Chủ động, nêu gương, kỷ cương

Công an TPHCM cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Thứ hai - 30/05/2022 18:33 1.324 0
(CATP) Các thuê bao điện thoại liên tục bị "khủng bố" mời làm bán thời gian. Công an TPHCM vừa tiếp tục phát đi thông báo để người dân cảnh giác với thủ đoạn mới của những kẻ xấu, lừa đảo mọi người bằng cách mời chào làm việc bán thời gian, lương rất cao... Trong khi đó, các thuê bao điện thoại di động liên tục nhận hàng loạt các tin nhắn "lạ” với nội dung mời chào làm việc nhẹ, lương thì kiểu "tột đỉnh"(!?).

Quá bực mình vì kiểu nhắn tin liên tục như... "Khủng bố"

Ngày 26-5, ông Trần Văn Hai (ngụ Q.Tân Bình, TPHCM) bức xúc: "Điện thoại là để giao dịch làm ăn, mà gần đây tôi liên tục nhận tin nhắn, xưng danh nghe kêu lắm, "tôi là trưởng phòng nhân sự...", cuối tin là dẫn dắt vào số điện thoại để nhận việc làm bán thời gian, với lương tháng kiểu ngồi mát ăn bát vàng. Bực không sao chịu nổi". Cũng theo ông Hai, công việc của ông và gia đình là buôn bán vật liệu xây dựng, từ chủ thầu cho đến nhà đầu tư (chủ yếu là các hộ gia đình) xin số điện thoại cá nhân của ông để liên hệ mua vật liệu xây dựng cho đến mọi thắc mắc... Công việc "ngập đầu", vậy mà thời gian gần đây tin nhắn quảng cáo, mời chào làm việc bán thời gian, lương cao cứ tới tấp gửi vào máy, khiến ông mất thời gian kiểm tra tin nhắn vì cứ ngỡ khách hàng nhắn tin hỏi han mua sắm vật liệu xây dựng.


Người sử dụng có thể ngăn chặn tin nhắn "rác"

Chiều 26-5, phóng viên liên hệ với anh Trần Phúc Nho (làm lao động kỹ thuật tại Q.Bình Thạnh, TPHCM), anh không những bực mình mà có phần nổi cáu khi nói về kiểu tin nhắn này. "Có bữa đang bận làm, điện thoại đổ chuông cứ mặc kệ, nhưng rồi tin nhắn báo kêu hoài cũng nóng ruột nên xem thử, hóa ra bọn lừa đảo xin việc, làm trên sàn online, lương gì mà cao ghê vậy?".

Trần tình chuyện bị hành hạ bởi tin nhắn mời chào quảng cáo làm việc bán thời gian, anh Nho còn cho biết thêm, có lúc nghỉ ngơi, tin nhắn kêu, không mở ra xem, khi đó có bà xã bên cạnh, thì vợ lại nghi "chắc ông này có bồ nhí, nó nhắn mà có mặt mình nên không dám mở ra xem đây", khổ ghê luôn, anh Nho giao thẳng chiếc điện thoại cho vợ mở ra mà xem, toàn tin nhắn lừa đảo...

Vốn nghề "tay trái" của anh Nho là bỏ mối hàng hóa cho một số nơi tại TPHCM, công việc này khiến anh phải tranh thủ thời gian và đi lại nhiều để nhận và giao hàng. Khách hàng nhiều lúc nhắn tin yêu cầu giao hàng gấp, mà tin nhắn "rác" cứ đổ vào máy liên tục thế này, nếu không xem tin nhắn điện thoại, bỏ lỡ đơn hàng lại tiếc nuối. Thế nhưng, với chiếc điện thoại thông minh, anh cũng không thể nào "chặn" được các loại tin nhắn lừa đảo này

Còn chị N.M.H (ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM) cho biết, mỗi ngày nhận cả tá tin nhắn mời làm online, sàn điện tử, rồi lương cao ngất ngưởng. Có hôm đang thao tác làm việc trên điện thoại thì có tin nhắn, vậy là chị phải tạm dừng việc đang làm để mở tin nhắn lên xem. Lại là tin nhắn rác khiến chị H. rất bức mình vì gây mất thời gian kiểm tra tin nhắn. Nhưng không kiểm tra tin nhắn, nhiều lúc đồng nghiệp, thậm chí là của lãnh đạo nhắn tin yêu cầu làm việc gì đó... mà mình không phản hồi thì cũng không được.

Không những nhắn tin lừa đảo tìm việc bán thời gian, đóng khoản phí... bọn xấu còn liên tục gọi điện thoại, từ kiểu lừa "chị có một bưu phẩm sao không đến nhận", "rồi sao chị để nợ tiền điện thoại" và yêu cầu chị nộp phạt 15 triệu đồng... khiến chị thấy phiền hà, bực bội.


Hiện nay kiểu nhắn tin liên tục, mời chào "việc nhẹ, lương cao" lừa đảo diễn ra phức tạp

Chống tin nhắn và cuộc gọi... rác

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người sử dụng có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng tin nhắn rác, cuộc gọi rác và đăng ký hoặc hủy đăng ký danh sách không nhận tin nhắn quảng cáo. Bộ TT&TT ban hành Thông tư 22/2021/TT-BTTTT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2022. Thông tư hướng dẫn người sử dụng phản ánh, cung cấp các bằng chứng tin nhắn rác.

Theo đó, người sử dụng soạn tin nhắn phản ánh theo cú pháp: S (nguồn phát tán), (nội dung tin nhắn rác) gửi 5656. Để phản ánh, cung cấp các bằng chứng cuộc gọi rác, người sử dụng soạn tin nhắn phản ánh theo cú pháp: V (nguồn phát tán), (nội dung cuộc gọi rác) gửi 5656. Để phản ánh, cung cấp các bằng chứng thư điện tử rác, người sử dụng phản ánh thông qua việc chuyển tiếp thư điện tử rác tới địa chỉ thư điện tử chongthurac@vncert.vn.

Bên cạnh đó, người sử dụng có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng tin nhắn rác, cuộc gọi rác và thư điện tử rác theo hướng dẫn tại website thongbaorac.ais.gov.vn hoặc qua tổng đài hoặc ứng dụng. Ngoài ra, người sử dụng có thể đăng ký hoặc hủy đăng ký danh sách không nhận tin nhắn quảng cáo qua tổng đài. Người sử dụng có thể đăng ký hoặc hủy qua website (khongquangcao.ais.gov.vn) hoặc tổng đài hoặc ứng dụng.

Người quảng cáo chỉ được phép gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên và duy nhất tới 1 số thuê bao. Trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên và duy nhất, người dùng không phản hồi thì người quảng cáo không được phép gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo hoặc tin nhắn quảng cáo nào đến số điện thoại đó.


Người dùng điện thoại bị quấy rầy, làm phiền với hàng tá tin nhắn lừa đảo...

Từ trước đến nay, Công an TPHCM đã nhiều lần khuyến cáo người dân cẩn thận với rất nhiều kiểu lừa đảo tinh vi qua mạng internet bằng công nghệ cao. Hiện nay, tình trạng nhắn tin đến các thuê bao mời chào tham gia tìm việc trên các sàn thương mại điện tử diễn biến phức tạp.

Các đối tượng thường đăng tin trên nền tảng mạng xã hội hoặc spam tin nhắn (tin nhắn rác) vào các tài khoản người dùng để tuyển dụng cộng tác viên, nhân viên làm việc trực tuyến, đa số mang nội dung giống nhau về tuyển nhân sự, việc làm bán thời gian, làm ở đâu cũng được, lương cao...

Các đối tượng nhắm đến thường là những những người có nhu cầu tìm kiếm việc làm online, việc làm tại nhà hoặc những người nhẹ dạ cả tin, mong muốn có công việc dễ dàng với thu nhập cao. Với phương thức này khi nạn nhân làm theo các hướng dẫn của chúng, các đối tượng sẽ tự xưng là nhân viên tư vấn, tuyển dụng của một công ty nào đó hay giả mạo là nhân viên của sàn thương mại điện tử để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng sau đó chiếm đoạt tiền.

Ngoài ra, các đối tượng còn giăng bẫy nạn nhân bằng cách dụ dỗ làm nhiệm vụ mua bán "hàng ảo". Cụ thể, đối tượng đưa link sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử nhưng thanh toán bằng cách chuyển khoản vào một tài khoản chỉ định, sau đó sẽ được "hoàn tiền kèm tiền thưởng". Ban đầu, băng nhóm lừa đảo hoàn tiền rất sòng phẳng như lời hứa và số tiền nạn nhân chuyển ngày càng nhiều. Khi nạn nhân chuyển tiền khá nhiều thì đối tượng chặn Facebook, cắt đứt liên lạc, chiếm đoạt tiền.

Công an TPHCM khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không nên cung cấp các thông tin liên quan giấy tờ tùy thân dưới dạng ảnh, file pdf qua không gian mạng cho bất kỳ ai kể cả người xưng là công an hay cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu có các thông tin này, có thể các đối tượng lợi dụng để chiếm đoạt các tài khoản điện tử.

Ngoài ra, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia nhận được nhiều email cảnh báo và cuộc gọi phản ánh về việc các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Telegram...) để tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua đó, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia, Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dân cảnh giác với những lời mời chào tuyển làm cộng tác viên bán hàng online. Đồng thời, thường xuyên chia sẻ, cảnh báo với người thân, bạn bè và mọi người xung quanh về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới hình thức tuyển cộng tác viên online, nhân viên bán thời gian...

Cảnh giác với trang web mạo danh Chuyên trang điện tử Công an TPHCM

Thời gian gần đây, trên không gian mạng xuất hiện trang web có địa chỉ https://baocongan.net đăng những thông tin liên quan đến vụ án, an ninh kinh tế, thị trường, đầu tư, thể thao... Tên miền của website này gần giống với tên miền của Chuyên trang điện tử Công an TPHCM (https://congan.com.vn).

Ở phần thông tin Tòa soạn (chân trang) của website này ghi thông tin về cơ quan chủ quản, Tổng biên tập, Ban biên tập, địa chỉ Tòa soạn, giấy phép hoạt động, số điện thoại liên lạc... là của Chuyên trang điện tử Công an TPHCM, chỉ khác địa chỉ email liên lạc với Tòa soạn. Trang web https://baocongan.net cũng có dấu hiệu lấy thông tin, hình ảnh trên Chuyên trang điện tử Công an TPHCM, sau đó viết lại và đăng trên website này.


Trang web mạo danh Chuyên trang điện tử Công an TPHCM

Từ các thông tin trên, cho thấy trang web https://baocongan.net đã mạo danh Chuyên trang điện tử Công an TPHCM. Không loại trừ khả năng trong tương lai, trang web này sẽ được sử dụng vào mục đích không trong sáng, vi phạm pháp luật... Qua tìm hiểu, được biết tên miền của website này đăng ký ở nước ngoài và nội dung thông tin lưu trữ trên máy chủ đám mây cũng đặt ở nước ngoài.

Chuyên trang điện tử Công an TPHCM đã có văn bản báo cáo cơ quan chủ quản và các cơ quan chức năng, đề nghị xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm này. Tòa soạn cũng xin thông báo rộng rãi đến các cơ quan đơn vị, bạn đọc, là Chuyên trang điện tử Công an TPHCM chỉ có một địa chỉ tên miền duy nhất là https://congan.com.vn.

Thời gian gần đây, trên không gian mạng liên tiếp xuất hiện các trang web mạo danh cổng thông tin điện tử, website của các bộ, ban, ngành, cơ quan nhà nước, báo chí... và sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật, lừa đảo... Đề nghị người dân, bạn đọc cần đề cao cảnh giác, khi phát hiện dấu hiệu giả mạo nên báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền đề giải quyết, xử lý theo pháp luật.

BBT


Quốc Phong - Văn Toàn
Báo CATP HCM

Nguồn tin: https://congan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 2.6 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây