Trong bài “Giữ bí mật” đăng trên báo Sự Thật, số 97, ngày 30-7-1948 với bút danh A.G, Người nhấn mạnh: Trong chiến tranh, giữ bí mật là điều quan trọng nhất bởi ta dò được tin tức của địch thì ta thắng và ngược lại, địch dò được tin tức ta thì địch thắng ta. Người viết: “Ta biết giữ bí mật, thì bọn Việt gian mật thám khó mà hoạt động, ta biết giữ bí mật, thì dù địch có trăm tai, ngàn mắt, cũng không dò được tin tức của ta. Vì vậy, biết giữ bí mật, tức là đã nắm chắc một phần thắng lợi trong tay ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích và chỉ ra nguyên nhân của tình trạng lộ, lọt bí mật là do trong lúc nước nhà đang kháng chiến, nhiều nhân viên, công nhân, bộ đội và nhân dân ta chưa biết giữ bí mật. Các cơ quan, đoàn thể và các cơ quan chức năng lại chưa biết dùng cách giáo dục, hướng dẫn mọi người giữ bí mật. Đây là một khuyết điểm. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan, tổ chức cần phải cấp tốc ra sức sửa chữa khuyết điểm này, bằng cách: các đơn vị bộ đội, cơ quan, trường học, chợ búa, hàng quán v.v. cần phải dán những khẩu hiệu giữ bí mật. Những người phụ trách cần phải hàng ngày dặn dò nhân viên của mình giữ bí mật. Các bộ máy tuyên truyền, các báo chí, phải thường nhắc đến vấn đề giữ bí mật. Cuộc thi đua ái quốc cũng phải chú trọng đến vấn đề giữ bí mật… Như vậy, để kháng chiến và giữ gìn những thành quả của cách mạng thì mọi tổ chức, cá nhân đều phải nêu cao tinh thần và thực hiện nghiêm túc việc giữ bí mật. Đây là công việc thường xuyên, ở mọi lúc, mọi nơi và là trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ của riêng ai.
Trong bài “Phải giữ bí mật” đăng trên báo Sự Thật, số 134, ngày 1-6-1950 (ký tên X.Y.Z.), Hồ Chủ tịch một lần nữa đặt ra vấn đề “phải giữ bí mật”, Người yêu cầu mỗi người phải coi việc giữ bí mật là một nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, đối với Chính phủ.
Trong bài viết “Giữ bí mật”, ký tên C.B, ngày 10-1-1952 Hồ Chủ tịch tiếp tục đề cập tới việc phải hết sức giữ bí mật, nhất là trước hoạt động tình báo, thăm dò tin tức của địch. Người đặt ra câu hỏi: Vì sao tình báo của địch hoạt động được? và khẳng định: đó là do sơ hở của ta trong việc giữ bí mật thông tin. Người viết: Tình báo địch hoạt động như thế nào? Nó nghe ngóng tin tức, tìm tòi tài liệu quân sự, chính trị, kinh tế của ta… và vì sao tình báo hoạt động được, vì do ta sơ suất, kém cẩn thận, không biết giữ bí mật. Cụ thể là những khuyết điểm như nói năng không cẩn thận, bô lô ba la, bạ gì nói đấy, viết lách không cẩn thận. Tài liệu giấy tờ để lung tung, ai cũng có thể có xem, có thể thấy. Khi viết thư cho bầu bạn, cho người nhà, thì viết cả công việc… của cơ quan, của bộ đội. Các báo chí thì kém cẩn thận trong việc đăng tin tức và trong lời bình luận…
Người nêu lên cách giữ bí mật, chống lại tình báo địch bằng cách phải dựa vào sức quần chúng. Nhưng trước khi dựa vào quần chúng thì mọi cán bộ và chiến sĩ phải làm gương mẫu trong việc giữ bí mật rồi tiến tới tuyên truyền giáo dục cho nhân dân giữ bí mật.
Người yêu cầu: Chúng ta phải xem giữ bí mật là một việc rất cần thiết và rất quan trọng trong công cuộc kháng chiến. Cán bộ và chiến sĩ phải làm gương mẫu giữ bí mật. Chính quyền và đoàn thể cần có kế hoạch tuyên truyền và giáo dục nhân dân giữ bí mật. Chúng ta đã đánh thắng địch trên mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng địch trên mặt trận tình báo bằng cách tuyệt đối giữ bí mật.
Ngày 01-02-1956, giữa lúc cuộc kháng chiến của nhân dân ta đang bị kẻ địch phá hoại, không thực hiện nghiêm túc Hiệp định Giơ-ne-vơ đã được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có bài viết “Phải giữ bí mật của Nhà nước” đăng trên báo Nhân Dân. Người viết: giữ bí mật của Nhà nước là nhiệm vụ của toàn dân, đặc biệt là nhiệm vụ của cán bộ các cơ quan, các đoàn thể. Công tác bảo mật, phòng gian nói chung và giữ gìn bí mật các văn kiện, tài liệu của Nhà nước nói riêng đang đặt ra cho toàn dân, cho các cơ quan, các đoàn thể nhiệm vụ rất nặng nề vì kẻ địch đã dùng mọi thủ đoạn đê hèn để đánh cắp văn kiện bí mật của ta về chính trị, kinh tế, quốc phòng... để phá hoại ta về mọi mặt, Người căn dặn: “Nhà nào cũng có cửa, có buồng, có hòm, có khóa, để phòng ngừa kẻ gian giảo, để giữ gìn của cải do mình khó nhọc làm ra. Giữ nhà phải cẩn thận như vậy. Giữ nước càng phải cẩn thận hơn”.
Người chỉ ra những khuyết điểm của không ít cán bộ khi vẫn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và xem nhẹ việc ấy. Những khuyết điểm như: không cẩn thận trong việc viết, in, gửi, quản lý và kiểm tra văn kiện bí mật; mang văn kiện bí mật về nhà xem; xem văn kiện bí mật ở chỗ đông người; ghi chép những việc bí mật vào sổ tay thường của mình; hay ba hoa, đưa việc bí mật nói với vợ con, bầu bạn; ở quán cơm, rạp hát, công viên, tiệm hớt tóc... cũng đưa việc trong cơ quan ra nói; khi viết thư riêng, hoặc viết bài cho báo chí, cũng nói đến việc bí mật... Những sai lầm trên dù chủ quan hay khách quan cũng đều làm hại cho cách mạng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh - chính trị của đất nước. Bác phê phán như thế là các cán bộ đó đã vô tình mà giúp cho địch. Đồng thời, Người còn chỉ ra một số đối tượng do bản lĩnh không vững vàng nên cũng đã tiết lộ bí mật cho địch. Người viết: Cũng có một số ít người, vì lập trường không vững, chí khí ươn hèn, bị tiền tài, ăn uống, gái đẹp quyến rũ, mà sa vào cạm bẫy của địch, tiết lộ bí mật cho địch”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:“Giữ bí mật của Nhà nước là một bộ phận trong cuộc đấu tranh với địch”, “Cũng như mọi công việc khác, việc phòng gian bảo mật cần phải dựa vào lòng yêu nước và lực lượng của nhân dân. Chúng ta phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu thấu, để nhân dân giúp sức vào công việc này”. Người yêu cầu các cơ quan và các đoàn thể cần phải xem trọng giáo dục, nghiêm chỉnh chấp hành và thường xuyên kiểm tra công tác này.
Trong bài viết “Cảnh giác” đăng trên báo Nhân Dân, số 2107, ngày 23-12-1959, thêm một lần nữa Bác nhấn mạnh: Giữ nước càng phải cảnh giác để ngăn ngừa bọn đế quốc và bè lũ tay sai phá hoại thành quả cách mạng, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Trong thời kỳ kháng chiến, nhân dân ta cũng như cán bộ và bộ đội ta đều biết nâng cao cảnh giác. Nhưng từ hoà bình trở lại, thì tinh thần cảnh giác có phần kém sút. Đó là một khuyết điểm lớn cần được sửa chữa ngay.
Trong tình hình hiện nay, trước sự phát triển của công nghệ thông tin, nguy cơ bị lộ, lọt hoặc bị đánh cắp bí mật quân sự, bí mật quốc gia càng trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết. Thời gian qua, cùng với việc triển khai và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ BMNN, công tác bảo vệ BMNN dần đi vào nề nếp, nhận thức của cán bộ công chức, viên chức dần được nâng cao; lãnh đạo các cấp đã quan tâm hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện pháp luật về bảo vệ BMNN. Trong đó, lực lượng CAND các cấp đã phát huy tốt hơn vai trò tham mưu nòng cốt trong công tác bảo vệ BMNN; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, tham mưu, hướng dẫn địa bàn trong thực hiện pháp luật về bảo vệ BMNN; chủ động phát hiện, điều tra, đề xuất xử lý những vi phạm pháp luật trong công tác bảo vệ BMNN. Tuy nhiên, số vụ lộ, mất BMNN còn khá cao (thống kê cho thấy, trong 10 năm (2011 – 2019) đã phát hiện hơn 1.000 vụ làm lộ, mất BMNN; riêng năm 2020 và 2021 phát hiện 166 vụ lộ, mất BMNN với 645 tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu có độ Tuyệt mật, Mật).
Để xảy ra tình trạng rò rỉ, lộ lọt thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị và thông tin thuộc BMNN, ngoài nguyên nhân khách quan do tác động mặt trái của thời đại công nghệ thông tin, số hóa nền kinh tế và mạng xã hội không dễ quản lý, kiểm soát còn xuất phát từ một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ, dẫn đến việc thực hiện các quy trình, quy định về bảo vệ BMNN còn sơ hở, thiếu sót; chưa nắm vững quy trình soạn thảo, đề xuất, xác định độ mật cho văn bản nên còn lúng túng trong quá trình thực hiện. Công tác thống kê, phân loại, bảo quản, lưu trữ tài liệu mật còn chưa bảo đảm theo quy định. Chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng các thiết bị lưu trữ ngoại vi (như USB, ổ cứng di động, điện thoại di động thông minh) để lưu trữ tài liệu chứa BMNN hoặc làm trung gian truyền đưa dữ liệu kết nối giữa máy vi tính có nối mạng Internet và máy tính dùng soạn thảo văn bản BMNN...
Để thực hiện tốt các quy định của Luật Bảo vệ Bí mật nhà nước năm 2018 (thay thế Pháp lệnh Bảo vệ BMNN năm 2000 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 15/11/2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020) và các văn bản hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là vận dụng những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác bảo vệ, giữ gìn bí mật trong lực lượng Công an tỉnh Bình Định, chúng tôi đề xuất một số biện pháp như sau:
Một là, Công an các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ BMNN cho từng cán bộ, chiến sĩ; tiếp tục tập huấn các văn bản pháp luật về bảo vệ BMNN, trong đó tập trung vào các nội dung chính của Luật Bảo vệ BMNN năm 2018, Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 2802/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ BMNN, Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10/3/2020 của Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ BMNN, Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND, ngày 29/6/2021 của UBND tỉnh Bình Định quy định về công tác bảo vệ BMNN trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ trên địa bàn tỉnh.
Hai là, Công an các đơn vị, địa phương cần kịp thời triển khai và thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của Đảng, Nhà nước về bảo vệ BMNN. Tập trung khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại hạn chế trong công tác bảo vệ BMNN, nhất là sao chụp BMNN trái quy định; soạn thảo, lưu giữ BMNN trên máy tính kết nối internet… Thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy chế, quy định về bảo vệ BMNN để chủ động phát hiện và khắc phục ngay các hạn chế, thiếu sót. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ BMNN. Tăng cường nắm tình hình, phát hiện, tổ chức điều tra, truy xét, xác minh làm rò và xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ, mất BMNN.
Ba là, Công an cấp huyện và cấp xã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, UBND cùng cấp các nội dung: Tập huấn pháp luật bảo vệ BMNN cho cán bộ, công chức, viên chức; phân công cán bộ thực hiện công tác bảo vệ BMNN theo quy định; ban hành nội quy bảo vệ BMNN trong phạm vi cơ quan, tổ chức mình; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định của pháp luật và quy chế, nội quy về bảo vệ BMNN trong cơ quan, chức chức cuộc phạm vi quản lý.
Bảo vệ BMNN là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong bảo vệ an ninh chính trị quốc gia, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng CAND là nòng cốt. Thời gian tới, cùng với xu hướng chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, sự phát triển của khoa học, công nghệ, dự báo tình hình lộ, mất BMNN còn diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, thực hiện những lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc giữ bí mật của Đảng, Nhà nước, của ngành, mỗi CBCS Công an tỉnh nhà phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và sự ngăn nắp trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày; nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước về bảo mật thông tin và bảo vệ BMNN./.