1. Cháy, nổ do sử dụng điện
Để phòng ngừa cháy, nổ do dòng điện quá tải, người dân cần thiết kế, lắp đặt hệ thống dây dẫn đúng tiêu chuẩn và có hệ số dự phòng, không tự ý thay đổi các thiết bị tự ngắt; không dùng nhiều thiết bị điện một lúc và cùng 01 ổ cắm; thường xuyên định kỳ kiểm tra hệ thống để khắc phục kịp thời những nguy cơ gây ra quá tải.
Đối với mỗi hộ gia đình phải thường xuyên kiểm tra, thay thế các đường dây điện đã cũ. Mỗi hộ dân nên trang bị 01 đến 02 bình chữa cháy xách tay bằng bột hoặc khí, bảo đảm về chất lượng. Khi xảy ra cháy do sử dụng điện phải nhanh chóng cắt cầu dao điện tổng, báo Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc các cơ quan chức năng gần nhất và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa như bình chữa cháy xách tay, cấm dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện.
2. Cháy, nổ từ các nguyên nhân khác
Ngoài ra, cũng nên lưu ý đề phòng các nguyên nhân khác gây sự cố, cháy, nổ trong gia đình như: Điện thoại di động, thiết bị sạc, việc thờ cúng, nấu nướng... Đồng thời tuân thủ một số biện pháp cơ bản sau:
- Những vật dễ gây sự cố, cháy, nổ trong gia đình như bếp gas, bật lửa, bông gòn… nên để ở nơi thoáng mát, kín đáo hoặc có thể đặt gần nơi có thiết bị chữa cháy…
- Xe mô tô, ô tô là các phương tiện sử dụng nhiên liệu xăng, dầu nên cũng dễ gây sự cố, cháy, nổ khi để trong nhà ở phải cách xa bếp gas, các thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu phải được khóa kín lại, vừa tránh trường hợp cháy, nổ, vừa tránh bốc mùi gas ảnh hưởng tới sức khỏe của chính bạn và người thân trong gia đình.
- Nếu muốn dự trữ xăng dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy thì không nên để gần bếp lửa, nguồn nhiệt…
- Những thiết bị điện như: bàn là, nồi cơm điện, bếp điện… nên để xa tầm tay trẻ em, người già.
- Đặt nơi thờ cúng hợp lý, phía trên bàn thờ nên sử dụng vật liệu không gây cháy. Khi đốt vàng mã phải trông coi, luôn luôn che chắn khi đốt để tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây hỏa hoạn.
- Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, bếp gas, nơi thờ cúng có an toàn chưa. Tắt mọi thiết bị điện không cần thiết.
- Trường hợp nhà có nhiều cửa, có nhiều khóa, nên sử dụng các loại khóa, kiểu chìa khóa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khóa dễ thấy.
- Tương tự với các thiết bị PCCC, bình chữa cháy cũng nên để ở nơi dễ thấy, dễ lấy phòng trường hợp đám cháy xảy ra bất ngờ.
- Hướng dẫn quy trình, phân biệt và cách sử dụng bình chữa cháy cho mọi người trong gia đình cùng biết để kịp thời ứng phó khi rủi ro xảy ra.
- Đối với các gia đình có trẻ nhỏ, người già hay người tàn tật thì phải có biện pháp, thiết bị PCCC phù hợp. Đặc biệt, không nên khóa cửa phòng ngủ của họ.
- Trong nhà tắm luôn luôn để một số xô (thùng) có nước để phòng khi có đám cháy nhỏ xảy ra sẽ kịp thời ứng biến.
3. Đối với các cơ quan, doanh nghiệp cần tuân thủ thực hiện nội quy, quy định về PCCC
Duy trì thường xuyên chế độ và quy trình tự kiểm tra PCCC trong cơ sở (kiểm tra định kỳ và đột xuất), chú trọng kiểm tra tổng thể các thiết bị điện, táp lô điện, định kỳ bảo trì, sửa chữa những hư hỏng để bảo đảm an toàn PCCC về điện. Có quy chế chặt chẽ về việc thực hiện quy định PCCC của cán bộ, công nhân, viên chức. Khi hết giờ làm việc, trước khi ra về ngắt hết các thiết bị điện, tránh gây lãng phí, hao tổn điện năng, cần trang bị hệ thống rơle, cầu chì chuẩn có thể tự ngắt điện khi xảy ra sự cố.
Khi phát hiện đám cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc cơ quan Công an gần nhất, đồng thời, kêu gọi mọi người cùng thoát hiểm.