Công an tỉnh Bình Địnhhttps://congan.binhdinh.gov.vn/uploads/no-image.png
Thứ hai - 11/07/2022 16:164500
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Công an tỉnh Bình Định đã chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Công văn số 1700/BCĐ ngày 06/7/2022 chỉ đạo các sở, ngành, hội đoàn thể thành viên và Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thị xã, thành phố triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” năm 2022.
Theo đó, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng, trọng tâm là Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành; Kế hoạch số 704/KH-BCĐ ngày 05/4/2021 của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh về triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông và phòng ngừa xã hội đối với tội phạm mua bán người. Trong đó, tăng cường tuyên truyền về chính sách, pháp luật và phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; chú ý các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm mua bán người như hôn nhân có yếu tố nước ngoài, cho nhận con nuôi, sử dụng lao động, đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài… để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người. Đa dạng các hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Tổ chức tuyên truyền trực quan tại cơ quan, các tuyến phố, trong cộng đồng dân cư để hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” năm 2022.
Triển khai đồng bộ các mặt công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người, quan tâm giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người, dễ bị các nhóm đối tượng mua bán người lừa gạt (như người đang trong độ tuổi lao động không có cơ hội việc làm tại địa phương, mất việc làm do tác động của dịch Covid-19, người nghèo hoặc người có hoàn cảnh gia đình éo le, hôn nhân đổ vỡ, nạn nhân của bạo lực gia đình, người thiếu hiểu biết, có xu hướng đi làm ăn xa…).
Các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, các đối tượng nổi lên, tình hình liên quan đến mua bán người trên không gian mạng và các đường dây, băng nhóm hoạt động tội phạm mua bán người; tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới biển, đảo để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mua bán người ra nước ngoài; tiếp nhận kịp thời tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan mua bán người và khẩn trương triển khai công tác xác minh, điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân. Thường xuyên rà soát, kiểm tra hành chính các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (như quán bar, karaoke, vũ trường, massage…) và khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, địa bàn giáp ranh nơi tội phạm thường lợi dụng hoạt động để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua bán người .Mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người (từ ngày 01/7/2022 đến hết ngày 30/9/2022.
Cơ quan tố tụng các cấp phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án mua bán người, chọn vụ án trọng điểm hoặc vụ án được dư luận quan tâm để đưa ra xét xử công khai nhằm tuyên truyền, giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung (nếu có).
Làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân bị mua bán, nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm; thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ bí mật thông tin, an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật.