Chủ động, nêu gương, kỷ cương

Lực lượng Pháp chế Công an tỉnh Bình Định phát huy truyền thống 48 năm xây dựng và phát triển.

Thứ sáu - 27/10/2023 09:02 648 0
Ngày 27/10/1975, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), ký Quyết định thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Bộ trưởng là bộ phận cấu thành trong hệ thống tổ chức bộ máy của lực lượng Công an nhân dân. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu sự ra đời của tổ chức Pháp chế trong Công an và từ đó đến nay, 27/10 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Pháp chế Công an nhân dân.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, ngày 15/5/1985, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ban hành Quyết định số 57-QĐ/BNV quy định chức nhiệm vụ, tổ chức pháp chế công an các đơn vị, địa phương. Theo đó, Giám đốc Công an tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bình Định và Quảng Ngãi) đã thành Tổ Pháp chế chuyên trách gồm 03 đồng chí thuộc Phòng Tổng hợp (nay là Phòng Tham mưu). Ngày 04/3/1989, Bộ Chính trị có Quyết định số 83-QĐ/TW, tách tỉnh Nghĩa Bình để tái thành lập hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi kể từ ngày 01/7/1989. Ngày 07/7/1989, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định số 716/QĐ-BNV về cơ cấu tổ chức Công an tỉnh Bình Định, theo đó Tổ pháp chế chuyên trách thuộc Phòng Tham mưu Tổng hợp. Đến năm 1996, Bộ Nội vụ quyết định đổi tên Phòng Tham mưu Tổng hợp thành Văn phòng Công an tỉnh, lúc bấy giờ Tổ pháp chế thuộc Đội Nghiên cứu tổng hợp và chuyên đề. Năm 2008, thực hiện Quyết định số 846/2007/QĐ-BCA(X13), ngày 19/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức pháp chế Công an các đơn vị, địa phương, Giám đốc Công an tỉnh quyết định thành lập Đội Pháp chế thuộc Văn phòng Công an tỉnh (nay là Phòng Tham mưu). Năm 2009, Đội Pháp chế được thành lập, biên chế 03 đồng chí: 01 Đội trưởng, 02 cán bộ. Cấp huyện, Công an tỉnh giao các địa phương phân công 01 cán bộ kiêm nhiệm theo dõi công tác pháp chế, biên chế ở Đội Tổng hợp thuộc Công an huyện, thị xã, thành phố. Đến năm 2019, thực hiện Nghị định số 01/NĐ-CP, ngày 06/8/2018 của Chính phủ về quy định cơ cấu, tổ chức, bộ máy Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 2423/QĐ-BCA, ngày 09/4/2019 quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Phòng Tham mưu thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngày 16/7/2019 Giám đốc Công an tỉnh ký Quyết định 1932/QĐ-CAT-PX01 về tổ chức bộ máy phòng Tham mưu, sát nhập 02 Đội Pháp chế và Đội Tổng kết lịch sử và Quản lý khoa học thành Đội Pháp chế và Quản lý khoa học thuộc Phòng Tham mưu. Hiện nay, Đội pháp chế và Quản lý khoa học biên chế 05 đồng chí đều có trình độ đại học Công an trở lên. Bên cạnh đó, tại Công an các đơn vị, địa phương thuộc Công an tỉnh đều bố trí cán bộ làm công tác pháp chế kiêm nhiệm.
1 19
Hội nghị tuyên truyền, khảo sát lấy ý kiến tham gia các dự án Luật
do Bộ Công an chủ trì xây dựng trình Quốc hội khóa XV
Trải qua suốt quá trình hình thành và phát triển, mặt dù có nhiều thay đổi về mô hình, tổ chức với tên gọi khác nhau nhưng nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Công an các cấp từ chỗ chỉ có một vài cán bộ kiêm nhiệm, nay đã là đơn vị độc lập đã có bước lớn mạnh, trưởng thành qua từng giai đoạn lịch sử. Kết quả nổi bật đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, tổng kết 30 năm đổi mới mô hình Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, tổng kết 15 năm Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; phối hợp phục vụ Giám đốc Công an tỉnh tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật; sơ, tổng kết các đề án về công tác pháp chế, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ; triển khai thực hiện các đạo luật, như: Hiến Pháp năm 2013, Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia, Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra, Luật Hình sự, Luật Thi hành án hình sự, tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến về các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng trình Quốc hội…; tham mưu triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện chuyên đề về công tác pháp chế, cải cách tư pháp, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính, công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, quy chế dân chủ ở cơ sở, điều ước quốc tế, dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số, số hóa hồ sơ tài liệu trong Công an tỉnh… gắn với các hoạt động nghiên cứu khoa học, hàm lượng trí tuệ, là sản phẩm của công tác tham mưu cho các cấp lãnh đạo Công an các cấp ban hành các chính sách pháp luật và cải cách thủ tục hành chính phù hợp với tình hình thực tiễn của công tác Công an.
           
Những thành tích đó đã được lãnh đạo cấp trên ghi nhận, đánh giá cao, cụ thể năm 2005, Bộ Công an tặng Bằng khen cho tập thể đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong công tác Pháp chế giai đoạn năm 2001 - 2005; năm 2006, 2009, 2015 được Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định tặng Bằng khen; nhiều cá nhân được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen, Bộ Công an tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp. Đồng thời, nhiều đồng chí cán bộ làm công tác pháp chế được Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh quan tâm điều động, bổ nhiệm lãnh đạo phòng, lãnh đạo Công an cấp huyện.

         
Phát huy những kết quả đạt được và thấm nhuần kinh nghiệm quý báu chặng đường đã qua, lực lượng Pháp chế Công an tỉnh Bình Định luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của Ngành, của lực lượng Pháp chế Công an nhân dân, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Mai Hồng Phương - Phòng Tham mưu

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây