Cách đây 25 năm, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, nguy cơ trở thành hiểm họa của nhân loại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma tuý ra khỏi đời sống xã hội trở thành nhiệm vụ cấp bách của các cấp, các ngành, toàn thể Nhân dân và phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên. Để có lực lượng đủ mạnh, chuyên sâu, chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, ngày 12/3/1997, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Quyết định số 192 thành lập Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma tuý (C17) trực thuộc Tổng cục Cảnh sát; có nhiệm vụ trực tiếp tham mưu với Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm các chủ trương, biện pháp chiến lược; đồng thời chủ trì hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma tuý toàn quốc tiến hành các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý các loại tội phạm về ma tuý; trực tiếp điều tra những vụ án lớn, đặc biệt phức tạp về tội phạm ma tuý; là lực lượng chủ công, nòng cốt phối hợp tuyên truyền, vận động, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về ma túy, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Xuất phát từ đặc thù cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý vô cùng cam go, nguy hiểm, ngày 15/7/1997, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy tổ chức Lễ tuyên thệ trước Đảng, Chính phủ và Nhân dân, thề kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma tuý vì lợi ích quốc gia, vì bình yên của Nhân dân và danh dự của lực lượng Công an nhân dân.
Ngày 11/10/1997, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Quyết định số 824 thành lập Phòng, Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma tuý thuộc Công an cấp tỉnh, cấp huyện. Theo đó, thành lập Phòng Cảnh sát phòng, chống ma tuý ở Công an 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm các tỉnh trên tuyến biên giới Việt - Trung, phần lớn các tỉnh trên tuyến biên giới Việt - Lào, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương trên 9 tuyến, cụm địa bàn trọng điểm); các địa phương còn lại thành lập Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma tuý thuộc Phòng Cảnh sát hình sự.
Năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự đánh dấu bước chuyển quan trọng của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy. Ngày 02/3/2005, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 191 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (đổi tên Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy). Đến cuối năm 2005, tổ chức của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy cơ bản được hoàn thiện ở 3 cấp: cấp Cục ở Bộ Công an; cấp Phòng ở Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đội, Tổ ở Công an cấp huyện.
Từ năm 1997 đến nay, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cả nước đã phát hiện, bắt giữ hơn 290.000 vụ, hơn 460.000 đối tượng, thu giữ hơn 5 tấn thuốc phiện, hơn 81 tấn heroin, hơn 81 tấn cần sa, hơn 21 tấn ma túy tổng hợp; hàng nghìn súng quân dụng, đạn, lựu đạn; nhiều tài sản có giá trị hàng nghìn tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước. Có thể kể đến những chuyên án, vụ án điển hình như: Vụ phát hiện gần 300 đối tượng dương tính với ma túy tại vũ trường New Century, Hà Nội năm 2007, thu giữ hơn 100 viên ma túy tổng hợp; vụ bắt “trùm ma túy” Tráng A Tàng cùng đồng phạm vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 265 bánh heroin, mở rộng điều tra, triệt phá đường dây xuyên quốc gia mua bán trái phép 1.791 bánh heroin từ 2009 - 2013; năm 2017 triệt phá đường dây tổ chức, sản xuất, mua bán trái phép ma túy tổng hợp lớn nhất do Văn Kính Dương cầm đầu, thu giữ 223 kg ma túy tổng hợp tại TP. Hồ Chí Minh; năm 2019, triệt phá đường dây vận chuyển trái phép heroin lớn nhất từ Việt Nam ra nước ngoài, thu giữ 895 bánh heroin; triệt phá đường dây sản xuất ma túy tổng hợp ở Kon Tum, thu giữ khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất và khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ dùng để sản xuất ma túy tổng hợp...
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X năm 2006, đất nước ta đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, tình hình ma túy trên thế giới và khu vực Đông Nam Á tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Các loại ma túy mới ngày càng xuất hiện đa dạng, nhiều chất ma túy mới chưa có trong danh mục quản lý. Xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh dần thay thế ma túy “truyền thống” (thuốc phiện, heroin), người nghiện ngày càng trẻ hóa. Trước tình hình trên, xác định xây dựng lực lượng là then chốt có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy và để hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy Bộ Công an theo Nghị định của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an cấp tỉnh.
Từ năm 2018 đến nay, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ, lực lượng Công an nhân dân khẩn trương triển khai theo mô hình Công an 4 cấp, sắp xếp đội ngũ cán bộ đảm bảo yêu cầu “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Bộ trưởng Bộ Công an ban hành các Quyết định, Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; đồng thời quy định tổ chức, bộ máy của Công an cấp tỉnh (có Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy), Công an cấp huyện (có Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy độc lập hoặc ghép với Đội điều tra khác). Đến thời điểm này đã hình thành, hoàn thiện mô hình tổ chức lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong Công an nhân dân với hệ thống 3 cấp từ Bộ Công an đến Công an cấp huyện với nhiệm vụ chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Trải qua 25 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các lực lượng chức năng, đặc biệt là sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Nhân dân, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy luôn học tập và làm theo 6 Điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, 5 lời thề danh dự của Công an nhân dân Việt Nam và giữ vững lời tuyên thệ của Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, nỗ lực cống hiến, vượt qua mọi gian khổ, khó khăn thử thách, lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại của đất nước, tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng, xứng đáng với 16 chữ vàng do cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công trao tặng: “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước vì dân, quên thân phục vụ”.
