Chủ động, nêu gương, kỷ cương

Công an tỉnh trả lời kiến nghị tại diễn đàn trẻ em năm 2024.

Thứ năm - 15/08/2024 15:16 221 0
Thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh, bảo đảm thực hiện có hiệu quả quyền tham gia của trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức Diễn đàn trẻ em năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho sự phát triển toàn diện của trẻ em” vào ngày 14/8/2024. Công an tỉnh đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến chức năng, nhiệm vụ.
Công an tỉnh trả lời kiến nghị tại diễn đàn trẻ em năm 2024.
CÂU 1. Để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em bị tai nạn khi tham gia giao thông, con xin hỏi trường hợp như sau: Tình trạng trẻ em điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy rất phổ biến. Khi trẻ em chưa đủ tuổi vị thành niên điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn giao thông để lại tổn thương nghiêm trọng cho nạn nhân. Khi đưa ra xét xử tại tòa, người giám hộ (cha, mẹ…) của người gây tai nạn đã đồng ý bồi thường thiệt hại cho nạn nhân với số tiền theo thỏa thuận hai bên. Tuy nhiên, sau đó không thực hiện trách nhiệm. Vậy cần thực hiện các biện pháp gì để hỗ trợ cho nạn nhân đang chịu tổn thương? (Làng trẻ em SOS Quy Nhơn)
 
Trả lời:

 
Theo dữ liệu câu hỏi đã nêu, vụ tai nạn giao thông đã được đưa ra Tòa án xét xử, có thể là vụ án hình sự hoặc vụ án khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường mà trước đó hai bên chưa thỏa thuận được. Tại Tòa án, khi đó người giám hộ cho người chưa thành niên gây tai nạn thỏa thuận được với bị hại về tiền bồi thường thì Tòa án sẽ ban hành bản án để ghi nhận nội dung mà hai bên đã thỏa thuận, theo đó:

 
- Nếu là vụ án hình sự thì ngoài việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người gây tai nạn, còn tuyên về mức tiền bồi thường ghi nhận sự thỏa thuận hai bên đã thống nhất nếu hợp pháp, hợp lý.

 
- Nếu là vụ án dân sự về khởi kiện yêu cầu bồi thường, nếu nội dung thỏa thuận của hai bên hợp pháp, hợp lý thì Tòa án chấp nhận và ghi vào bản án.

 
Tuy nhiên, trường hợp người giám hộ cho người chưa thành niên gây tai nạn đã đồng ý bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo số tiền thỏa thuận hai bên, nhưng sau đó không thực hiện trách nhiệm bồi thường hoặc bồi thường một phần nhỏ hơn so với thỏa thuận ban đầu thì người bị hại hoặc nguyên đơn phải chờ đến khi bản án có hiệu lực pháp luật, sẽ làm đơn gửi đến cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện nơi Tòa án sơ thẩm xét xử để yêu cầu thi hành án. Việc thi hành việc bồi thường sẽ do cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

 
Căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì bản án hình sự, dân sự xác định là có hiệu lực pháp luật khi:

 
- Bản án hình sự sơ thẩm, bản án dân sự sơ thẩm không bị kháng cáo trong thời hạn 15 ngày hoặc không bị Viện Kiểm sát nhân dân kháng nghị trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày Tòa tuyên án hoặc khi các bên nhận được bản án.

 
- Nếu bản án sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị thì phải chờ kết quả xét xử phúc thẩm. Bản án phúc thẩm là bản án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa tuyên án.

 
CÂU 2.
Thuốc lá và thuốc lá điện tử hiện nay đang được các bạn học sinh sử dụng nhiều. Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng trên. Pháp luật có quy định về việc học sinh Trung học cơ sở (THCS) hút thuốc lá và thuốc lá điện tử không? (Thị xã An Nhơn)
2 4
Đại diện Công an tỉnh trả lời tại Diễn đàn trẻ em
 Trả lời:
 
1.
Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, Điều 11 quy định khuôn viên cơ sở giáo dục là địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Điều 9 của Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của thuốc lá bao gồm: “Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá”; “Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi”. Do đó, việc học sinh THCS hút thuốc lá và thuốc lá điện tử là trái quy định của pháp luật.
 
- Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, một số hành vi bị xử phạt liên quan đến việc học sinh THCS hút thuốc như: Không có biển thông báo, không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá; hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; người chưa đủ 18 tuổi sử dụng thuốc lá…

 
- Ngoài ra, Điều 37 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học nêu rõ các hành vi học sinh không được làm, gồm: Mua bán, sử dụng thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác. Học sinh hút thuốc lá, thuốc lá điện tử trong trường học có thể bị xử lý như sau:

 
+ Đối với học sinh tiểu học, THCS: Nhắc nhở, phê bình, yêu cầu viết cam kết không tái phạm; khiển trách, yêu cầu viết bản tường trình, cam kết không tái phạm; tạm dừng học ở trường một tuần hoặc một tháng...

 
+ Đối với học sinh THPT: Nhắc nhở, phê bình, yêu cầu viết cam kết không tái phạm; khiển trách, yêu cầu viết bản tường trình, cam kết không tái phạm; cảnh cáo, yêu cầu viết bản tường trình, cam kết không tái phạm; tạm đình chỉ học tập từ 1 đến 2 tuần...

 
2.
Hiện nay, tình trạng hút thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng đang có chiều hướng gia tăng trong thanh, thiếu niên, học sinh. Để góp phần kiểm soát, ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng đã tăng cường nhiều giải pháp, cụ thể:
 
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin về tác hại của thuốc lá cho thanh, thiếu niên, học sinh tại các trường học, cơ sở giáo dục và các hộ kinh doanh, người dân.
Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các lực lượng chức năng trong việc quản lý học sinh, tổ chức cho học sinh ký cam kết không hút thuốc lá, chấp hành nghiêm túc Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
 
- Các lực lượng chức năng (như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường…) thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu thuốc lá, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điện tử; quảng cáo, tiếp thị, bán thuốc lá, thuốc lá điện tử cho người dưới 18 tuổi… Lực lượng Công an tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng buôn bán, pha trộn chất cấm, ma túy vào dung dịch thuốc lá điện tử để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

         
- Quan trọng hơn hết, mỗi
học sinh và phụ huynh phải tự ý thức được tác hại của hành vi hút thuốc lá đối với bản thân mình và cộng đồng xã hội, từ đó chủ động phòng ngừa, không sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử; kịp thời phát hiện, tố giác, đấu tranh ngăn chặn các hành vi cưỡng ép, dụ dỗ học sinh hút thuốc.

Tác giả bài viết: Khương My - Phòng Tham mưu

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây