Thực hiện nghiêm khắc với chính mình đòi hỏi người cán bộ, đảng viên “luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình”. Đó là quá trình tự quan sát, theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá, kiểm điểm về lời nói và hoạt động của người đảng viên trong mối quan hệ với công việc, với người khác và với chính mình. Đó cũng chính là năng lực tự kiểm tra, giám sát trong thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và trong việc thực hiện “bổn phận” của người đảng viên.
Nghiêm khắc với chính mình là yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên bởi “mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng”, nghiêm khắc với chính mình sẽ góp phần giúp cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở và phần xấu bị mất dần đi. Đặc biệt, khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, đảng viên thường nắm giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, yêu cầu này càng có ý nghĩa quan trọng hơn nữa bởi đứng trước những khó khăn, thử thách cũng như những cám dỗ về tiền tài, danh lợi, cán bộ, đảng viên dễ bị suy thoái, biến chất, có thể nhanh chóng rơi vào chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù nguy hiểm của mỗi cá nhân và tổ chức đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư””.
Đối với Đảng, sự tự giám sát của cán bộ, đảng viên là gốc rễ giám sát của Đảng “vì những người trong sạch thì không việc gì phải sợ sự kiểm soát của ai cả, ngay cả sự kiểm soát của nghị viện”. Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ. Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.
Trong khi với chính mình phải thực hiện nghiêm khắc thì trong quan hệ với người khác, Hồ Chí Minh yêu cầu phải luôn khoan dung, độ lượng và tôn trọng mọi người. Quan điểm này thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm khắc với chính mình, mỗi cán bộ, đảng viên phải không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm để phát triển điều tốt, khắc phục điều dở của bản thân; đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng; đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, đặt việc công lên trên, lên trước việc tư… Đây là yêu cầu thường xuyên, liên tục để mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng hoàn thiện mình hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong nhiều thời điểm.
Nghiêm khắc để kiểm soát chính mình không phải là điều dễ dàng, một phần do thói quen tùy tiện, áp lực cuộc sống, tác động từ môi trường và quan trọng hơn nữa, điều khiến người ta khó kiểm soát được bản thân đó là những khó khăn, gian khổ trong công tác; là sức hấp dẫn của địa vị, tiền tài, danh vọng. Do đó, nghiêm khắc với chính mình đòi hỏi sự tự giác cao, bản lĩnh vững vàng, sự tự chủ của bản thân trước mọi cám dỗ, biết tiết chế nhu cầu, lợi ích bằng cách đặt nhu cầu, lợi ích của mình trong sự phù hợp với nhu cầu, lợi ích của người khác và của tập thể.
Thấm nhuần quan điểm của Hồ Chí Minh, trong những năm vừa qua, Đảng ta, lực lượng Công an luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những khó khăn trong nước, đại bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có lực lượng Công an luôn thể hiện quan điểm vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nghiêm túc thực hiện cương lĩnh, điều lệ và nghị quyết của Đảng; giữ gìn đạo đức, phẩm chất cách mạng, đoàn kết, thống nhất, quan hệ mật thiết, gắn bó với quần chúng Nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương; xuất hiện nhiều gương “người tốt, việc tốt” trong công tác bảo đảm AN-TT trên địa bàn, tạo tiền đề cho sự ổn định, phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương. Đó là kết quả của nhiều yếu tố trong đó có việc thực hiện nghiêm khắc với chính mình, nêu cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện của cá nhân.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số ít cán bộ, đảng viên Công an nhân dân (CAND) thiếu rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao và thái độ phục vụ Nhân dân chưa tốt, có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; không chấp hành nghiêm túc các quy định về quy trình, chế độ công tác. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có xu hướng xa rời, ít gắn bó với Nhân dân…
Thực hiện nghiêm khắc với chính mình theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:
Một là, nâng cao ý thức nghiên cứu và học tập nâng cao trình độ, nhất là trình độ lý luận chính trị.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức phấn đấu, không ngừng học tập để nâng cao trình độ văn hoá và chính trị của mình. Điều này không chỉ giúp nhận thức đúng đắn về mọi mặt đời sống xã hội mà còn góp phần rèn luyện bản lĩnh chính trị của người cán bộ, đảng viên. Khi có bản lĩnh chính trị vững vàng, trong mọi tình huống khó khăn, phức tạp, người cán bộ, đảng viên luôn giữ được bản lĩnh, không sa ngã, không vì cám dỗ lợi ích vật chất mà vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước.
Hai là, thường xuyên, tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức .
Đạo đức làm cho tư tưởng của người cán bộ, đảng viên trong sáng, không có sự mờ ám, khuất tất, là thước đo bảo đảm cho tính đúng đắn, hướng vào mục đích vì Tổ quốc, vì Nhân dân. Đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ, đảng viên CAND nói riêng không tự nhiên có được, “không từ trên trời sa xuống” mà phải bắt đầu từ việc giáo dục, xây dựng và rèn luyện đạo đức theo nguyên tắc “tu dưỡng đạo đức suốt đời”. Thường xuyên, tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của mỗi người.
Ba là, tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW.
Trong thời gian qua, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng và trong hệ thống chính trị, thu hút được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện mọi mặt của cán bộ, đảng viên; từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, có sức lan tỏa to lớn, tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong Đảng, trong xã hội. Vì vậy, cán bộ, đảng viên trong mỗi đơn vị, đảng bộ, chi bộ cần có ý thức tự giác, thường xuyên tham gia các buổi học tập, quán triệt việc thực hiện Cuộc vận động và tiếp tục vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả qua thực hiện nhiệm vụ hàng ngày.
Bốn là, phải cụ thể hóa, xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp thực tế gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, “dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới”. Tiếp tục chấp hành nghiêm túc 5 lời thề, 10 điều kỷ luật của CAND, điều lệnh CAND, quy chế làm việc, quy trình công tác, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ CAND. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình.
Năm là, nhận thức đầy đủ và sâu sắc về nguy cơ và những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là khi những biểu hiện suy thoái ngày càng tinh vi, được che đậy, tô vẽ dưới nhiều hình thức khác nhau. Nếu không tỉnh táo, sáng suốt, hoặc nhận thức mơ hồ sẽ tự suy thoái bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ ràng về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch luôn lợi dụng những khó khăn, thiếu sót trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố khác để thực hiện hoạt động chống phá, làm suy yếu Đảng, làm tha hoá đội ngũ cán bộ, đảng viên dưới nhiều hình thức như mua chuộc, lôi kéo cán bộ, đảng viên, gây chia rẽ nội bộ tổ chức đảng; làm cho một bộ phận đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, tha hóa về đạo đức, lối sống… từ đó nảy sinh tiêu cực, suy thoái.