủ đoạn phổ biến các đối tượng lừa đảo nạn nhân là: Chiếm quyền sử dụng tài khoản facebook, zalo của người bị hại, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè yêu cầu chuyển tiền; kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan; hay chúng gửi tin nhắn qua facebook, zalo, viber… thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng. Bên cạnh đó, cũng có một số người tìm đến các app vay tiền online, hay mua hàng online cũng đã trở thành nạn nhân mà các đối tượng lừa đảo nhắm tới. Thực tế cho thấy, đối tượng thường dùng thủ đoạn đánh vào sự thiếu hiểu biết, có trường hợp là lòng tham của nạn nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng những vụ lừa đảo với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng vẫn xảy ra.
Một App giả Bộ Công an để lừa đảo
Trên địa bàn tỉnh, hiện nay, đã có một số vụ thủ đoạn đối tượng giả danh Công an thông báo cho nạn nhân về xử phạt hành chính do vi phạm giao thông, hay giả danh là nhân viên điện lực thông báo nộp tiền điện để chiếm đoạt tài sản. Gần đây có nạn nhân vừa bị lừa gần 500 triệu đồng chỉ trong vòng 12 giờ đồng hồ trước khi đến cơ quan Công an báo mất tiền. Cuối tháng 8/2021, một đối tượng lạ gọi cho anh Nguyễn T( 36 tuổi ở phường Đống Đa –Tp Quy Nhơn) tự xưng tên Tuấn, là người Bộ Công an thông báo anh bị xử phạt hành chính do vi phạm giao thông tại TP Đà Nẵng. Khi anh T nói mình mấy tháng nay không hề đi Đà Nẵng thì đối tượng cho biết anh T còn liên quan đến đường dây ma tuý lớn của Nguyễn Văn Long đang bị cơ quan chức năng theo dõi. Đối tượng Tuấn yêu cầu anh T cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng để kiểm tra. Mặc dù lúc đầu anh T cũng không tin vào thông tin trên, nhưng khi anh T tải về ứng dụng có tên Bộ Công an, trong chớp nhoáng đã khiến anh tin mê muội mà cung cấp thông tin, mã OTP cho đối tượng để cho đối tượng rút hết tiền trong thẻ mà không biết rằng đây là ứng dụng giả mạo Bộ Công an do các đối tượng đã tự tạo ra để lừa đảo. Đây là thủ đoạn lừa đảo nhiều người nhất trong thời gian và qua, mặc dù đã rất nhiều lần Cơ quan công an cảnh báo nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy.
Nhu cầu vay tiền tiêu dùng của người dân gia tăng khi dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Nhiều đối tượng đã lợi dụng điều này để thực hiện các chiêu trò lừa đảo vay tiêu dùng. Phổ biến nhất là chiêu thức vay tiền qua mạng xã hội facebook với các trang có tên hấp dẫn như “ vay tốc độ”, “vay tiền nhanh onlie”, với lời hứa thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh để vay. Để thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo trên, các đối tượng lừa đảo luôn nói người vay đã đăng nhập không đúng thông tin, tài khoản đã bị đóng băng nên cần cung cấp mã OTP để khôi phục tài khoản.
Đơn báo của một người bị lừa vay vốn online và bị chiếm đoạt 120 triệu đồng
Chị Hồ Thị Hồng Th. (trú phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) sử dụng điện thoại di động đăng nhập vào trang bán hàng trực tuyến của Shopee để mua hàng thì nhận được tin nhắn từ một tài khoản tự nhận là nhân viên chăm sóc khách hàng của Shopee với nội dung: chúc mừng chị Thanh đã may mắn nhận được một món quà tri ân khách hàng với số tiền là 30 triệu đồng. Tuy nhiên, để nhận được số tiền này chị Thanh phải vào một đường link khác và cung cấp các thông tin cá nhân của mình. Sau khi làm theo hướng dẫn, chị Thanh kiểm tra lại tài khoản ngân hàng thì mới biết mình bị mất 125 triệu đồng. thủ đoạn này, đối tượng giả các trang bán hàng uy tín để cho nhận quà, trúng thưởng đanh vào lòng tham cảu khách hàng.
Theo thống kê Công an thành phố Quy Nhơn, từ đầu tháng 6 đến nay, đơn vị này đã nhận 18 đơn trình báo của người dân liên quan đến các hành vi lừa đảo các loại. Đáng chú ý, các đối tượng còn giả mạo mục đích hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi, nhận tiền hỗ trợ. Bọn chúng còn “vẽ” ra các khoản tiền trợ cấp như hỗ trợ dịch bệnh, tiền hỗ trợ người nghèo, người cao tuổi hay tiền của các tổ chức từ thiện. Bọn chúng cho đường link để nạn nhân điền thông tin, số tài khoản ngân hàng, rồi mã OTP để chiếm đoạt tiền hoặc bắt nộp tiền để thủ tục vay được nhanh…v.v.v.
Trước vấn nạn nêu trên, để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an tỉnh Bình Định đề nghị người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi tham gia hoạt động trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội Facebook, zalo, viber,… thực hiện các giao dịch online,…phải được bảo mật, tuyệt đối không cung cấp thông tin số tài khoản ngân hàng, mã OTP của mình cho bất kỳ ai và không nhập thông tin cá nhân vào các địa chỉ website không tin cậy, tránh để các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.