Logo CAND

Nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong việc hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

Thứ hai - 25/12/2023 15:26 7.257 0
Mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác. Mạng xã hội là tập hợp các mối quan hệ giữa các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức trên môi trường internet. Chính vì thế, mạng xã hội có thể coi là một loại hình cộng đồng song mang tính chất ảo, trong đó bao gồm nhiều cộng đồng trực tuyến khác nhau nhằm thỏa mãn các nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người như: Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok… thu hút một số lượng lớn người tham gia, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Ngày nay, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một máy tính bảng hay máy tính cá nhân có kết nối internet đều có thể tham gia vào mạng xã hội. Không thể phủ nhận mạng xã hội mang lại những tiện ích nhất định trong giao tiếp, kết bạn, diễn đàn để mọi người có thể tìm hiểu, trao đổi, tranh luận những kiến thức mà bản thân chưa nắm rõ, tìm kiếm tài liệu, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm học tập, làm việc… trong đó, lực lượng cán bộ, đảng viên Công an nhân dân chiếm số lượng không nhỏ.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng mang đến những “hệ lụy” không nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng và an ninh trật tự. Điển hình là:
         
1. Lợi dụng mạng xã hội để phá hoại tư tưởng, xuyên tạc, nói xấu chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường… để đăng tải những nội dung, bài viết có thông tin sai lệch, không được kiểm chứng, suy diễn, xuyên tạc, từ đó kết luận các chủ trương, chính sách đó là sai lầm và đòi xóa bỏ. Lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp, việc thảo luận dự thảo luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt… để kích động dư luận, hình thành tâm lý phản kháng, tư tưởng bất mãn, chống đối, tiến tới kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ chế độ.

         
2. Mạng xã hội làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật Nhà nước, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên làm việc trong các cơ quan, đơn vị có liên quan đến bí mật Nhà nước. Nhiều người có thói quen thích chia sẻ thông tin về cuộc sống, công việc, hoạt động của cơ quan, đơn vị lên mạng xã hội hoặc sử dụng mạng xã hội làm công cụ liên lạc, trao đổi. Trong khi đó, hiểu biết về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước của một số cán bộ, đảng viên chưa cao, trách nhiệm ý thức bảo mật chưa tốt, làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật Nhà nước. Lợi dụng các vụ lộ lọt bí mật Nhà nước trên internet, nhiều đối tượng đã đăng tải lại các tài liệu mật trên mạng xã hội, tạo diễn đàn xuyên tạc, nói xấu chính quyền.

         
3. Xuất hiện các trào lưu tuyên truyền, cổ vũ lối sống, các giá trị phương Tây như: Tôn thờ tự do cá nhân, lối sống thực dụng, văn hóa đồi trụy, bạo lực… đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc. Tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội đang ở mức báo động. Hoạt động tung tin đồn, giật gân câu “like”, câu "view" trên mạng xã hội ngày càng gia tăng, gây hoang mang trong dư luận. Một số vụ việc trên mạng xã hội thu hút số lượng rất lớn người quan tâm, theo dõi, hình thành tâm lý đám đông, áp lực dư luận, có thể tạo ra các giá trị lệch lạc hay khuynh hướng phức tạp trong văn hóa ứng xử.

         
4. Mạng xã hội thường xuyên được các đối tượng phạm tội về hình sự, kinh tế, ma túy lợi dụng để hoạt động với các thủ đoạn như tạo tài khoản ảo để kết bạn, làm quen sau đó lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản; tiến hành đánh cắp mật khẩu, chiếm giữ quyền kiểm soát tài khoản trái phép để thu thập các thông tin cá nhân, nhất là những thông tin bí mật về tài chính, từ đó tìm cách đánh cắp, trục lợi. Một số đối tượng còn sử dụng mạng xã hội làm công cụ liên lạc trong quá trình mua bán, vận chuyển các loại hàng cấm, ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và các hoạt động phạm tội khác. Vì vậy, nâng cao ý thức trách nhiệm và bảo vệ trên không gian mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân là rất quan trọng và cần thiết.

         
5. Việc mất quá nhiều thời gian cho mạng xã hội sẽ làm thời gian dành cho nghiên cứu, công tác của cán bộ, đảng viên ít hơn, bị cuốn vào các dịch vụ giải trí trên mạng xã hội, sức khỏe suy giảm, tiềm ẩn nguy cơ “nghiện” mạng xã hội. Nếu cán bộ, đảng viên thiếu nhận thức, để lộ nhiều thông tin quan trọng của cá nhân, gia đình, đơn vị sẽ hình thành các mối quan hệ xã hội phức tạp, có thể bị các đối tượng lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật…

         
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, Đảng, Nhà nước đã xây dựng và ban hành Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các quy định của pháp luật về quản lý trên không gian mạng như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và Luật Quốc phòng... Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo như: Thông tư số 12/2023/TT-BCA ngày 20/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ CAND; Nghị quyết số 05-NQ/ĐUCA ngày 28/9/2021 của Đảng ủy Công an Trung ương về “Nâng cao chất lượng công tác văn hóa, văn nghệ đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”…Việc ban hành các văn bản quy định về công tác bảo mật, quy trình, quy chế làm việc đã góp phần không nhỏ trong việc định hướng công tác Công an cho cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Công tác tuyên truyền, thực hiện các quy định về khai thác, sử dụng mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, lãnh đạo các cấp với nhiều nội dung bám sát đặc điểm, tình hình phù hợp với từng đơn vị, cá nhân trong lực lượng Công an.

         
Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, các chuyên gia bảo mật cũng đưa ra cảnh báo về xu hướng tấn công mạng, đó là tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ thay thế bằng tấn công phần mềm, hacker chuyển mục tiêu dài hạn sang các chiến dịch ngắn hạn, phạm vi mục tiêu nhỏ với bộ công cụ khai thác phần mềm hay “thả lưới” toàn bộ thị trường. Sử dụng công cụ phần mềm mở rộng kết nối với các ứng dụng nhắn tin để tấn công. Đặc biệt, mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cũng xuất hiện. Trong khi đó, nhận thức của cá nhân, tập thể, cán bộ, đảng viên… về an ninh mạng còn hạn chế, nguồn nhân lực, kinh phí, chưa được quan tâm đúng mức. Các giải pháp an ninh mạng hoặc chưa đủ tốt, hoặc giá thành quá đắt đỏ để tiếp cận, gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ không gian mạng.

         
Để nâng cao ý thức trách nhiệm cho CBCS CAND trong việc hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn thông tin cho bản thân, đơn vị, cần làm tốt một số mặt công tác sau:

         
Một là,
 lãnh đạo Công an đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, giáo dục toàn thể CBCS, đảng viên các quan điểm của Đảng và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các quy định của pháp luật về quản lý không gian mạng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về lợi ích và sự nguy hại đến từ không gian mạng như: tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, tội phạm mạng… dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sinh động như: sinh hoạt chuyên đề, phổ biến pháp luật; tuyên tuyền Luật An ninh mạng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin.
         
Hai là,
chú trọng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực trên lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng chất lượng; phát huy vai trò, trách nhiệm của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin hiện có trong việc cung cấp thông tin về các nguy cơ từ không gian mạng, đồng thời tham mưu lãnh đạo Công an các cấp chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống và kiểm tra đảm bảo an toàn thông tin của các đơn vị, địa phương. Phối hợp với các sở, ban, ngành kiểm tra việc tuân thủ, chấp hành pháp luật của các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng nhận diện các âm mưu, thủ đoạn tấn công mạng và các hình thái phát sinh trên không gian mạng cho lãnh đạo, CBCS, đảng viên. Lãnh đạo Công an đơn vị, địa phương cần nắm vững mọi hoạt động và tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên để có nội dung giáo dục, định hướng, điều chỉnh nhận thức đúng đắn, kịp thời; có trách nhiệm trong quản lý thông tin liên quan tới cán bộ, đảng viên.

         
Ba là,
  cán bộ, đảng viên không chia sẻ, trích dẫn những thông tin, hình ảnh, tư liệu khi không biết rõ nguồn gốc hoặc không đưa thông tin, hình ảnh cá nhân, gia đình lên mạng xã hội một cách thường xuyên. Nghiên cứu, học tập, bổ sung kiến thức về công nghệ thông tin để sử dụng mạng xã hội an toàn như: không nên vào những trang web lạ, những email chưa rõ danh tính và đường dẫn nghi ngờ; cập nhật bản trình duyệt, hệ điều hành và các chương trình sử dụng; dùng những phần mềm diệt virus uy tín và được cập nhật thường xuyên, không tắt chương trình diệt virus trong mọi thời điểm. Khi phát hiện bị tấn công trên không gian mạng, nhanh chóng ngắt kết nối mạng đồng thời báo ngay cho đơn vị chuyên trách… để hạn chế việc bị chiếm tài khoản hoặc bị mạo danh để thực hiện hành vi lừa đảo với người thân, bạn bè. Bảo vệ tài khoản cá nhân bằng xác thực mật khẩu 2 lớp; tạo thói quen quét virus trước khi mở file; thực hiện sao lưu dự phòng trên ổ cứng ngoài, mạng nội bộ hoặc trên các dịch vụ lưu trữ đám mây…

         
Bốn là,
 mỗi cán bộ, đảng viên cần thể hiện rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình bằng cách sử dụng mạng xã hội để lan tỏa những điều tích cực, các gương “người tốt việc tốt”, những hình ảnh đẹp và chủ động đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, thù địch, luận điệu xuyên tạc… góp phần đảm bảo an ninh trật tự của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Tác giả bài viết: Tô Xuân Đông

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây