Logo CAND

Cảnh báo sự cố cháy, nổ và các giải pháp an toàn PCCC khi sử dụng bình nóng lạnh.

Thứ năm - 11/01/2024 20:03 351 0
Thời tiết chuyển lạnh, nhu cầu sử dụng máy nước nóng hoặc bình nóng, lạnh tăng lên rất nhiều. Đặc biệt với những gia đình đông thành viên, bình nóng, lạnh hầu như ngày nào cũng phải hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, bình nóng, lạnh có thể bất ngờ phát nổ, gây nguy hiểm đến tính mạng nếu sử dụng không đúng cách.
Nguyên nhân khiến bình nóng, lạnh cháy, nổ: Hầu như các bình nóng, lạnh mới sử dụng được trang bị đầy đủ các hệ thống an toàn từ nhà sản xuất. Nhưng trong quá trình lắp đặt hay sau một thời gian sử dụng, những chiếc bình nóng, lạnh đều có nguy cơ rò rỉ điện, thậm chí phát nổ nếu không được phát hiện kịp thời và sử dụng đúng cách. Bình nóng, lạnh sử dụng lâu ngày có thể rò điện, thậm chí phát nổ.
         
Nguyên lý hoạt động của bình nóng, lạnh sử dụng điện: Cấu tạo giống ấm đun nước bằng điện với kích thước lớn hơn và trang bị thêm nhiều thiết bị để có thể vận hành và bảo vệ tự động. Cấu tạo của một bình nước nóng, lạnh bao gồm 3 bộ phận: thanh đun, rơ-le, bình chứa nước. Trong đó, bình chứa nước thường được làm bằng nhôm dày, có thể chịu được áp suất cao và áp lực lớn của cột nước lạnh cũng như hơi nước đã được đun nóng gây ra. Bộ phận rơ-le điều chỉnh nhiệt độ nước có tác dụng điều chỉnh nhiệt độ nước theo yêu cầu của người dùng. Rơ-le này có khả năng đóng/mở để ngắt hoặc đun nước theo nhiệt độ được cài đặt.


Các bộ phận an toàn của bình nóng, lạnh điện gồm: van một chiều và van an toàn để hạn chế nhiệt độ nước trong bình tăng. Van an toàn này dùng để xả hơi và nước trong bình khi rơ-le nhiệt độ hỏng khiến thanh đun nước vẫn hoạt động liên tục gây áp lực quá lớn trong bình, tránh cho bình khỏi bị nổ.

Hiện tượng bình nóng lạnh phát nổ có thể do bộ cảm biến điều khiển nhiệt độ, rơ-le nhiệt và van an toàn đóng chặt do lâu ngày bụi bẩn bám. Bình thường khi nhiệt độ trong bình đạt đến 80o C thì rơ-le nhiệt sẽ tự động ngắt không cấp điện cho thanh gia nhiệt. Tuy nhiên, vì do hỏng bộ cảm biến và điều khiển nhiệt độ nên nước cứ thế tiếp tục sôi hơn 80 độ C và sinh ra nhiều hơi làm áp suất tăng lên. Chỉ sau khoảng 20 phút là bình phát nổ vì quá giới hạn chịu lực của vỏ bình nếu không được phát hiện kịp thời.

Các giải pháo đảm bảo an toàn PCCC khi sử dung bình nóng, lạnh:

- Kiểm tra định kỳ các thiết bị điện gia dụng trong nhà là việc làm rất quan trọng. Đặc biệt với bình nóng, lạnh do thường xuyên hoạt động trong môi trường nước ẩm.

- Nên thường xuyên kiểm tra xem bình nóng, lạnh có bị rò rỉ điện hay rơ lỏng các bộ phận hay không. Nếu phát hiện ra bình nóng, lạnh rò rỉ nước ở các khớp nối giữa bộ phận, lúc này cần nhanh chóng khắc phục, bởi hiện tượng này chứng tỏ hệ thống bình, nóng lạnh đang bị hở và có thể dẫn đến nổ bình tại các vị trí bị hở.

- Vệ sinh bình nóng lạnh (đầu vòi sen, nguồn cấp nước) mỗi tháng 01 lần. Nếu nguồn nước không đảm bảo, hãy ngắt điện và vệ sinh bình để tránh hiện tượng bị gỉ sét, ăn mòn và rò rỉ điện. Vệ sinh vòi sen, nguồn cấp nước.

- Giám sát khi nhân viên kỹ thuật lắp đặt thiết bị: Thực tế, các sự cố hỏng hóc thường gặp phải khi có vấn đề ở khâu lắp đặt nếu không may vì một lý do nào đó nhân viên kỹ thuật lắp không đúng yêu cầu từ nhà sản xuất. Vì vậy, việc giám sát và kiểm tra kỹ khâu lắp đặt là việc tất cả người dùng cần làm để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của mình và gia đình.

- Lựa chọn đúng loại dây dẫn công suất phù hợp và chất lượng để tránh bị quá tải, dẫn đến sự cố cháy chập điện. Dây dẫn cũng phải đáp ứng công suất yêu cầu của thanh đun hay aptomat đi kèm, đủ công suất yêu cầu.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa khiến máy nước nóng, lạnh rò điện là khả năng rò điện ra vỏ của rơle nhiệt độ. Vì vậy, để an toàn nhất thiết phải dùng dây nối đất cho bình. Đối với người cẩn thận trước khi sử dụng, nên bật bình nước đun nóng và ngắt aptomat trước khi tắm hoặc sử dụng nước nóng.

Nguyên tắc an toàn bất cứ ai cũng cần ghi nhớ đó là tắt bình nóng, lạnh trước khi tắm. Chỉ nên tắm khi đã cắt cầu dao điện hoặc tắt công tắc ở bình nóng, lạnh, phòng khi bị rò điện.

Lắp đặt thêm hệ thống chống giật và chống cháy, nổ: Nên chọn loại máy có khả năng chống giật, có chế độ bảo hành tốt. Hệ thống chống giật (ELCB) có thể nằm trong máy hoặc phía ngoài, nối với nguồn điện. Khi có hiện tượng rò rỉ hoặc có xung điện, hệ thống này sẽ tự ngắt nguồn, bảo vệ an toàn cho cả người và thiết bị. Thông thường, các sản phẩm có trang bị hệ thống an toàn này có giá đắt hơn đáng kể.

Nếu loại bình gia đình đang sử dụng không có hệ thống này, người dùng có thể lắp thêm hệ thống chống giật cho bình nước nóng hay đơn giản là nối dây tiếp đất để bảo vệ an toàn cho người sử dụng, nhất là loại bình nóng nhanh.
         
Khi phát hiện đám cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất, đồng thời kêu gọi mọi người cùng thoát hiểm.

Tác giả bài viết: Mậu Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây