Chủ động, nêu gương, kỷ cương

Xây dựng văn hóa giao thông trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông hiện nay.

Thứ tư - 20/12/2023 09:26 7.178 0
Trong những năm gần đây, an toàn giao thông đang là vấn đề lớn, phức tạp được xã hội quan tâm. Cùng với đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội cập nhật thường xuyên những tin tức về an toàn giao thông, các vụ tai nạn giao thông để tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo người tham gia giao thông chấp hành nghiêm các quy định nhằm mang lại an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như: lượng xe lưu thông quá nhiều, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng phương tiện giao thông chưa đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật; chất lượng của các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe chưa cao… Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông hiện nay là do ý thức và văn hóa của người tham gia giao thông chưa cao. Chính vì vậy, một trong những biện pháp hạn chế tai nạn giao thông là xây dựng văn hóa giao thông.
Văn hóa giao thông là một khái niệm mới với nhiều cách hiểu khác nhau. Văn hóa khi tham gia giao thông phải chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, các hành vi ứng xử phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và trật tự công cộng.
         
Để làm được điều này, cần phải loại bỏ các hành động, như: vượt đèn đỏ, dừng đỗ đèn đỏ không đúng quy định, chen lấn làn, bóp còi liên tục, bật đèn pha trong phố, đi ngược chiều; tham gia cổ vũ các hoạt động gây rối, cản trở làm mất trật tự an toàn giao thông; vi phạm pháp luật hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông; sử dụng bia, rượu khi điều khiển phương tiện giao thông; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định; đi không đúng phần đường, làn đường quy định… Mặc dù vậy, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông có nhận thức về văn hóa giao thông nhưng ý thức tự giác còn kém. Phần lớn số vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Trong đó, những lỗi thường gặp: đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng; lấn trái đường; thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn; vi phạm tốc độ… Có thể thấy, trên những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, nội thị khi có kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông thì hoạt động giao thông rất trật tự. Thế nhưng, khi vắng bóng lực lượng Công an thì tình trạng vượt đèn đỏ, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, sử dụng còi tùy tiện, lưu thông không đúng làn đường… vẫn còn xảy ra. Bên cạnh những yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan, như không chấp hành các tín hiệu, biển báo, phóng nhanh, vượt ẩu, uống rượu bia khi tham gia giao thông… luôn chiếm số nhiều trong các vụ tai nạn giao thông.

         
Văn hoá giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội của người tham gia giao thông. Xây dựng văn hoá giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hoá, đúng pháp luật. Mỗi người khi tham gia giao thông đều phải thực hiện văn hóa giao thông bằng những việc làm cụ thể như: chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đi đúng làn đường, phần đường; tuân thủ quy định về tốc độ, dừng, đỗ xe; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; không vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; tuân thủ hiệu lệnh và chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, chấp hành quy định xử phạt khi vi phạm hành chính về giao thông… Trường hợp gặp người bị nạn hãy chủ động giúp đỡ và chia sẻ kịp thời. Đặc biệt là cư xử có văn hóa khi lưu thông trên đường như tham gia giao thông bình tĩnh, từ tốn, ưu tiên cho trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và biết cảm ơn, xin lỗi khi có va quẹt. Khi lưu thông trên đường phải biết không chỉ vì lợi ích của bản thân mà còn phải bảo đảm an toàn cho người khác, thấy sự cố về đường sá, phương tiện phải báo hiệu, thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Bên cạnh đó, thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông không chỉ giúp giảm tai nạn giao thông mà còn góp phần xây dựng văn hóa, ứng xử văn minh nơi công cộng.

         
Duy trì xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông thì việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông là một trong các nội dung quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Người dân phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

         
Việc xây dựng văn hóa giao thông trước mắt sẽ có tác dụng hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, việc tuân thủ pháp luật về giao thông trong người dân sẽ góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn. Khi văn hóa giao thông của cả cộng đồng được nâng lên thì những hành vi sai trái, hỗn loạn trên đường sẽ bị cộng đồng lên án, tình trạng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông sẽ giảm.

         
Trong thời gian tới, để góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng Công an tập trung thực hiện một số nội dung sau:

         
1. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức, văn hóa giao thông cho người dân khi tham gia giao thông; công tác tuyên truyền, giáo dục cần phải được mở rộng, thực hiện một cách đồng bộ từ cơ quan nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp đến các khu dân cư, tổ dân phố, mỗi gia đình và từng thành viên trong xã hội một cách nhanh chóng, dễ tiếp cận, nhất là tuyên truyền trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…). Mỗi cán bộ, chiến sĩ là một tuyên truyền viên trong việc vận động, người thân, gia đình và Nhân dân nơi cư trú chấp hành Luật Giao thông đường bộ và ứng xử văn minh nơi công cộng khi tham gia giao thông.

         
2. Công an mỗi đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền gắn với đặc thù của từng địa phương, từng nhóm đối tượng là thanh niên, công nhân, người lao động, công chức, tổ chức phổ biến, xây dựng văn hóa giao thông… phù hợp với điều kiện cụ thể về nhận thức, công việc, thời gian của từng đối tượng, đưa công tác tuyên truyền văn hóa giao thông đi vào thực chất, nhất là học sinh, thanh, thiếu niên, tập trung thông qua các hoạt động, như thanh niên với văn hóa giao thông; thanh niên, học sinh, sinh viên với vấn đề đội mũ bảo hiểm… Bên cạnh đó, cần chú trọng phát huy tính gương mẫu của phụ huynh học sinh trong việc chấp hành pháp luật về giao thông. Xây dựng mô hình thanh niên tự quản bảo đảm an toàn giao thông từ cơ sở để góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức, văn hóa giao thông trong Nhân dân.

         
3.
Biên tập các thông điệp, nhóm hành vi thường gặp, chế tài xử lý thành tờ rơi để phát cho các nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên, lái xe, công nhân..., các khu dân cư…; phát thanh tuyên truyền về an toàn giao thông để người dân biết và thực hiện, từng bước hình thành ý thức và nâng cao văn hóa giao thông. Tăng cường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình giảng dạy chính khoá về luật giao thông trong các nhà trường, đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông cho học sinh; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông; triển khai hiệu quả các mô hình “Đội tuyên truyền an toàn giao thông trong các lớp học”, mô hình “Cổng trường xanh - sạch - đẹp - an toàn giao thông”
         
4. Đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tập trung xử lý các lỗi như vi phạm về tốc độ, đi không đúng làn đường, phần đường; không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông... Phối hợp các đơn vị quản lý hạ tầng giao thông rà soát, duy tu, bảo dưỡng công trình cầu, đường, loại bỏ các biển báo hiệu đường bộ bất hợp lý. Nghiên cứu bổ sung các biển báo hiệu ở những điểm cần thiết, nhanh chóng xử lý, khắc phục các “điểm đen” đã được xác định. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng lái xe an toàn cho đội ngũ lái xe.

Tác giả bài viết: Tô Xuân Đông

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây