Chủ động, nêu gương, kỷ cương

Tiện ích và an toàn từ thẻ Căn cước.

Thứ ba - 16/07/2024 11:16 127 0
Thẻ Căn cước không chỉ tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, hướng tới xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số mà còn thu nhận các thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói, góp phần bảo đảm quyền cơ bản của con người theo quy định của Hiến pháp.
Quang cảnh thu nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước tại phòng Cảnh sát QLHC về TTXH.
Quang cảnh thu nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước tại phòng Cảnh sát QLHC về TTXH.
Ngày 01/7/2024, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới. Theo đó, thẻ Căn cước công dân (CCCD) sẽ đổi tên thành thẻ Căn cước và mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp thẻ Căn cước cho công dân từ dưới 6 tuổi, từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, từ đủ 14 tuổi trở lên và cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Tranh thủ sáng đầu tuần, chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm trú thành phố Quy Nhơn cùng con trai 12 tuổi đã đến phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh để làm thủ tục cấp thẻ Căn cước. Chị Tâm chia sẻ: “Thẻ CCCD của tôi sắp hết hạn, nhân tiện trẻ em dưới 14 tuổi được thu nhận hồ sơ để cấp thẻ Căn cước nên tôi sắp xếp công việc để cùng con trai đi làm. Tôi nghĩ làm thẻ Căn cước sớm cho con rất tiện vì nó tích hợp được nhiều loại giấy tờ khác nhau của con. Hơn nữa đang dịp hè nên tranh thủ, mọi thứ diễn ra khá nhanh chóng và thuận tiện, tôi và con trai được chụp ảnh, lăn tay, lấy mống mắt… chỉ chưa đầy 10 phút là xong mọi thủ tục”.

Có con là một trong những công dân đầu tiên của tỉnh được nhận thẻ Căn cước, vợ chồng anh Lê Quốc Hùng trú thành phố Quy Nhơn không giấu được niềm vui cho biết: “Ngay sau khi được lực lượng Công an tuyên truyền về những lợi ích của thẻ Căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, gia đình chúng tôi đã đưa con đi làm ngày từ ngày 01/7/2024. Quá trình làm thủ tục, chúng tôi được hướng dẫn chu đáo, mọi thủ tục đều được hỗ trợ, thực hiện nhanh chóng. Chỉ sau 01 tuần, con gái tôi đã có thẻ Căn cước, từ nay đi đường, đi học hay sử dụng các tiện ích khác cho con cũng sẽ thuận tiện hơn trước, rất phấn khởi”.

Một điểm mới của Luật Căn cước, bắt buộc thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước. Các thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước.

Theo Thượng tá Nguyễn Hòa Bình, Phó trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH: Quá trình thu nhận cấp thẻ Căn cước cho công dân đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân. Việc tiếp nhận, thu thập thông tin, xử lý cấp thẻ cho trẻ từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi tương tự như công dân đủ 14 tuổi. Riêng đối với trẻ dưới 6 tuổi, không thực hiện thu nhận thông tin nhân dạng, thông tin sinh trắc học ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, do đó chỉ cần cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp đến trụ sở cơ quan Công an đề nghị hoặc đề nghị trực tuyến qua Cổng dịch vụ công, ứng dụng VNeID mà không cần đưa trẻ đến trụ sở nơi thu nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH toàn tỉnh đã chủ động triển khai công tác làm sạch dữ liệu, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, phục vụ thu nhận 100% hồ sơ cấp thẻ Căn cước cho công dân đủ điều kiện.

Từ ngày 01/7/2024 đến nay, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH toàn tỉnh đã thu nhận, cấp thẻ Căn cước, Giấy chứng nhận căn cước cho công dân theo 04 nhóm, gồm: Trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, công dân từ đủ 14 tuổi trở lên và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Cụ thể, toàn tỉnh đã thu nhận hơn 3.300 hồ sơ cấp thẻ Căn cước, trong đó trẻ em dưới 6 tuổi có 66 hồ sơ; trẻ em từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi có 221 hồ sơ; công dân từ đủ 14 tuổi trở lên có hơn 3.000 hồ sơ và 01 hồ sơ người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Khi công dân đi làm thẻ Căn cước, cơ quan Công an sẽ lấy dữ liệu sinh trắc học mống mắt, vân tay và ảnh khuôn mặt (từ đủ 6 tuổi trở lên). Chỉ khi người dân có nhu cầu đổi sang thẻ Căn cước thì mới bắt buộc phải thu thập mống mắt. Đối với CCCD đã được cấp trước ngày 01/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, người dân vẫn sử dụng bình thường, không bắt buộc phải thu thập mống mắt để bổ sung. “Nếu công dân đã được cấp thẻ CCCD trước ngày 01/7/2024 vẫn muốn bổ sung mống mắt thì có thể đến cơ quan Công an làm thủ tục cấp thẻ Căn cước để đăng ký. Về quy trình thu nhận mống mắt tương tự như khi cấp mới. Riêng đối với sinh trắc học ADN và giọng nói là những thông tin do công dân tự nguyện cung cấp để được thu nhận và tích hợp vào trong dữ liệu căn cước của công dân”, Thượng tá Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm.

Thẻ Căn cước được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ có công nghệ xác thực thông tin qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ. Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu, nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin.
         
Ngoài ra, để khai thác được các thông tin trong chip điện tử trên thẻ Căn cước phải sử dụng thiết bị chuyên dụng; các thiết bị này phải được Bộ Công an cung cấp mã bảo mật để xác thực, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin. Trường hợp các cơ quan nhà nước khác cung cấp thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin trong thẻ thì các thiết bị này đều phải được cơ quan chuyên môn của Bộ Công an kiểm tra và cung cấp mã bảo mật.

Tác giả bài viết: Minh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây