Logo CAND

Tăng cường công tác PCCC và CNCH tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 và các khu cách ly tập trung

Thứ tư - 15/09/2021 10:24 1.129 0
Hầu hết những vụ cháy, nổ tại bệnh viện phần lớn do nguyên nhân về điện. Cháy nổ do tồn trữ, sử dụng các bình oxy, máy thở cho bệnh nhân lại khó xảy ra. Tuy nhiên, khi các bình khí, đường dẫn khí quá áp suất làm việc sẽ gây nổ tác động đến các yếu tố thứ cấp như hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, các thiết bị khác… sẽ gây cháy lớn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
      Ngày 23-4-2021, xảy ra vụ cháy tại Bệnh viện Virar (TP Mumbai, miền Tây Ấn Độ) khiến hơn 13 bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng. Vụ cháy xảy ra tại phòng điều trị đặc biệt cho các bệnh nhân Covid-19. 
      Ngày 24-4-2021, ít nhất 27 người tử vong trong vụ cháy xảy ra tại một bệnh viện điều trị các bệnh nhân Covid-19 ở thủ đô Baghdad, Iraq. Ngọn lửa bắt nguồn từ một phòng chăm sóc đặc biệt hỗ trợ bệnh nhân suy hô hấp. Nguyên nhân gây ra đám cháy là do một bình dưỡng khí cung cấp oxy cho bệnh nhân Covid-19 phát nổ. 
      Tiếp đó, ngày 12-7-2021, tại Bệnh viện Al-Hussain (Iraq), đã có 92 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương sau một vụ nổ. Thông tin ban đầu từ cảnh sát, có thể vụ nổ bình oxy trong khu điều trị Covid-19 của bệnh viện là nguyên nhân gây ra sự cố…
      Tại Việt Nam, ở các khu điều trị bệnh nhân thông thường, bệnh nhân Covid-19, các bệnh viện dã chiến cũng xảy ra cháy, nhưng được lực lượng tại chỗ khống chế dập tắt, không gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, khi những vụ cháy xảy ra cũng đã khiến nhiều bệnh nhân tại đây hoảng loạn, hoang mang.

      Theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy, công trình khi được đưa vào hoạt động phải đáp ứng đủ điều kiện an toàn PCCC và phải được thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để đáp ứng số giường điều trị cho các bệnh nhân, các địa phương phải cho xây dựng mới và chuyển đổi công năng nhiều công trình thành Bệnh viện dã chiến, khu điều trị, cách ly bệnh nhân COVID-19 và đặt ra yêu cầu phải đảm bảo an toàn PCCC cho bác sĩ và bệnh nhân điều trị.
      Trước tình hình trên, lực lượng Cảnh sát PCCC có những khuyến cáo tăng cường công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các khu cách ly, cơ sở y tế, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid19 như sau:

1. Đối với bệnh nhân, thân nhân

- Không tự ý sử dụng điện, sử dụng hệ thống khí Oxy, bình Oxy khi chưa được phép sử dụng của lực lượng chăm sóc Y tế tại chỗ.
- Không sử dụng nguồn phát sinh lửa, sinh nhiệt, đun nấu trong phòng, tại nơi điều trị.
- Không tự ý sử dụng các phương tiện PCCC, các nút ấn báo cháy khẩn cấp khi không có sự cố cháy, nổ… sẽ gây hoang mang, hoảng loạn, ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân đang điều trị.
- Nêu cao tinh thần cảnh giác và khuyến cáo mọi người đảm bảo an toàn PCCC.
- Hô hoán, thông báo cho mọi người biết khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, cùng tham gia chữa cháy khi có thể và phải đảm bảo việc phòng, ngừa COVID-19; không tập trung xem, tụ tập đông người sẽ dẫn đến nguy cơ lây bệnh cho người khác.

2. Đối với Ban Quản lý các khu cách ly, bệnh viện điều trị COVID-19

- Yêu cầu hệ thống điện phải đảm bảo an toàn cháy, nổ theo quy định.
- Định kỳ sau các ca làm việc, các buổi giao ban phải chú trọng nội dung đảm bảo an toàn PCCC. Thường xuyên tiến hành tự kiểm tra an toàn PCCC, nội dung chủ yếu tập trung vào: lối thoát nạn, thoát hiểm; phương tiện, thiết bị PCCC đã được trang bị tại cơ sở; điều kiện giao thông phục vụ cho việc tiếp cận của xe chữa cháy, xe thang cứu nạn, cứu hộ; giải pháp chống cháy lan; việc sử dụng các thiết bị có thể phát sinh nguồn nhiệt tiềm ẩn khả năng gây cháy, nổ… 
- Bố trí và thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các ổ cắm điện, thiết bị điện sử dụng cho các thiết bị tiêu thụ và sinh hoạt của nhân viên, bệnh nhân phải đảm bảo an toàn mới đưa vào hoạt động.
- Bố trí khu vực chứa, các đường ống dẫn khí Oxy, bình Oxy phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định, có biển cảnh báo nguy hiểm cháy, nổ. Đặc biệt, nơi tồn chứa khí Oxy, hệ thống cung cấp khí Oxy, bình Oxy cho bệnh nhân phải đảm bảo tuyệt đối an toàn và có người thường trực, theo dõi 24/24.
- Trang bị các hệ thống, phương tiện PCCC đảm bảo theo quy định và phải hoạt động tốt.
- Thành lập Đội PCCC của khu cách ly, bệnh viện điều trị để khi có sự cố cháy, nổ kịp thời xử lý hiệu quả ngay từ ban đầu.
- Xây dựng tình huống cháy giả định và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; phương án sơ tán bệnh nhân khi có cháy, nổ xảy ra. Bệnh nhân mắc COVID-19 khó hoặc không thể di chuyển khi có sự cố cháy, nổ; cần tính toán kế hoạch diễn tập phương án với các tình huống giả định tại nhiều khu vực, trong đó chú trọng việc di chuyển bệnh nhân ra khỏi vụ cháy, nổ an toàn.
- Niêm yết các lối thoát nạn, thoát hiểm, vị trí phương tiện chữa cháy… để dễ dàng thoát hiểm và sử dụng phương tiện chữa cháy.

3. Đối với nhân viên y tế

- Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các ổ cắm điện, thiết bị điện sử dụng cho các thiết bị tiêu thụ đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ.
- Thường xuyên kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn khi tồn trữ, sử dụng hệ thống máy thở, bình Oxy khí thở.
- Hướng dẫn, bố trí bệnh nhân, thân thân việc sử dụng điện và các thiết bị tiêu thụ điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt an toàn.
- Nêu cao tinh thần cảnh giác và khuyến cáo mọi người đảm bảo an toàn PCCC.
- Biết sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC được trang bị.
- Tham gia học tập phương án chữa cháy và phương án di chuyển bệnh nhân khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

* Lưu ý người dân khi phát hiện có sự cố cháy, nổ phải ngay số điện thoại 114 thông báo vị trí chính xác địa điểm xảy ra các tai nạn sự cố cho cơ quan Cảnh sát PCCC.

Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH CA tỉnh Bình Định

Tác giả bài viết: Phan Hoàng Giáp

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
EMC Đã kết nối EMC