Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ hai - 17/04/2023 14:306370
Nhận được cuộc gọi đặt bàn tiệc với giá cao của một người khách lạ, với tinh thần cảnh giác cao, chị N. - chủ nhà hàng T.H. ở thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ đã thoát được bẫy lừa đảo.
Theo lời kể của chị N., trưa ngày 13/4/2023, một thanh niên gọi Zalo cho chị đặt 03 bàn tiệc với giá cao để 18 giờ chiêu đãi “sếp”. Do khách lạ nên chị N. yêu cầu đặt cọc. Sau một hồi trao đổi qua lại, cuối cùng người khách cũng chịu đặt cọc cho nhà hàng 500 nghìn đồng bằng hình thức chuyển khoản.
Đến 14h30’, người khách ban trưa lại điện thoại từ số 0353.9232xxx yêu cầu nhà hàng chọn một loại rượu ngoại vì “sếp” thích uống loại này. Sau khi yêu cầu, người khách gửi cho chị N. hình ảnh chai rượu có nhãn hiệu nước ngoài. Nghe chị N. nói bây giờ trên thị trường không có loại rượu này, người khách liền gửi số điện thoại 0328.513xxx và bảo chị liên hệ số này để mua giùm.
Chị N. gọi vào số 0328.513xxx; một thanh niên khác đồng ý đem 10 chai rượu ngoại từ thành phố Quy Nhơn ra nhà hàng để kịp đãi khách, nhưng với điều kiện nhà hàng phải đặt cọc 05 triệu đồng; nếu nhà hàng thanh toán đủ 18 triệu đồng thì được chiết khấu lại 20% trên tổng số tiền rượu.
Không có cơ sở nào để tin, chị N. không đặt cọc, điện thoại bảo người khách đặt bàn tiệc tự đặt rượu; khách báo bận không có thời gian để đặt. Chị N. yêu cầu khách đặt tiệc chuyển khoản thêm 05 triệu đồng để nhà hàng đặt cọc tiền rượu. Người khách đồng ý chuyển toàn bộ 18 triệu đồng để nhà hàng chuyển cho bên bán rượu. Một lúc sau, người khách đặt tiệc gửi cho chị N. ảnh chụp màn hình điện thoại lệnh chuyển tiền thành công 18 triệu đồng; báo đã chuyển khoản cho nhà hàng. Nghe chị N. nói tài khoản của chị chưa nhận được tiền; người khách bảo đã chuyển nhưng do mạng chậm nên tiền chưa đến. Người khách giục chị N. cứ chuyển tiền mua rượu, tiền sẽ tới ngay.
Dù bị bên bán rượu gọi điện giục chuyển tiền để mang rượu ra cho kịp, bên đặt tiệc thúc giục chuyển khoản mua rượu vì đã gần đến giờ đãi tiệc, chị N. vẫn tỉnh táo trả lời khi nào tài khoản nhận được tiền thì mới chuyển tiền đặt rượu. Biết không thể lừa được chị N., người khách đặt tiệc thu hồi toàn bộ hình ảnh và tin nhắn đặt tiệc, sau đó lặn mất tăm.
Chị N. cho biết, chị thoát được “bẫy” của bọn lừa đảo là nhờ nhiều lần được nghe, xem các phương tiện truyền thông cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm lừa đảo.
Chiêu trò đặt bàn tiệc chiếm đoạt tài sản tuy không mới, nhưng đây là lần đầu tiên xuất hiện ở huyện Phù Mỹ. Các chủ nhà hàng, quán ăn khi nhận được cuộc gọi đặt tiệc từ khách lạ cần bình tĩnh xác minh, xem xét cụ thể như trường hợp của chị N. để không bị sập bẫy của bọn lừa đảo.