Theo Người: Phụ nữ không chỉ là phần nửa xã hội, mà “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”...“Phụ nữ ta chẳng tầm thường, đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”, “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Trong cuộc đời cách mạng đầy chông gai, thử thách, song rất đỗi vĩ đại của mình, Bác Hồ luôn dành cho phụ nữ những tình cảm đặc biệt. Khi nước nhà đắm chìm trong đêm trường nô lệ, Người đã chỉ ra nỗi khổ đau, bị ngược đãi, bị chà đạp của người phụ nữ, đặc biệt sự bạo ngược của bọn quan lại thống trị đã làm cho thân phận những người phụ nữ ở thuộc địa không chỉ đớn đau mà còn thấp hèn hơn. Hơn ai hết, Người hiểu và đồng cảm với thân phận của người phụ nữ, trong đó có bà, mẹ, dì và những người thân của mình, để từ đó đánh giá đúng về họ, đặt niềm tin vào họ.
Bác không chỉ quan tâm đến việc giải phóng phụ nữ mà còn nhìn thấy sức mạnh to lớn của họ đối với cách mạng. Và hơn ai hết, chính Bác là người tiếp thêm sức mạnh để họ vùng dậy đấu tranh, giành độc lập dân tộc, cứu nước, cứu mình. Người khẳng định “Mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, phụ nữ đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phong trào phụ nữ Việt Nam ngày càng phát triển, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng. Phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã được rèn luyện, trưởng thành từ phong trào rộng lớn của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ. Ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ công việc nào, người phụ nữ đều hoàn thành nhiệm vụ với một sức bền bỉ, dẻo dai, sự sáng tạo và lòng dũng cảm phi thường”. Các cuộc kháng chiến ái quốc, Phụ nữ Việt Nam không những trực tiếp cầm súng mà còn phải gánh vác việc nhà để chồng, con yên tâm đi ra trận. Ruộng đồng, vườn tược, nhà cửa, chăm sóc nuôi dạy con cái, phụng dưỡng mẹ, cha... đều đặt trên đôi “vai gầy” của các chị, các mẹ, các em... Tám chữ vàng cao quý: “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang” mà Người trao tặng, là đánh giá cao của Người và sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với các thế hệ phụ nữ Việt Nam.
Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, nhiều phụ nữ là lãnh đạo từ cơ sở đến Trung ương, trong số đó, nhiều người là cán bộ giỏi “ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam”. Vì vậy Bác nhắc nhở Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành phải đặc biệt chú ý, cất nhắc phụ nữ vào đúng những vị trí, chức vụ phù hợp với khả năng để chị em có điều kiện phát huy năng lực của mình. Người thẳng thắn phê bình một số cán bộ chưa đánh giá đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, đó là “căn bệnh hết sức nguy hiểm”, là một tàn dư tồi tệ nhất của chế độ cũ, phải kịp thời sửa chữa.
Cùng với việc khẳng định vai trò, vị trí của họ đối với gia đình và xã hội, đấu tranh đòi quyền bình đẳng, Bác luôn quan tâm, động viên, khuyên bảo, nhắc nhở chị em phải tự cố gắng học tập, sáng tạo vươn lên để khẳng định mình chứ không nên chỉ trông chờ vào Đảng và Chính phủ. Sự quan tâm của Bác Hồ với phụ nữ thật nhân ái bao la. Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước lúc đi xa, Người dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Khắc sâu lời dạy và thực hiện tâm nguyện của Bác “một nửa thế giới” cần được giải phóng, bình đẳng về mọi mặt, mục tiêu thiên niên kỷ quốc gia đã ưu tiên phát triển bền vững nguồn lực phụ nữ như: Tăng cường giáo dục, đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt, trình độ nghề nghiệp và năng lực quản lý kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt tại từng địa phương; tạo điều kiện để chị em tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới… Cùng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ưu tiên phát triển nguồn lực phụ nữ, phụ nữ Việt Nam hôm nay luôn cố gắng học tập, công tác, từng bước vươn lên và ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2022), khắc ghi lời dạy và những tình cảm lớn lao của Bác đối với Phụ nữ Việt Nam, là dịp để chị em phụ nữ tỏ lòng biết ơn với Người. Để từ đó nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình; phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để mục tiêu “Đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao” thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.