Trong cuộc chiến đấu đầy cam go với tội phạm ma túy ngày càng manh động, nguy hiểm, luôn sẵn sàng sử dụng vũ khí tấn công lực lượng truy bắt, 27 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Công an, Bộ đội và Nhân dân đã anh dũng hy sinh; hơn 700 cán bộ, chiến sĩ bị thương, bị phơi nhiễm HIV. Nhiều gương chiến đấu hy sinh dũng cảm khi tuổi đời mới đôi mươi như Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Cường, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên; Liệt sĩ Bùi Quốc Đại, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hòa Bình; Liệt sĩ Sùng A Trư, Công an huyện Mai Châu, Hòa Bình; Liệt sĩ Sầm Quốc Nghĩa, Công an huyện Quế Phong, Nghệ An; Liệt sĩ Vi Văn Luân, Công an xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa... Ghi nhận những thành tích, chiến công và sự hy sinh thầm lặng của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong 25 năm qua, Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2013); Huân chương Quân công hạng Ba (năm 2016); Huân chương Chiến công hạng Nhất (năm 2007, 2009, 2017); 15 năm được Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua; 9 năm được Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua; 7 đơn vị cấp Phòng và 6 cá nhân trong lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân được tặng các phần thưởng cao quý; các cá nhân, đơn vị Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an địa phương liên tục đạt danh hiệu Quyết thắng, được tặng thưởng Huân chương Chiến công, Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua.
Từ thực tiễn đấu tranh với tội phạm ma túy cho thấy, thời gian tới, trước áp lực của tình hình ma túy thế giới, nhất là khu vực Tam giác vàng và Trăng lưỡi liềm vàng, Châu Á và Đông Nam Á tiếp tục trở thành địa bàn sản xuất, tiêu thụ các loại ma túy tổng hợp, chất hướng thần; xu hướng hợp pháp hóa chất ma túy của một số quốc gia sẽ đặt ra nhiều thách thức với nhiệm vụ phòng, chống ma túy ở nước ta. Nhằm chủ động ứng phó, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2030, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, trong đó xác định 6 mục tiêu phòng, chống và kiểm soát ma túy. Để góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu này, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý với những nhiệm vụ trọng tâm là:
Một là, làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, kịp thời tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đề xuất Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chiến lược phòng, chống ma túy phù hợp trong từng giai đoạn để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm, tệ nạn ma túy. Trước mắt tập trung thực hiện tốt Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chiến lược quốc gia phòng chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam định hướng đến năm 2030; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025…, kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy; vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ động phòng ngừa, cảnh giác, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “khi Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Hai là, đổi mới tư duy, phương pháp, biện pháp, chủ động đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn từ sớm, từ xa nguồn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, triệt phá các đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, kiên quyết không để nước ta bị tội phạm lợi dụng trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. Thực hiện hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ; xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh với tội phạm ma túy, nhất là các đường dây ma túy lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia với tinh thần “không đánh khúc giữa”, bóc gỡ toàn bộ tổ chức, đường dây tội phạm, bắt giữ được đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Tập trung giải quyết các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức, chứa chấp, cưỡng bức, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy; vận động đầu thú, truy bắt đối tượng truy nã về ma túy.
Ba là, phối hợp các bộ, ngành, địa phương quản lý, kiểm soát hiệu quả các hoạt động hợp pháp liên quan đến chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất; làm tốt công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện; quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định mới của pháp luật để hạn chế “nguồn cầu” ma túy một cách bền vững.
Bốn là, nâng cao hiệu quả phối hợp với các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát Biển và các lực lượng chức năng liên quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, nhất là ở khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển. Tăng cường phối hợp lực lượng chức năng của các nước, các tổ chức quốc tế như Interpol, Aseanapol, Cơ quan bài trừ ma túy Hoa Kỳ (DEA), Cảnh sát Liên bang Úc (AFP), lực lượng An ninh, Cảnh sát Trung Quốc, Lào, Campuchia, các nước ASEAN để trao đổi thông tin, kinh nghiệm hợp tác, xác lập chuyên án chung đấu tranh với các đường dây ma túy xuyên quốc gia, truy bắt đối tượng truy nã.
Năm là, tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, xây dựng lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy ngày càng lớn mạnh, có phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, là lực lượng mũi nhọn, tiên phong, nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Kỷ niệm 25 năm Ngày truyền thống (12/3/1997 - 12/3/2022) và đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất, mỗi cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy luôn tự hào viết tiếp truyền thống Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.
Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy CA Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an
Nguồn tin: http://bocongan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc