Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ ba - 22/10/2024 16:33360
Ngày 04/10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Vàng bạc đá quý M.L và Doanh nghiệp tư nhân hàng vàng H.B (đều ở TP Quy Nhơn) với tổng số tiền 180 triệu đồng (mỗi doanh nghiệp 90 triệu đồng) vì trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Bên cạnh đó, buộc 02 Doanh nghiệp khắc phục hậu quả bằng cách tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm. Trước đó, vào ngày 18/9/2024, đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh phối hợp với phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH Vàng bạc đá quý M.L và Doanh nghiệp tư nhân hàng vàng H.B phát hiện 02 Doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh và trưng bày bán hàng hóa là nhẫn, hoa tai và vòng tay kim loại màu vàng có nhãn hiệu Chanel trên từng sản phẩm, hàng hóa do Việt Nam sản xuất không có hóa đơn chứng từ; tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 129.500.000 đồng.
Theo thống kê, từ tháng 4 đến tháng 6/2024, đội QLTT số 4 phối hợp với phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường đã kiểm tra 10 Doanh nghệp kinh doanh vàng, trang sức ở huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn. Kết quả, cả 10 Doanh nghiệp đều có vi phạm quy định về giả mạo nhãn hiệu.
Đầu năm 2024, đội QLTT số 3 phối hợp với lực lượng chức năng liên quan kiểm tra hộ kinh doanh T.S ở phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn. Qua đó, phát hiện hộ này kinh doanh hàng hóa là túi xách các loại do nước ngoài sản xuất; hàng hóa có chữ bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Theo bà Phạm Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục QLTT tỉnh: Trên thị trường hiện nay, hàng giả được sản xuất rất tinh vi, khó phân biệt. Mặt khác, thương mại điện tử ngày càng phát triển, việc mua bán trực tuyến diễn ra phổ biến, tiềm ẩn các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thực hiện kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, từ đầu năm 2024, Cục QLTT tỉnh xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc phối hợp với phòng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường tăng cường quản lý địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đến nay, Cục QLTT tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, xử lý 37 vụ về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua đó, xử phạt với tổng số tiền trên 500.000.000 đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 400.000.000 đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 200.000.000 đồng.
Thời gian tới, để góp phần ổn định tình hình thị trường, Cục QLTT tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật và yêu cầu các tổ chức, cá nhân ký cam kết không bày bán hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên các nền tảng số.